Giá vàng 'điên loạn', phải bỏ độc quyền nhà nước mới hết?

Nhiều người Việt Nam muốn tích trữ vàng như một cách đảm bảo tài sản trước tình hình kinh tế vĩ mô nhiều biến động. Ảnh: Một cửa hàng kinh doanh vàng tại Hà Nội

Nguồn hình ảnh, HOANG DINH NAM/AFP via Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Nhiều người Việt Nam muốn tích trữ vàng như một cách đảm bảo tài sản trước tình hình kinh tế vĩ mô nhiều biến động. Ảnh: Một cửa hàng kinh doanh vàng tại Hà Nội.

Trái với kỳ vọng giảm nhiệt thông qua đấu thầu, giá vàng ở Việt Nam liên tiếp xô đổ các kỷ lục, thiết lập đỉnh mới hơn 92 triệu đồng/lượng vào ngày 10/5, khiến Chính phủ phải vào cuộc.

Văn phòng Chính phủ Việt Nam hôm 10/5 đã ban hành văn bản thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.

Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu khẩn trương rà soát, đánh giá toàn diện kết quả triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua.

"Việc này phải báo cáo Thủ tướng kết quả trong tháng 5, không để chậm trễ hơn nữa," ông Khái yêu cầu.

Lãnh đạo Chính phủ cũng tiếp tục yêu cầu quản lý chặt sản xuất và kinh doanh vàng miếng, xử nghiêm các trường hợp buôn lậu, thẩm lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá, cạnh tranh không đúng quy định, chuyển ngay hồ sơ vi phạm sang Bộ Công an.

Trên thực tế, lãnh đạo Chính phủ đã nhiều lần đưa ra chỉ đạo với ngành ngân hàng trong bối cảnh giá vàng tăng vọt, bất chấp nhà điều hành đấu thầu tăng cung cho thị trường. Các nỗ lực thanh tra, đấu thầu đã được triển khai để chấn chỉnh hoạt động của thị trường vàng. Tuy nhiên, tất cả các giải pháp đến nay đã không phát huy tác dụng.

Trả lời BBC News Tiếng Việt hôm 11/5, Tiến sĩ Công Phạm, Giảng viên cấp cao tại Đại học Deakin (Úc), nhận định vấn đề đáng quan tâm hiện nay là cách biệt giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới.

"Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng nước ngoài là quá cao. Chừng nào mà giá vàng trong nước cao hơn nhiều so với giá vàng thế giới, thì chừng đó quan điểm cho rằng không có việc làm giá, đẩy giá trục lợi là rất khó thuyết phục", ông nói thêm.

Giá vàng 'điên loạn', vì sao?

Sáng 10/5, giá vàng miếng SJC lên 92,4 triệu đồng một lượng, cao nhất từ trước đến nay. Mức chênh lệch giá với thế giới cũng nới rộng, khoảng 18,5 triệu đồng một lượng.

Lực mua lớn trong lúc giá tăng vọt khiến nhiều thương hiệu tại Hà Nội, TP HCM hết vàng miếng và nhẫn trơn hoặc giới hạn số lượng mỗi người chỉ được mua ba chỉ.

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có động thái can thiệp thông qua đấu thầu, nhưng chỉ khoảng 6.800 lượng vàng miếng được doanh nghiệp mua từ Ngân hàng Nhà nước sau các lần tổ chức đấu thầu 16.800 lượng/phiên.

Mức này chiếm khoảng 8% so với tổng số mời thầu của cơ quan quản lý, số còn lại bị "ế" và thậm chí đã hoãn ba phiên trong số năm phiên do vắng thành viên đăng ký.

Theo giới chuyên gia, nguyên nhân khiến các phiên đấu thầu vàng miếng thời gian qua đều "ế ẩm" bởi giá cao và khối lượng đấu thầu lớn.

Một minh chứng rõ ràng trong phiên đấu thầu ngày 8/5, giá đấu thầu mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra là 86,05 triệu đồng/lượng, cao hơn giá mua vào của các đơn vị kinh doanh khoảng 800.000 đồng/lượng. Vì vậy, ngay sau khi kết thúc đấu thầu, giá vàng trên thị trường đã tăng lại lên mức cao kỷ lục.

"Đơn vị đấu thầu để tăng cung lại có 'hại' cho chính mình, mua giá cao - bán giá thấp, doanh nghiệp sẽ chết," tờ Tiền Phong hôm 8/5 dẫn lời ông Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia.

Theo ông Nghĩa, nếu muốn giảm giá vàng thông qua đấu thầu vàng thì mức giá đưa ra đấu thầu phải thấp. Ví dụ, giá vàng thế giới quy đổi ra khoảng 71 triệu đồng/lượng, giá đấu thầu 71 triệu đồng/lượng, có như vậy mới thu hút được người mua. Bởi khi đó, các đơn vị tham gia hy vọng mua với giá 71 triệu đồng/lượng và bán ra 72 triệu đồng/lượng. Mua thầu với mức giá 85 triệu để bán lại với giá 80 triệu thì không đơn vị nào tham gia.

