Đại tướng Tô Lâm và ông Trần Thanh Mẫn được Đảng chốt vào 'Tứ Trụ'

Ông Trần Thanh Mẫn và Đại tướng Tô Lâm được Ban Chấp hành Trung ương giới thiệu vào "Tứ Trụ"
Chụp lại hình ảnh, Ông Trần Thanh Mẫn và Đại tướng Tô Lâm được Ban Chấp hành Trung ương giới thiệu vào "Tứ Trụ"

Hội nghị lần 9 của Trung ương Đảng đã quyết định giới thiệu nhân sự để bầu chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, thay cho ông Võ Văn Thưởng và ông Vương Đình Huệ. Hai ông Tô Lâm và Trần Thanh Mẫn đã được chọn.

Sau khi ông Võ Văn Thưởng rời ghế chủ tịch nước vào tháng 3 thì bà Võ Thị Ánh Xuân giữ quyền chủ tịch nước.

Còn đối với Quốc hội, sau khi ông Vương Đình Huệ xin thôi chức vào khoảng cuối tháng 4 thì Phó Chủ tịch thường trực Trần Thanh Mẫn được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.

Tại Hội nghị Trung ương 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã cho ra hai cái tên:

  • Đại tướng Tô Lâm được giới thiệu để bầu chủ tịch nước
  • Ông Trần Thanh Mẫn giới thiệu để bầu chủ tịch Quốc hội

Theo Luật Tổ chức Quốc hội 2014, Quốc hội là cơ quan bầu ra nhiều vị trí trong bộ máy nhà nước, trong đó có ba chức danh trong "Tứ Trụ":

  • Chủ tịch Quốc hội được bầu trong số các đại biểu Quốc hội theo danh sách đề cử của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
  • Chủ tịch nước được bầu trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
  • Thủ tướng Chính phủ được bầu trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của chủ tịch nước

Quốc hội cũng phê chuẩn các chức danh trong chính phủ (chẳng hạn bộ trưởng) theo đề xuất của thủ tướng.

Sau khi Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã được giới thiệu để làm chủ tịch nước, thì vị trí bộ trưởng mà ông để lại cũng cần Quốc hội phê chuẩn.

Trên thực tế, với cơ chế Đảng lãnh đạo toàn diện, các sắp xếp trong Đảng Cộng sản Việt Nam được coi là quyết định và việc bỏ phiếu tại Quốc hội là bước hợp thức hóa sự sắp xếp ấy của Đảng, bao gồm cả việc bầu hay miễn nhiệm các chức vụ.

Như vậy, trong cuộc họp thường kỳ lần 7 của Quốc hội khóa 15 sẽ khai mạc vào 20/5, hầu như chắc chắn ông Tô Lâm và ông Trần Thanh Mẫn sẽ chính thức được bầu vào "Tứ Trụ", đồng thời có khả năng công bố người thay thế ông Tô Lâm ở vị trí bộ trưởng Công an.

Đại tướng Tô Lâm

Nhiều nhà quan sát cho rằng, Đại tướng Tô Lâm có tham vọng trở thành tổng bí thư, nhưng để làm được điều này, ông cần phải vào "Tứ Trụ" trước
Chụp lại hình ảnh, Nhiều nhà quan sát cho rằng Đại tướng Tô Lâm có tham vọng trở thành tổng bí thư, nhưng để làm được điều này, ông cần phải vào "Tứ Trụ" trước

Theo các chuyên gia, việc bà Trương Thị Mai từ chức đã tạo thêm áp lực lên Đại tướng Tô Lâm theo hướng ông sẽ rời Bộ Công an để làm chủ tịch nước.

Giáo sư Alexander L Vuving, Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye (Hoa Kỳ), nói với BBC News Tiếng Việt rằng việc bà Trương Thị Mai được Đảng cho thôi khiến việc chọn người kế nhiệm chức tổng bí thư bị bó hẹp.

"Hiện chỉ còn hai người đủ tiêu chuẩn trên giấy tờ để kế nhiệm ông Trọng: Đại tướng Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính, cả hai đều có nền tảng từ Bộ Công an. Điều này sẽ làm tăng cơ hội để ông Trọng làm nhiệm kỳ tổng bí thư thứ tư liên tiếp, chưa từng có tiền lệ, nếu ông còn sống.

"Việc thăng cấp thường trực Ban Bí thư cho Đại tướng Lương Cường giúp điều chỉnh lại cán cân quyền lực trong nhóm lãnh đạo cao nhất của Đảng, đặc biệt là giữa hai lực lượng vũ trang của Đảng – đó là công an và quân đội," theo GS Vuving.

Về việc ông Tô Lâm trở thành chủ tịch nước, Tiến sĩ Bill Hayton trên trang web của Chatham House (Viện nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh) viết rằng Việt Nam sẽ càng tô đậm ấn tượng về một nhà nước “công an trị”.

