Bà Trương Thị Mai mất chức, chính trường nhiễu động, từ góc nhìn quốc tế

Từng được đánh giá là nhân vật có nhiều triển vọng, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đã phải chấm dứt sự nghiệp chính trị vào ngày 16/5
Chụp lại hình ảnh, Từng được đánh giá là nhân vật có nhiều triển vọng, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đã phải chấm dứt sự nghiệp chính trị vào ngày 16/5

Bà Trương Thị Mai mất chức, Bộ Chính trị bổ sung ủy viên, ông Tô Lâm được giới thiệu làm chủ tịch nước. Những diễn biến kinh thiên động địa trên chính trường Việt Nam tiếp tục thu hút sự quan tâm của báo chí và giới quan sát quốc tế.

Từng được đánh giá là ứng cử viên sáng giá cho vị trí chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đã phải chấm dứt sự nghiệp chính trị của mình vào ngày 16/5 sau khi Trung ương Đảng kết luận bà có nhiều vi phạm.

Trong một bài viết ngày 17/5 trên The Diplomat, tác giả Sebastian Strangio cho rằng bà Mai mất chức là do chiến dịch chống tham nhũng, còn gọi là “đốt lò”, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Bình luận về sự kiện này, báo Nikkei Asia đã viết rằng bà Mai “bị buộc thôi chức” chứ không phải “xin thôi” như báo chí Việt Nam đưa tin.

Giáo sư Abuza từ Đại học National War College (Mỹ) nhận định với BBC News Tiếng Việt rằng bà Mai “bị nhắm đến” do bà là một trong ba người đủ tiêu chuẩn để kế nhiệm chức vụ tổng bí thư.

Hiện tại, có hai người đạt đủ các tiêu chuẩn để kế nhiệm chức vụ đứng đầu đảng là Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Công an Tô Lâm.

Ngoài ra, còn khả năng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm tiếp nhiệm kỳ thứ tư.

Chụp lại video, Bà Trương Thị Mai từ chức: Tại sao?

Trả lời BBC News Tiếng Việt hôm 17/5, Giáo sư Alexander L Vuving từ Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương Daniel K. Inouye cũng đề cập đến các khả năng trên.

“Sự kiện bà Trương Thị Mai từ chức bó hẹp lựa chọn người kế vị cho vị trí đứng đầu Đảng hiện nay là ông Nguyễn Phú Trọng. Hiện chỉ còn hai người đủ tiêu chuẩn trên giấy tờ để kế nhiệm ông Trọng: Đại tướng Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính, cả hai đều có nền tảng từ Bộ Công an,” Giáo sư Vuving nói.

Theo ông, việc chỉ còn hai người kế nhiệm sẽ nâng cao khả năng ông Trọng giữ ghế, làm tiếp nhiệm kỳ thứ tư vô tiền khoáng hậu.

Về khuyết điểm của bà Mai, theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong thời gian giữ cương vị ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Dân vận Trung ương, bà đã có một số vi phạm, khuyết điểm trong việc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và cá nhân.

Điều đáng chú ý ở đây là nội dung báo cáo đã nêu rõ những vi phạm, khuyết điểm của bà Mai xảy ra khi bà nắm giữ cương vị ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Dân vận Trung ương, tức từ khoảng năm 2016 đến năm 2021.

Thông báo không đề cập đến giai đoạn bà Mai nắm giữ hai chức vụ quan trọng trong Đảng, là thường trực Ban Bí thư và trưởng Ban Tổ chức Trung ương trong nhiệm kỳ khóa 13.

Việc nêu rõ giai đoạn “mắc khuyết điểm” có phần khác với các thông báo về vi phạm dẫn đến mất chức của ông Võ Văn Thưởng và ông Vương Đình Huệ.

Quy trình chọn lãnh đạo của Việt Nam là Đảng quyết trước rồi mới đến Quốc hội làm thủ tục.

Nhân sự cho hai chức danh trên sẽ đưa quyết định tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa 15 khai mạc vào thứ Hai ngày 20/5.

Thế của ông Tô Lâm

Đại tướng Tô Lâm có thể làm chủ tịch nước kiêm bộ trưởng Công an
Chụp lại hình ảnh, Đại tướng Tô Lâm có thể làm chủ tịch nước kiêm bộ trưởng Công an

“Việc bà Trương Thị Mai từ chức đã tạo thêm áp lực khiến Đại tướng Tô Lâm phải rời Bộ Công an để làm chủ tịch nước,” Giáo sư Vuving nhận định hôm 17/5.

