Cuba giữa thời buổi ngành mía đường sụp đổ

Ngành đường đã là trụ cột của nền kinh tế Cuba trong hàng trăm năm
Chụp lại hình ảnh, Ngành đường từng là trụ cột của nền kinh tế Cuba trong hàng trăm năm
  • Tác giả, Will Grant
  • Vai trò, BBC News

Từ lúc lớn lên và biết dùng rựa, những người đàn ông của hợp tác xã sản xuất đường Yumuri đã làm việc trên những cánh đồng mía bao quanh thành phố Cienfuegos (Cuba).

Chặt mía là tất cả những gì Miguel Guzman biết làm. Ông xuất thân từ một gia đình nông dân và bắt đầu công việc vất vả, bạc bẽo này từ khi còn là một thiếu niên.

Đường từng đóng vai trò trụ cột nền kinh tế Cuba trong hàng trăm năm. Đây không chỉ là một mặt hàng xuất khẩu chính của đảo quốc này mà còn đóng vai trò quan trọng trong một ngành công nghiệp khác của đất nước: rượu rum.

Những người Cuba lớn tuổi nhớ lại thời kỳ mà các gia đình như nhà ông Guzman chính là nền tảng để phát triển đất nước.

Tuy vậy, ông Guzman thừa nhận rằng ông chưa bao giờ chứng kiến ngành đường rơi vào tình trạng phá sản và suy thoái như hiện nay. Ngay cả lúc hoạt động thương mại đường béo bở giữa Cuba và Liên Xô mất đi sau Chiến tranh Lạnh cũng không nghiêm trọng như bây giờ.

Lạm phát tăng phi mã, sự thiếu hụt hàng hóa thiết yếu và lệnh cấm vận kéo dài hàng chục năm của Mỹ đã tạo ra tương lai kinh tế ảm đạm trên mọi lĩnh vực ở Cuba. Nhưng bức tranh kinh tế đặc biệt âm u trong ngành thương mại đường.

"Không đủ xe tải và thiếu hụt nhiên liệu đồng nghĩa với việc chúng tôi phải chờ vài ngày mới có thể làm việc được," ông Miguel Guzman nói trong khi đang đứng trong bóng râm để chờ đợi những chiếc xe tải được sản xuất từ thời Liên Xô.

Việc mất nhiều thời gian như vậy ảnh hưởng nặng nề đến sản lượng.

Trong mùa vụ trước, sản lượng đường thô của Cuba giảm xuống chỉ còn 350.000 tấn, mức thấp nhất từ trước đến nay và cách rất xa so với mức 1,3 triệu tấn được ghi nhận vào năm 2019.

Ông Guzman cho biết tiền lương của mình hầu như chẳng mua được gì

Nguồn hình ảnh, BBC

Chụp lại hình ảnh, Ông Guzman cho biết tiền lương của mình hầu như chẳng mua được gì

Ông Miguel Guzman là một trong những tay chặt mía nhanh nhất trong nhóm của mình, hay còn gọi là "peloton". Những người sếp công nhận ông là một trong những thợ chặt mía hiệu quả nhất Cuba. Nhưng ông Miguel Guzman nói rằng ngoài tình yêu với ngành này, ông chẳng nhận được bất kỳ sự khích lệ tài chính nào để tăng năng suất cả.

"Tiền lương tôi hầu như chẳng mua được bất kỳ thứ gì. Nhưng chúng tôi làm gì được? Cuba cần đường," ông nói, không hề phóng đại về tình hình lạm phát ngày càng tồi tệ của Cuba.

Cuba hiện phải nhập khẩu đường để đáp ứng nhu cầu trong nước - một điều mà trước đây không ai dám nghĩ tới. Hiện thực này khác xa so với những năm huy hoàng khi đường Cuba được xuất khẩu khắp thế giới, khiến cả vùng Caribe ghen tị.

Bên trong Ciudad Caracas, một nhà máy đường từ thế kỷ 19 gần thành phố Cienfuegos, không khí đặc quánh mùi mật mía.

Những bánh răng cưa lỗi thời, rỉ sét nghiền hàng tấn mía thành bột và nước. Các công nhân nói với phóng viên BBC rằng đây là một trong khoảng hơn hai mươi nhà máy đường còn hoạt động ở Cuba.

"Nhờ sự chăm chỉ và nỗ lực của công nhân, có thêm 4 nhà máy hoạt động trong mùa vụ này so với dự kiến ban đầu," Dionis Perez, Giám đốc truyền thông của công ty đường quốc doanh Azcuba, cho biết.

"Nhưng 29 nhà máy khác vẫn đang đình trệ," ông Perez thừa nhận.

"Đây là một thảm họa. Ngành công nghiệp đường ở Cuba hiện nay gần như không tồn tại," ông Juan Triana từ Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Cuba ở thủ đô Havana đánh giá.

Ciudad Caracas là một trong những nhà máy đường còn hoạt động ở Cuba
Chụp lại hình ảnh, Ciudad Caracas là một trong những nhà máy đường còn hoạt động ở Cuba

Ông Triana lập luận rằng sự sụt giảm của sản lượng đường có tác động nghiêm trọng đến các bộ phận khác của nền kinh tế Cuba, bao gồm cả thu nhập xuất khẩu từ rượu rum.

“Chúng tôi đang sản xuất lượng đường bằng với giữa thế kỷ 19,” ông nhận xét.

Tình hình đã trở nên trầm trọng hơn do chính sách "áp lực tối đa" của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Chính quyền ông Trump đã tăng cường lệnh cấm vận thương mại đối với đảo quốc này. Ông Biden sau đó cũng gia hạn thêm lệnh cấm.

