'Bắt cóc Trịnh Xuân Thanh': Đức bắt thêm nghi phạm người Việt

Trịnh Xuân Thanh

Nguồn hình ảnh, Other

Chụp lại hình ảnh, Trịnh Xuân Thanh

Năm năm sau cáo buộc Việt Nam "bắt cóc" Trịnh Xuân Thanh ngay ở Berlin, chính phủ Đức vẫn đang điều tra và truy nã những nghi phạm liên quan.

Văn phòng công tố liên bang Đức hôm 2/6 tuyên bố một người đàn ông Việt Nam đã bị Cộng hòa Czech cho dẫn độ sang Đức để Đức điều tra cáo buộc tham gia vụ "bắt cóc" Trịnh Xuân Thanh.

Chính phủ Đức khẳng định, sau 11 tháng đến Đức xin tỵ nạn, Trịnh Xuân Thanh đã bị bắt cóc tại Berlin ngày 23/7/2017 để đưa về Việt Nam.

Việt Nam cũng luôn khẳng định Trịnh Xuân Thanh đã "đầu thú" để về quy án tại Việt Nam.

Sau khi bị đưa về Việt Nam, ông Trịnh Xuân Thanh đã nhiều lần phải ra tòa, nhận hai án chung thân.

Nghi phạm bị bắt mới nhất

Hôm 2/6, công tố viên tại Đức tiết lộ một người đàn ông Việt Nam, mà Đức chỉ nêu tên là Anh TL, đã được đưa đến Đức từ Cộng hòa Czech sau khi ông ta bị giam giữ ở Prague vào tháng Tư, theo lệnh bắt giữ của Đức và châu Âu.

Czech giao người này cho Đức vào ngày 1/6.

Nghi can Anh TL phải đối mặt với những cáo buộc gồm hoạt động gián điệp, giúp đỡ và hỗ trợ việc tước đoạt tự do của người khác.

"Vụ bắt cóc được thực hiện bởi các thành viên của cơ quan mật vụ Việt Nam và các nhân viên của đại sứ quán Việt Nam tại Berlin cũng như một số công dân Việt Nam sống ở châu Âu, trong số đó có Anh TL," thông cáo từ phía công tố viên Đức cho báo chí biết ngày 2/6.

Vụ ông Trịnh Xuân Thanh

Nguồn hình ảnh, Other

Chụp lại hình ảnh, Ông Trịnh Xuân Thanh đã 'ra đầu thú' và có đơn 'tự thú' trước chính quyền Việt Nam, theo truyền thông nhà nước.

Nghi can Anh TL "đã tham gia vào việc thực hiện các hoạt động, theo dõi nạn nhân và điều khiển các phương tiện được sử dụng trong điệp vụ", công tố viên cho biết.

Nhắc lại, một năm sau vụ "bắt cóc" Trịnh Xuân Thanh, công dân Việt Nam có tên Long N.H. bị tòa Berlin kết án ba năm 10 tháng tù tội danh hoạt động gián điệp và hỗ trợ công an Việt Nam đột nhập lãnh thổ Đức để bắt cóc người.

Thông cáo của văn phòng công tố Đức ngày 2/6

Nguồn hình ảnh, generalbundesanwalt.de

Chụp lại hình ảnh, Thông cáo của văn phòng công tố Đức ngày 2/6

Trịnh Xuân Thanh từng nói 'ra đầu thú'

Tối ngày 3/8/2017, trên chương trình thời sự 19h của VTV1, ông Trịnh Xuân Thanh xuất hiện.

Trên VTV1 tối đó, ông Thanh nói: "Tôi thấy lo sợ trước kết luận về vi phạm của tôi và phải chịu trách nhiệm là người đứng đầu trong thua lỗ của PVC. Do lo sợ, suy nghĩ không hết, tôi đã quyết định trốn tại Đức."

"Trong thời gian này cuộc sống trốn tránh, bấp bênh luôn lo sợ. Được sự động viên của gia đình, bạn bè, tôi đã về Việt Nam và ra đầu thú tại cơ quan an ninh điều tra để được hưởng sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước và pháp luật."

"Tôi thấy cần phải về đối diện với sự thật. Thứ hai là cần về gặp lại mọi người đặc biệt là những lãnh đạo để báo cáo nhận khuyết điểm, xin lỗi", ông Trịnh Xuân Thanh nói.

Trước đó, ngày 15/9/2016 Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an Việt Nam ra quyết định khởi tố vụ án hình sự: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại điều 165 Bộ luật Hình sự đồng thời ra lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét đối với Trịnh Xuân Thanh.

Tuy nhiên ông Trịnh Xuân Thanh đã bỏ trốn.