Bởi lẽ, khi đó “Tứ Trụ” sẽ có hai người đi lên từ ngành công an là ông Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Tính cả ông Chính và ông Lâm thì Bộ Chính trị có 5 nhân vật xuất thân từ công an.

Một số nhà quan sát nói với BBC rằng, trở thành chủ tịch nước là "bàn đạp" để ông Tô Lâm có thể củng cố quyền lực để trở thành tổng bí thư trong tương lai.

Ông Tô Lâm hiện đã giữ chức bộ trưởng Công an hai nhiệm kỳ và không thể tiếp tục thêm một nhiệm kỳ nữa, theo Điều 41 Nghị định 138/2020/NĐ-CP.

Nếu không vào "Tứ Trụ", ông Tô Lâm sẽ phải về hưu vào 2026, nhưng Quy định 214 của Bộ Chính trị có xét "trường hợp đặc biệt" đối với các chức danh "Tứ Trụ".

Chưa kể, xét các đời tổng bí thư từ sau Đổi mới tới nay, có thể thấy một thông lệ rằng các vị này đều đã nắm chức vụ trong "Tứ Trụ" hoặc là thường trực Ban Bí thư (trường hợp Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Lê Khả Phiêu).

Giáo sư Carl Thayer từng thông tin rằng, vào năm 2023, khi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từ chức, ông Tô Lâm đã từng ứng cử vào chức vụ này, nhưng ông Võ Văn Thưởng là người được bầu.

Hiện ông Tô Lâm không phải là "Tứ Trụ" cũng như không là thường trực Ban Bí thư. Vì vậy, nếu ông Tô Lâm trở thành tổng bí thư vào năm 2026 là một sự "vượt cấp", theo nhận định của một nhà quan sát giấu tên từ Hà Nội.

Chính vì vậy, một khi Đại tướng Tô Lâm làm chủ tịch nước, ông sẽ có cơ hội cao hơn để kéo dài sự nghiệp chính trị của mình vào Đại hội Đảng 14, khi ông đã quá 65 tuổi.

Giáo sư Thayer đánh giá với BBC rằng tham vọng trở thành tổng bí thư của ông Tô Lâm không hoàn toàn thuận lợi, vì có vẻ ông không giành được sự ủng hộ cao từ các đồng chí của mình.

Bằng chứng là trong cuộc bỏ phiếu đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn hồi năm ngoái, ông Lâm có số phiếu “tín nhiệm cao” khá thấp (kém người đứng đầu là Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang tới hơn 100 phiếu), trong khi nhận được nhiều phiếu “tín nhiệm thấp”.

Đại tướng Tô Lâm dính bê bối khi tham dự bữa tiệc thịt bò dát vàng của đầu bếp Salt Bae tại London trong bối cảnh đất nước đang chống dịch Covid năm 2021
Chụp lại hình ảnh, Đại tướng Tô Lâm dính bê bối khi tham dự bữa tiệc thịt bò dát vàng của đầu bếp Salt Bae tại London trong bối cảnh đất nước đang chống dịch Covid năm 2021

Ông Tô Lâm có một số vụ việc mà các đối thủ chính trị có thể khoét sâu vào.

Hồi năm 2021, trong chuyến công tác tới Anh, ông từng có mặt tại bữa tiệc thịt bò dát vàng của đầu bếp Salt Bae tại London, sự kiện gây chú ý cả trong nước lẫn quốc tế trong bối cảnh đất nước đang chống dịch Covid-19.

Vụ này không được truyền thông trong nước đưa tin, cũng như ông Tô Lâm không phải chịu bất kỳ kỷ luật, phê bình công khai nào về mặt đảng và chính quyền. Tuy nhiên, một số nhà quan sát đánh giá rằng danh tiếng và hình ảnh ông có thể đã bị ảnh hưởng.

Ở cương vị bộ trưởng Bộ Công an, công việc của Tô Lâm không phải đối ngoại nhiều nhưng nếu trở thành chủ tịch nước, ông sẽ đại diện nhà nước Việt Nam trong công tác đối ngoại, chẳng hạn đón các nguyên thủ quốc gia hoặc thực hiện các chuyến công du cấp nhà nước đến các quốc gia khác.

Nhiều nhà quan sát độc lập và chính trị gia nước ngoài cho rằng ông Tô Lâm có vai trò trong vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh tại Đức hồi năm 2017, vụ việc đã gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao cho Việt Nam.

Điều này sẽ khiến ông bất lợi trong quan hệ đối ngoại khi ông nắm giữ cương vị chủ tịch nước.

Chụp lại video, 'Tứ Trụ' Việt Nam: Vị trí nào cho đại tướng Tô Lâm?

Ông Trần Thanh Mẫn là trường hợp ngoại lệ

Về các chức danh trong "Tứ Trụ", theo Quy định 214-QĐ/TW của Bộ Chính trị, để đạt tiêu chuẩn làm chủ tịch nước và/hoặc chủ tịch Quốc hội, cá nhân cần tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên.

Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức Quốc hội 2014 thì quy định chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội đều phải là đại biểu Quốc hội.

Ông Trần Thanh Mẫn thỏa mãn điều kiện của luật và hiến pháp nhưng ông chưa tham gia trọn một nhiệm kỳ Bộ Chính trị. Vì vậy, việc ông được Đảng giới thiệu vào chức danh chủ tịch Quốc hội cho thấy ông là "trường hợp đặc biệt".

Quy định 214 nêu rằng Ban Chấp hành Trung ương có thể xem xét trường hợp đặc biệt đối với các chức danh trong "Tứ Trụ".

Theo đánh giá của Giáo sư Carl Thayer, một nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm, việc ông Mẫn làm chủ tịch Quốc hội được coi là giải pháp trước mắt để chờ tới Đại hội Đảng lần thứ 14 vào đầu năm 2026.

Về vùng miền, ông Mẫn là một trong ba ủy viên Bộ Chính trị hiếm hoi từ miền Nam. Vì vậy, nếu ông Mẫn vào "Tứ Trụ" thì có thể cơ cấu vùng miền sẽ được đảm bảo.

Ông Trần Thanh Mẫn đi lên từ hệ thống Đoàn và Đảng, là chính khách hiếm hoi từ miền Nam trong Bộ Chính trị
Chụp lại hình ảnh, Ông Trần Thanh Mẫn đi lên từ hệ thống Đoàn và Đảng, là chính khách hiếm hoi từ miền Nam trong Bộ Chính trị

Sau khi chọn ông Mẫn cho vị trí chủ tịch Quốc hội, Quốc hội Việt Nam cần bầu thêm phó chủ tịch Quốc hội thường trực thay cho ông.

Ông Trần Thanh Mẫn sinh năm 1962, quê ở Hậu Giang, là tiến sĩ kinh tế, cử nhân chính trị.

Ông là ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa 10; ủy viên Trung ương Đảng khóa 11, 12 và 13; bí thư Trung ương Đảng khóa 12; đại biểu Quốc hội các khóa 13, 14 và 15.

Ông Mẫn vào Bộ Chính trị vào tháng 1/2021 và được bầu làm phó chủ tịch thường trực Quốc hội vào 4 cùng năm tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 14.

Đầu tháng 5/2024, ông được phân công điều hành Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội sau khi ông Vương Đình Huệ bị miễn nhiệm.

Chủ tịch nước có quyền gì?

Nhiệm vụ và quyền hạn của chủ tịch nước được quy định tại Điều 88 Hiến pháp 2013, bao gồm một vài điểm chính như sau:

  • Công bố Hiến pháp, luật, pháp lệnh
  • Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm phó chủ tịch nước, thủ tướng chính phủ
  • Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức chủ tịch hội đồng quốc phòng và an ninh
  • Quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân
  • Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức tổng tham mưu trưởng, chủ nhiệm tổng cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam

Bên cạnh đó, chủ tịch nước là người ký các quyết định đặc xá, ân xá cho tù nhân.

Tháng 8/2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ký các quyết định: đặc xá cho 2.438 người; ân giảm án tử hình xuống tù chung thân cho 10 bị án.

Tháng 12/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã ký quyết định ân giảm hình phạt tử hình xuống tù chung thân cho 18 bị án có đơn xin ân giảm gửi chủ tịch nước.

Vị trí này chính thức được coi là nguyên thủ quốc gia, dù trên thực tế gần đây thì người đóng vai trò “nguyên thủ quốc gia” trong nhiều hoạt động ngoại giao quan trọng, chẳng hạn như đối thoại và tiếp các nguyên thủ quốc gia nước ngoài, là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tham dự lễ đón do Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng chủ trì tại  Hà Nội vào ngày 10 tháng 9 năm 2023

Nguồn hình ảnh, SAUL LOEB/AFP/Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tham dự lễ đón do Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng chủ trì tại Hà Nội vào ngày 10 tháng 9 năm 2023

Chủ tịch Quốc hội có quyền gì?

Nhiệm vụ và quyền hạn của chủ tịch Quốc hội được quy định tại Điều 72 Hiến pháp 2023 và nêu chi tiết tại Điều 64 Luật Tổ chức Quốc hội 2014, bao gồm một vài điểm chính như sau:

  • Chủ tọa các phiên họp của Quốc hội
  • Ký chứng thực Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội
  • Lãnh đạo công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
  • Tổ chức thực hiện quan hệ đối ngoại của Quốc hội; giữ quan hệ với các đại biểu Quốc hội

Tuy không thể nói rằng chức vụ chủ tịch Quốc hội là không quan trọng, chức vụ này cơ bản xoay quanh việc “chủ tọa”, “tổ chức” và “chứng thực” các hoạt động/nghị quyết của Quốc hội.

Khác với thủ tướng là thủ trưởng của các lãnh đạo bộ ngành, cơ quan thuộc chính phủ, chủ tịch Quốc hội không phải là thủ trưởng của các đại biểu Quốc hội.