Việt Nam xử các ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh trong vụ Ethanol Phú Thọ

Xử án

Nguồn hình ảnh, Toà án Nhân dân TP HN

Chụp lại hình ảnh, Ảnh chụp từ màn hình TV phiên tòa vụ án Ethanol Phú Thọ tại Toà án Nhân dân TP Hà Nội 08/03/2021

Toà án tại Hà Nội vừa mở phiên xử mà báo giới gọi là vụ Ethanol Phú Thọ, với các ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng 10 bị cáo.

Theo trang VietnamNet, vì cho rằng đây là phiên tòa xét xử công khai, bị cáo Trịnh Xuân Thanh "đề nghị cho người nhà được dự tòa".

Ông Thanh cũng "thắc mắc việc không thấy nhà báo có mặt tại phiên tòa" nhưng đã nhận được lời giải thích từ Hội đồng Xét xử.

Theo trang PLO.vn cùng ngày 08/03/2021, trong vụ xử, một số cá nhân được miễn trách nhiệm hình sự vì lý do y tế.

Đó là các ông Vũ Quang Nam, Trần Ngọc Hà và Trần Văn Tặng.

Ông Tặng đã chết năm 2011, còn các ông Nam và Hà 'có bệnh hiểm nghèo'.

Vì thế, dự luận và báo chí tập trung cả vào hai nhân vật nổi tiếng là cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng, và cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVC Trịnh Xuân Thanh.

Vẫn theo truyền thông Việt Nam, đây là vụ xét xử vụ án "vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Nơi xảy ra hành vi tội phạm là công ty CP Hóa dầu và nhiên liệu sinh học (PVB), trong thời gian từ 2009 đến 2013.

Chức danh của ông Đinh La Thăng được nêu ra khi xảy ra vụ án là cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN.

Nhưng dư luận biết đến ông nhiều hơn ở các vị trí mà ông đã thăng tiến, thậm chí có thể coi là đỉnh cao của sự nghiệp chính trị, giai đoạn sau đó: Bộ trưởng Giao thông, Uỷ viên Bộ Chính trị và Bí thư Thành ủy TPHCM, đô thị đông dân nhất và là đầu tàu kinh tế Việt Nam.

Theo các báo nhà nước ở Việt Nam, tính đến nay, ông Đinh La Thăng đã bị tòa tuyên phạt ba bản án.

Đó là vụ án liên quan đến dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, vụ gây thiệt hại 800 tỉ đồng tại OceanBank (theo các số liệu của chính quyền Việt Nam nêu), và vụ dự án cao tốc Trung Lương - TP.HCM.

Tổng hợp hình phạt chung mà ông Thăng phải chịu từ ba bản án trên là 30 năm tù.

Đinh La Thăng ký kết hợp đồng với Bộ trưởng Giao thông New Zealand, Simon Bridges

Nguồn hình ảnh, Fiona Goodall

Chụp lại hình ảnh, Ông Đinh La Thăng khi còn là Bộ trưởng Giao thông trong lễ ký kết hợp đồng với người tương nhiệm New Zealand, Simon Bridges hồi tháng 3/2015 ở Auckland

Hai nhân vật với các 'vai trò mới'

Từ khi bị hạ bệ và bị bắt, khởi tố, xét xử, ông Đinh La Thăng nhanh chóng trở thành 'biểu tượng' cho là các tố giác tham nhũng mà hệ thống chính trị Việt Nam nhắm vào để chứng tỏ bộ máy còn khả năng chống tham nhũng, theo một số ý kiến.

Chẳng hạn, nhà quan sát Nguyễn An Dân từ Việt Nam từng viết rằng "các sai phạm của ông Thăng có từ thời ngang hàm thứ trưởng mà lọt vào đến Bộ Chính trị" thì câu hỏi là hệ thống đã làm gì?

"Về mặt Đảng, thứ trưởng là nhân sự do Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quản lý, rồi Ban Bí thư phê duyệt khi thăng chức, bổ nhiệm", nên Tổng Bí thư cũng không thể nói chung là chỉ "rút kinh nghiệm" cho việc thăng tiến của ông Đinh La Thăng, theo ý kiến này.

Từ nhân vật 'dám nghĩ dám làm, dám nói mạnh', ông lên cao rồi bị hạ bệ, đã trở thành tù nhân.