Nhận định này của Giáo sư Vuving đã khớp với diễn biến sau đó, khi Trung ương Đảng chính thức giới thiệu ông Tô Lâm cho vị trí này vào hôm 18/5.

Đánh giá với BBC Tiếng Việt trong thời gian gần đây, một số nhà quan sát cho rằng việc giữ chức chủ tịch nước từ nay cho đến Đại hội 14 (đầu năm 2026) sẽ tạo bước đệm để Đại tướng Tô Lâm có thể tiếp quản ghế tổng bí thư.

Bởi lẽ, khi đã vào “Tứ Trụ”, ông sẽ có suất đặc biệt tại Đại hội 14 để tái cử.

Tuy nhiên, có một điểm mà các nhà quan sát cũng đánh giá với BBC, đó là một khi làm chủ tịch nước, ông Tô Lâm có thể được miễn nhiệm chức danh bộ trưởng Bộ Công an.

Có nghĩa rằng, về cơ bản ông sẽ không có quyền điều hành các hoạt động điều tra như trước đây nữa và điều này sẽ gây bất lợi cho ông, trong bối cảnh chính trường ngày càng nóng bỏng ở giai đoạn tiền Đại hội 14.

Đây chính là thế lưỡng nan của Đại tướng Tô Lâm. Và có lẽ đây chính là điều đã khiến cho việc tìm người kế nhiệm ông Tô Lâm ở vị trí bộ trưởng Bộ Công an chưa được “thông suốt”.

Vào sáng 19/5, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết tại kỳ họp 7 (diễn ra từ ngày 20/5), Quốc hội sẽ bầu chức danh chủ tịch nước đối với ông Tô Lâm. Tuy nhiên, Quốc hội sẽ không thực hiện quy trình miễn nhiệm chức danh bộ trưởng Công an đối với ông và cũng chưa phê chuẩn nhân sự bộ trưởng Công an thay thế ông Tô Lâm.

Như vậy, theo lời ông Cường, Việt Nam sẽ có một chủ tịch nước kiêm bộ trưởng Công an, ít nhất là trong thời gian trước mắt.

Đó sẽ là một vị trí siêu quyền lực của vị đại tướng công an, và điều này, dù trong ngắn hạn hay dài hạn, sẽ càng củng cố hình ảnh “nhà nước công an trị” như đánh giá của các nhà phân tích nước ngoài.

Cán cân quyền lực

Các ông Tô Lâm, Nguyễn Phú Trọng, Lương Cường
Chụp lại hình ảnh, Nhiều nhà quan sát đánh giá rằng chỉ có quân đội mới có thể làm đối trọng để kiểm soát quyền lực của Bộ Công an

Sau khi bà Trương Thị Mai thôi chức, ông Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, được phân công làm thường trực Ban Bí thư.

Ông Lương Cường cũng là Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương - cơ quan lãnh đạo mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với quân đội.

Ông Lương Cường có trình độ chuyên môn là cử nhân xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước và từng có thời gian học bồi dưỡng cán bộ cấp cao tại Trung Quốc (12/2011 và 11/2013).

Việc ông Lương Cường nắm giữ chức vụ thường trực Ban Bí thư - một vị trí mà nếu xét quyền lực về mặt đảng thì chỉ xếp sau tổng bí thư - được đánh giá sẽ cân bằng lại cán cân quyền lực giữa lực lượng công an và lực lượng quân đội.

“Việc thăng cấp thường trực Ban Bí thư cho Đại tướng Lương Cường giúp điều chỉnh lại cán cân quyền lực trong nhóm lãnh đạo cao nhất của Đảng, đặc biệt là giữa hai lực lượng vũ trang của Đảng – đó là công an và quân đội,” Giáo sư Vuving bình luận với BBC.

Giáo sư Abuza có ý kiến tương tự:

“Tôi không nghĩ rằng ông Trọng có thể kiểm soát được tình hình vào lúc này. Hiện chỉ còn một đối trọng đối với Bộ Công an là quân đội.”

Trong bài viết ngày 17/5 trên The Diplomat, ông Sebastian Strangio bình luận:

“Việc bổ nhiệm ông Cường cho thấy dàn lãnh đạo càng bị thống trị bởi quân đội và Bộ Công an, cơ quan được giao trách nhiệm chính trong công cuộc chống tham nhũng.”