Nhưng lệnh cấm vận từ Mỹ không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn tới những khó khăn mà Cuba đang gặp phải.

Nhiều năm quản lý yếu kém và sự thiếu hụt đầu tư đã tàn phá ngành công nghiệp từng phát triển mạnh mẽ này. Ngày nay, ngành đường chỉ nhận được dưới 3% đầu tư của nhà nước do chính phủ Cuba đang hậu thuẫn du lịch để ngành này trở thành động lực kinh tế chính thay thế.

Martin Nizarane là một người vẫn xoay xở để kiếm đủ đường. Là một phần của thế hệ doanh nhân tư nhân mới tại Cuba, công ty Clamanta của ông Nizarane chuyên sản xuất sữa chua và kem tại một nhà máy ở ngoại ô Havana.

Ông Nizarane cho phóng viên BBC xem những bao đường nhập khẩu với số lượng lớn từ Colombia và chia sẻ rằng ông hy vọng sẽ sớm tăng gấp đôi sản lượng.

Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel ca ngợi công ty Clamanta là hình mẫu cho tương lai.

Sự tán dương đó từ giới lãnh đạo, đối với nhiều người, đồng nghĩa với sự chuyển biến trong cách nghĩ.

Mặc dù nhà nước Cuba có thể coi "tư bản" là một từ xấu xa, nhưng đây hoàn toàn là hoạt động kinh doanh theo mô hình tư bản thuần túy, ngay cả khi ông Martin Nizarane thể hiện tinh thần cách mạng của mình bằng cách trang trí văn phòng với những tấm hình ông ôm cố lãnh đạo Fidel Castro.

Ông Martin Nizarane cho biết mình không hề nhận được bất kỳ đặc quyền nào

Nguồn hình ảnh, BBC

Chụp lại hình ảnh, Ông Martin Nizarane cho biết mình không hề nhận được bất kỳ đặc quyền nào

Khi được hỏi liệu mình có quan hệ mật thiết với Đảng Cộng sản Cuba để có thể sở hữu một doanh nghiệp tư nhân phức tạp như vậy hay không, ông Nizarane đã nhanh chóng phủ nhận.

"Tôi không phải là một cán bộ Cuba. Doanh nghiệp này là một hình thức sản xuất ngoài nhà nước, bán hàng cho cả công ty nhà nước lẫn tư nhân," ông phản bác.

"Nhà nước đối xử với tôi như bao doanh nhân tư nhân khác, không có đặc quyền gì cả," ông nói tiếp.

Sự sụp đổ của ngành mía đường chỉ là một phần trong nền kinh tế suy thoái của Cuba.

Vào hôm 1/3, trong bối cảnh lạm phát leo thang, chính phủ đã áp mức tăng giá đối với xăng dầu trợ giá lên gấp 5 lần tại các cây xăng.

Các quan chức cho biết đây là một quyết định khó khăn nhưng chính phủ không còn đủ khả năng chi trả các khoản trợ cấp nhiên liệu cao như vậy.

Khi đang xếp hàng đổ xăng vào ngày giá mới có hiệu lực, ông Manuel Dominguez cho rằng lập luận của các quan chức không thuyết phục.

Ông Dominguez cho biết quyết định này gây tổn hại đến các tài xế như mình và người dân Cuba đang phải chịu đựng nhiều hơn bao giờ hết. Ông nói:

"Không có mối quan hệ nào giữa thu nhập của chúng tôi và giá cả hiện nay, cho dù là giá nhiên liệu, giá thực phẩm trong cửa hàng hay giá của bất kỳ thứ gì khác."

"Cần phải có mối tương quan giữa tiền lương của chúng tôi và chi phí của mọi thứ, bởi vì hiện nay, đối một người Cuba bình thường, thực sự không ai kham nổi tiền xăng dầu."

Nhiều người Cuba hiện phải vật lộn để chi trả tiền xăng
Chụp lại hình ảnh, Nhiều người Cuba hiện phải vật lộn để chi trả tiền xăng

Vài ngày sau khi giá xăng tăng, Bộ trưởng Kinh tế và Kế hoạch Cuba Alejandro Gil Fernandez đã bị bắt với cáo buộc tham nhũng. Một số người cho rằng ông đã trở thành vật tế thần cho tình trạng kinh tế Cuba.

Dù sao đi nữa, đó là một thất bại ê chề được công khai. Nhưng hầu hết mọi người đều tin rằng để kéo Cuba thoát khỏi những tai ương kinh tế thì việc trảm một bộ trưởng là chưa đủ.

Trở lại cánh đồng mía ở Cienfuegos, những người thợ thu hoạch mía vẫn đang làm việc vật vả với rất ít lạc quan.

Khi nói về ngành công nghiệp đường ở Cuba, sẽ luôn có người trích dẫn câu nói nổi tiếng của đảo quốc này: “Không có đường thì không có đất nước.”

Đối với nhà kinh tế học Cuba Juan Triana, ý nghĩa của khẩu hiệu ấy đang bị thử thách.

Một phần tinh túy của bản sắc dân tộc - một phần DNA của hòn đảo này - đang xói mòn trước mắt người dân Cuba.

"Trong khoảng hơn 150 năm, ngành mía đường đã vừa là nguồn thu xuất khẩu chính vừa là đầu tàu cho phần còn lại của nền kinh tế. Đó là những gì chúng tôi đã đánh mất," ông Triana nói.