TS Lê Trung Tĩnh từ Anh Quốc trong một bài viết cho Diễn đàn BBC (12/2017) nói TBT Nguyễn Phú Trọng đã "chọn đúng đối tượng" khi cho bắt ông Thăng:

"Ông Đinh La Thăng nằm trong guồng máy độc đảng, ông tạo ra luật chơi, ông thi hành luật chơi đó rất tốt cho đến khi ông mắc một số sai lầm trong luật chơi đó và ông ấy bị bắt.

Nhiều người nói ông Thăng bị bắt mặc dầu ông ấy mị dân, dân túy bằng những chiêu thức đánh bóng tên tuổi của mình.

Thật ra ông Thăng bị bắt bởi một hay những người còn mị dân, dân túy hơn ông ấy nhiều, hay ít nhất là đã mị đúng chỗ, đúng nơi trong tình hình Việt Nam hiện tại.

Những người bắt ông đã vận dụng câu chuyện chống tham nhũng một cách thuần thục và thuyết phục."

Còn ông Trịnh Xuân Thanh cũng đã bị tòa tuyên hai bản án, liên quan đến dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 và án 'tham ô tài sản' tại Công ty PVP Land.

Ông Thanh hiện đang chịu hình phạt chung là tù chung thân ở Việt Nam, nhưng với bên ngoài, ông lại là 'người tù gây tai tiếng' chưa từng có cho Việt Nam.

Thậm chí ông còn bị coi là 'nạn nhân' của một âm mưu, theo một cách nhìn từ châu Âu.

Tòa án Đức hồi 2018 xác định ông Thanh bị an ninh Việt Nam 'bắt cóc' từ Berlin hè 2017 và chuyển lậu về Hà Nội bằng đường hàng không, vi phạm các điều luật quốc tế và xúc phạm nước chủ nhà.

Nhưng đây là điều chính phủ Việt Nam không phủ nhận rõ ràng và cũng không công nhận.

Theo báo chí nhà nước, ông Thanh đã 'tự ra đầu thú', còn bằng cách nào ông ta có mặt ở Hà Nội khi vụ án bắt đầu tháng 9/2017 thì không rõ.

Nhà báo Lê Mạnh Hùng, cây bút độc lập ở Berlin đã có bài nêu ý kiến về hệ lụy mà theo ông là rất nghiêm trọng cho Việt Nam và quan hệ quốc tế với Đức, Slovakia vì vụ "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh".

Một phần dư luận Việt Nam tuy thế ủng hộ việc đưa ông Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam trong chiến dịch chống tham nhũng.

Theo các ý kiến này, thể hiện nhiều lần trong các post đăng trên Facebook của BBC News Tiếng Việt khi chủ đề Trịnh Xuân Thanh/Đức/Slovakia xuất hiện, thì việc bắt một quan chức tham nhũng chạy trốn là điều quan trọng và đúng đắn hơn các "thủ tục" dẫn độ hoặc "đưa về" bằng cách nào đó.

Tuy thế, câu chuyện trở nên khá bất thường khi mà một luật sư tại CHLB Đức vẫn coi ông Thanh là thân chủ và bà vẫn tiếp tục theo đuổi việc bảo vệ quyền lợi cho ông.

Nói với BBC hôm 05/03/2021 từ Berlin, bà Petra Isabel Schlagenhauf khẳng định:

"Tất nhiên, đó là công việc chưa hòan thành. Thân chủ của tôi vẫn còn đó. Hiện tại ông ấy đang phải ngồi trong trại giam đặc biệt ở Việt Nam và thứ Hai (08/03) sẽ phải chịu đựng một phiên xét xử tiếp theo mà tôi cho là vi hiến và sai trái tựa như hai phiên lần trước. Các cố gắng để giúp đưa ông ấy trở lại Đức vẫn đang tiếp tục. Chúng tôi từng hi vọng mọi việc sẽ diễn ra nhanh hơn, nhưng rất tiếc tới nay vẫn chưa có kết quả."

Vẫn theo bà Schagenhauf, bà "vẫn giữ liên lạc thường xuyên với gia đình. Việc liên lạc trực tiếp với ông Thanh tất nhiên không được bởi vì nhà chức trách Việt Nam không cho phép".

"Chắc quý vị còn nhớ chính quyền Việt Nam đã không cho phép tôi nhập cảnh vào Việt Nam, chứ đừng nói tới việc có thể thăm thân chủ của tôi trong trại giam. Thế nhưng như đã nói, tôi vẫn giữ liên thường xuyên với gia đình ông ấy."

Cuối cùng, bà luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh nói bà vẫn "hy vọng lớn vào việc quay trở lại Đức của ông ta", khi tình hình thay đổi giữa Việt Nam và Đức.