Ngoài ra, giá đấu thầu cao cũng được cho là càng kích thích tâm lý tích trữ của người dân, khiến mục tiêu kéo giá vàng trong nước gần thế giới khó khả thi.

Giá trúng thầu trong phiên đấu thầu hôm 8/5 là 86,05 triệu đồng/lượng

Nguồn hình ảnh, VGP

Chụp lại hình ảnh, Giá trúng thầu trong phiên đấu thầu hôm 8/5 là 86,05 triệu đồng/lượng

Trả lời BBC hồi tháng 4, Tiến sĩ Công Phạm cho rằng việc đấu thầu vàng giúp bình ổn thị trường nhưng chỉ phát huy tác dụng nếu phiên đấu giá vàng đáp ứng các tiêu chí:

  • Thứ nhất là những quy định và thủ tục đấu thầu phải rõ ràng, minh bạch và được phổ biến đầy đủ và công khai.
  • Thứ hai, phải có sự đối xử công bằng với tất cả người tham gia.
  • Thứ ba, lượng vàng đưa vào đấu giá phải đủ lớn và thu hút được nhiều người tham gia.
  • Thứ tư, phải có cơ quan giám sát chặt chẽ việc tiến hành đấu giá, ngăn ngừa gian lận.
  • Cuối cùng, cần có đánh giá định kỳ sau mỗi lần tiến hành đấu giá để cải thiện cho những lần sau.

Bên cạnh đó, ông Lê Xuân Nghĩa trả lời trên Tiền Phong rằng việc “độc quyền” không cho nhập khẩu của cơ quan quản lý cũng là một nguyên nhân khiến giá vàng ở Việt Nam “một mình một cõi”.

Từ năm 2012, theo nghị định 24/2012, thị trường vàng của Việt Nam liên quan tới sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng do nhà nước độc quyền.

Công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn (SJC) trực thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh được Ngân hàng Nhà nước thuê gia công thương hiệu vàng miếng SJC.

Chuyên gia đề nghị xóa bỏ độc quyền

Trong báo cáo Xu hướng nhu cầu vàng trong quý 1/2024 công bố hôm 8/5 của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm giám đốc Ngân hàng Trung ương toàn cầu tại Hội đồng Vàng thế giới, chỉ ra chính sách hạn chế nhập khẩu vàng là nguyên nhân chính khiến giá vàng tại Việt Nam chênh lệch lớn với giá vàng thế giới.

Theo ông, việc cho phép nhập khẩu vàng sẽ giúp kéo giảm khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng ở Việt Nam và trên thế giới. Việc sửa đổi Nghị định 24/2012 một cách phù hợp sẽ giúp chính phủ quản lý được thị trường vàng chính thức.

Nhưng vị chuyên gia này cũng cảnh báo nhập khẩu vàng sẽ có tác động nhất định tới kinh tế vĩ mô.

Ngoài ra, có nhiều ý kiến cho rằng việc xóa bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng sẽ phù hợp với kinh nghiệm quốc tế, tăng cung vàng miếng trên thị trường, giải quyết được vấn đề chênh lệch giá.

“Việc Ngân hàng Nhà nước không còn nắm giữ độc quyền thương hiệu vàng SJC cũng như trao quyền nhập khẩu vàng cho nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh vàng sẽ giúp cung cầu trên thị trường cân bằng hơn. Đồng thời, động thái này cũng giúp kéo giảm sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới,” báo Pháp Luật TP HCM ngày 11/5 dẫn lời chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam độc quyền nhập khẩu, kinh doanh vàng trong nhiều năm qua

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam độc quyền nhập khẩu, kinh doanh vàng trong nhiều năm qua

Tiến sĩ Công Phạm đánh giá vai trò của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong thời gian qua:

"Việc ngân hàng trung ương của một quốc gia điều tiết thị trường vàng như một phần trong chính sách ổn định kinh tế vĩ mô được nhiều nước áp dụng. Tuy nhiên, với Nghị định 24/2012, thị trường vàng Việt Nam do Ngân hàng Nhà nước nắm độc quyền điều tiết thuộc mức chặt chẽ nhất so với các nước trong khu vực. Trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước không chỉ quản lý mà còn tham gia kinh doanh vàng thông qua Công ty SJC."

"Trong giai đoạn từ sau 2012 khi Nghị định 24 được áp dụng, giá vàng trong nước đều cao hơn giá vàng thế giới, đặc biệt là trong những năm từ 2020 trở lại đây."

"Sự chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế khá lớn, có hệ thống và có chiều hướng tăng đều từ 2012 tới nay đã làm cho quan điểm của Ngân hàng Nhà nước và Công ty SJC cho rằng không có sự làm giá và giá vàng hoàn toàn do cung cầu của thị trường quyết định rất khó thuyết phục."

Vấn đề Ngân hàng Nhà nước Việt Nam độc quyền nhập khẩu, kinh doanh vàng trong những năm qua đã được các đại biểu quốc hội chất vấn tại nghị trường, chuyên gia phân tích và người dân thắc mắc.

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có lời giải thích thỏa đáng từ cơ quan chức năng, cùng với đó có những hoài nghi về khả năng nảy sinh tham nhũng khi duy trì độc quyền kinh doanh.