Giáo sư Abuza cũng đã nhiều lần nhắc tới thẩm quyền điều tra của Bộ Công an và ông Tô Lâm. Giáo sư cho rằng ông Tô Lâm đã tận dụng điều này, cũng như sử dụng chiến dịch đốt lò, để hạ bệ các đối thủ chính trị.

Chụp lại video, Trung ương Đảng họp: Bố trí nhân sự cho "Tứ Trụ" và gì nữa?

Sau khi Đại tướng Lương Cường nhận chức vụ mới, ông Abuza đặt ra một vấn đề mới:

“Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng có hệ thống điều tra, xét xử và chống tham nhũng riêng.”

“Chúng ta không biết liệu Bộ Quốc phòng có sử dụng bộ máy điều tra đó để điều tra Bộ Trưởng Tô Lâm và gia đình ông ta hay không nếu tình hình diễn biến xấu đi và người ta thấy rằng cần kiểm soát ông Tô Lâm.”

Nói về vị tân thường trực Ban Bí thư, Giáo sư Carl Thayer, một nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm, đề cập tới một khía cạnh khác.

“Trong khi các nhà quan sát nước ngoài đánh giá rằng Việt Nam ngày càng nghiêng về phía Trung Quốc, không ai nói tới Bộ Quốc phòng Việt Nam cả.”

“Xét tới điều này là vô cùng quan trọng. Nhân sự của Bộ Quốc phòng trong Ban Chấp hành Trung ương lớn hơn so với nhân sự của Bộ Công an.”

“Khả năng cao là họ sẽ không ủng hộ những động thái có thể gây thêm bất ổn vào lúc này.”

Ở đây ông Thayer đang nói tới các ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Cụ thể, Bộ Quốc phòng có 23 ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong đó có hai ủy viên Bộ Chính trị. Bộ Công an có 6 ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong đó có một ủy viên Bộ Chính trị.

Ở đây chỉ xét những người đang công tác trong các lực lượng vũ trang, không kể những người đã chuyển ngành.

Cán cân trên phần nào cho thấy tầm quan trọng của Bộ Quốc phòng trong cấu trúc quyền lực của Việt Nam.

Nỗi lo của Đảng

Sau khi bà Mai thôi chức, số lượng ủy viên Bộ Chính trị giảm từ 13 xuống 12 người.

Tại Hội nghị Trung ương 9 diễn ra từ ngày 16 đến 18/5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 đã bầu bổ sung 4 ủy viên Bộ Chính trị, gồm:

Ông Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng;

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương;

Bà Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương;

Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Nhìn vào những thay đổi này, ông Sebastian Strangio nêu nhận định trong bài viết trên The Diplomat:

“Mức độ thay đổi [nhân sự] chưa từng có ở thượng tầng Đảng Cộng sản Việt Nam báo hiệu rằng ban lãnh đạo được bầu ra tại Đại hội Đảng 14 sẽ rất khác so với nhóm lãnh đạo nhậm chức vào năm 2021 [thời điểm diễn ra Đại hội Đảng 13].”

Bốn nhận sự mới của Bộ Chính trị, từ trái qua lần lượt là: ông Nguyễn Trọng Nghĩa, bà Bùi Thị Minh Hoài, ông Lê Minh Hưng và ông Đỗ Văn Chiến.
Chụp lại hình ảnh, Bốn nhận sự mới của Bộ Chính trị, từ trái qua lần lượt là: ông Nguyễn Trọng Nghĩa, bà Bùi Thị Minh Hoài, ông Lê Minh Hưng và ông Đỗ Văn Chiến.

Giáo sư Thayer nhận xét rằng điều này có thể giúp mang lại những tiếng nói và quan điểm mới tới Bộ Chính trị.

Trong khi đó, Giáo sư Abuza cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy Đảng đang rất lo lắng “về công tác huy động quần chúng và sự kiểm soát của Đảng”.

“Nếu nhìn vào bốn thành viên mới, bạn sẽ thấy Đảng đang thực sự quan ngại về công tác huy động quần chúng và sự kiểm soát của Đảng.”

“Thế là họ đưa người đứng đầu Ban Dân vận Trung ương vào, họ đưa người đứng đầu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào, rồi họ đưa trưởng ban Tuyên giáo Trung ương vào. Bản thân trưởng ban Tuyên giáo là một cựu sĩ quan quân đội từ Tổng cục Chính trị,” ông Abuza bình luận với BBC.