Ông Trịnh Xuân Thanh có trình độ Đại học kiến trúc, Kỹ sư Quy hoạch đô thị, ngoại ngữ tiếng Nga.

Sinh năm 1966 ở Hà Nội, ông Thanh nguyên là Chủ tịch hội đồng quản trị Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (Tổng công ty PVC).

Đầu tháng 6/2016, ông Trịnh Xuân Thanh, khi đó đang là Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, được dư luận quan tâm khi báo chí thông tin về việc ông được đưa đón bằng xe tư nhân Lexus LX570 giá 5 tỷ đồng, nhưng gắn biển xanh. Báo chí khi đó cũng nhắc lại tình trạng thua lỗ nặng ở Tổng công ty PVC.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đó giao 9 cơ quan kiểm tra, kết luận những nội dung mà báo chí nói về ông Thanh.

Trước khi bỏ trốn, ông Thanh sống tại khu đô thị Nam Thăng Long (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ).

Theo cáo buộc của Việt Nam, giai đoạn 2011-2013, ông Thanh cùng lãnh đạo PVC gây thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng.

Hãng tin Đức DW ngày 2/6 cho biết: "Chính phủ Đức coi vụ bắt cóc là xâm phạm chủ quyền quốc gia. Đức cũng từng trục xuất hai nhà ngoại giao Việt Nam vì vụ bắt cóc và bày tỏ phản đối với đại sứ Việt Nam."

Thông cáo của văn phòng công tố liên bang Đức ngày 2/6 nói: "Vào ngày 23 tháng 7 năm 2017, Trịnh Xuân Thanh quốc tịch Việt Nam và người bạn của ông ta đã bị cưỡng bức kéo vào một chiếc xe tải trên đường phố ở Berlin như một phần của chiến dịch của cơ quan mật vụ Việt Nam và sau đó đưa về Việt Nam trái với ý muốn của ông ta."

"Vụ bắt cóc được thực hiện bởi các nhân viên của cơ quan mật vụ Việt Nam và các viên chức của đại sứ quán Việt Nam tại Berlin, cũng như một số công dân Việt Nam sống ở châu Âu, bao gồm cả các chiếc xe mà Anh TL sử dụng trong chiến dịch này," công tố viên Đức nói.

Trịnh Xuân Thanh nhận hai án chung thân ở Hà Nội

Sáng 8/1/2018, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).

Cùng ra tòa lúc đó có cả cựu ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng (sinh năm 1960, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN).

Kết quả, TAND TP Hà Nội, vào sáng 22/1, đã tuyên phạt ông Đinh La Thăng 13 năm tù về tội Cố ý làm trái, ông Trịnh Xuân Thanh tù chung thân về hai tội tham ô và cố ý làm trái.

Đến sáng 24/1/2018, ông Trịnh Xuân Thanh tiếp tục phải hầu tòa trong vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land).

Tòa án Hà Nội, vào sáng 5/2/2018, tuyên án ông Trịnh Xuân Thanh mức án tù chung thân vì vụ án ở PVP Land.

Trịnh Xuân Thanh than khi ra tòa năm 2021

Đến tháng Ba năm 2021, ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh lại tiếp tục phải ra tòa trong vụ án xảy ra tại dự án Ethanol Phú Thọ.

Báo Thanh Niên ngày 10/3/2021 dẫn lời ông Trịnh Xuân Thanh ở tòa: "Tôi có 3 năm rưỡi ngồi trong nhà tù, nghĩ mãi không biết vì sao vụ án này lại được đưa ra xét xử, đặc biệt là với nhà thầu chúng tôi. Rõ ràng đây là dự án thua lỗ do không đủ tiền."

"Tôi nhớ năm 2013, tôi bắt đầu không điều hành nữa nhưng có công văn dừng thi công thì chủ đầu tư phải làm việc với nhà thầu để quyết toán, thanh lý, bồi thường hợp đồng… Tiền lãi vay các ông phải trả sao lại đổ cho nhà thầu chúng tôi. Rồi kéo dài đến năm 2019, khởi tố vụ án rồi bắt đền chúng tôi là không đúng. Chủ đầu tư phải có trách nhiệm từ khi PVC có văn bản dừng thi công..."

Ngày 12/3, tại tòa, theo báo Tuổi Trẻ, ông Xuân Thanh nói: "Tôi đã lãnh án chung thân rồi, bây giờ nhận thêm chục năm nữa cũng không là gì nhưng những đồng nghiệp, cấp dưới của tôi không làm gì sai sao phải ra tòa?"

Chiều 15/3/2021, tòa án ở Hà Nội tuyên bị cáo Đinh La Thăng 11 năm tù, Trịnh Xuân Thanh 18 năm tù, vì vụ án xảy ra tại dự án Ethanol Phú Thọ.