Tức là có ba trong số bốn người (ngoại trừ ông Lê Minh Hưng) là từ Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận và Mặt trận Tổ quốc.

Ông Abuza cho rằng ba người này đều không có nhiều kinh nghiệm trong quản lý nhà nước hay trong lĩnh vực kinh tế.

Do được bổ nhiệm vào giữa nhiệm kỳ, bốn người nói trên đều không đạt yêu cầu của Quy Định 214-QĐ/TW để nắm giữ những chức vụ trong “Tứ trụ” khi nhiệm kỳ hiện tại kết thúc.

“Họ chỉ có thể hi vọng rằng mình sẽ được bầu vào Bộ Chính trị một lần nữa,” Giáo sư Carl Thayer nhận xét.

Hành chính trì trệ, ngoại giao trục trặc

Có những đánh giá cho rằng tình hình chính trị Việt Nam đang gây ảnh hưởng tới nền kinh tế và hoạt động ngoại giao

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Có những đánh giá cho rằng tình hình chính trị Việt Nam đang gây ảnh hưởng tới nền kinh tế và hoạt động ngoại giao

Ông David Hutt, nhà nghiên cứu từ Viện Trung Âu về Nghiên cứu châu Á (CEIAS), có một bài viết đăng tải ngày 17/5 trên The Diplomat, trong đó cho rằng chiến dịch chống tham nhũng là một cách để Đảng chứng minh tính chính danh.

“Đối với ông Trọng, cũng như ông Hồ Chí Minh, Đảng phải là lực lượng ‘có đạo đức’, phải được người dân tôn trọng vì những lý do khác ngoài lợi ích kinh tế.”

Tuy nhiên, chiến dịch “đốt lò” có thể đã gây những ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Ông Hutt viết:

“Vấn đề bây giờ là liệu điều này [chiến dịch đốt lò] có làm suy yếu nền kinh tế hay không. Nhiều người nói là có.

“Quan chức bây giờ đang trì hoãn các quyết định quan trọng vì sợ bị khiển trách về việc làm thất thoát tiền nhà nước.”

Mới đây, Reuters đã trích dẫn một bức thư của Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới và các nhà tài trợ phương Tây gửi tới chính phủ Việt Nam.

Bức thư nêu rõ Việt Nam đã bỏ lỡ ít nhất 2,5 tỷ USD viện trợ nước ngoài trong ba năm qua và có thể mất thêm 1 tỷ USD nữa do những trì trệ của bộ máy hành chính.

Nội dung bức thư cho thấy sự thất vọng của các nhà đầu tư nước ngoài với những rào cản pháp lý và các thủ tục phê duyệt kéo dài ở Việt Nam.

"Khoảng 1 tỷ USD tiền tài trợ cho phát triển đang chờ được phê duyệt, 2,5 tỷ USD đã được hoàn trả do hết hạn tài trợ,” bức thư viết.

Theo hai quan chức nước ngoài được Reuters phỏng vấn, những yếu tố trên liên quan trực tiếp tới chiến dịch “đốt lò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đánh giá này tương đồng với ý kiến của của một số chuyên gia mà BBC đã phỏng vấn trong thời gian gần đây, sau một loạt các vụ từ chức của lãnh đạo cấp cao tại Việt Nam.

Về vấn đề này, văn phòng Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam hiện chưa phản hồi yêu cầu bình luận của Reuters.

Bất ổn chính trị ở Việt Nam cũng được cho là đã có tác động tới các hoạt động ngoại giao.

Hôm 15/5, Tiến sĩ Ian Storey, học giả của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) đặt tại Singapore, nhận định với BBC News Tiếng Việt rằng:

“Tôi cho rằng với tình hình chính trị bất ổn ở Việt Nam hiện nay, Hà Nội sẽ nói với Moscow rằng đây không phải là thời điểm thích hợp để ông Putin ghé thăm.

Trong tháng 5, chuyến thăm dự kiến của một quan chức EU cũng đã bị hoãn.

Còn hồi tháng 3, nhà nước Việt Nam đã đột ngột hủy chuyến thăm của Vua và Hoàng hậu Hà Lan, chỉ vài ngày trước khi chuyến thăm dự kiến diễn ra. Phía Việt Nam chỉ nêu hoãn vì “lý do nội bộ”, nhưng sau đó hóa ra chuyện nội bộ này là sự kiện Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mất chức.