Viện nghiên cứu Trung Quốc nói Việt Nam bồi đắp các đảo 'chiếm đóng trái phép', báo Việt Nam phản công

Trung Quốc xây đường băng, nhà cửa... trên một đảo nhân tạo tại đá Vành Khăn, quần đảo Trưởng Sa. Ảnh chụp ngày 25/10/2022.

Nguồn hình ảnh, Ezra Acayan/Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Trung Quốc xây đường băng, nhà cửa... trên một đảo nhân tạo tại đá Vành Khăn, quần đảo Trường Sa. Ảnh chụp ngày 25/10/2022.

Một viện nghiên cứu của Trung Quốc đưa ra cảnh báo với việc gia tăng bồi đắp đảo, Việt Nam đang tạo rủi ro về xung đột trên Biển Đông có thể lan rộng hơn với láng giềng khổng lồ Phương Bắc.

Theo Quốc Quan Trí Khố (Grandview Institution), một viện nghiên cứu tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Việt Nam đang gia tăng bồi đắp đảo ở quần đảo Trường Sa từ năm 2021 đến nay, sử dụng các máy nạo vét lớn.

Trong bài viết trên South China Morning Post (SCMP) hôm thứ Ba 15/5, Viện Grandview cho rằng Việt Nam "đã chiếm thêm đảo và rạn san hô, tăng thêm binh sĩ đồn trú và xây dựng thêm cơ sở hạ tầng hơn bất kỳ quốc gia ven biển khác".

Đồng thời, Viện Grandview đưa ra nhận định với SCMP rằng, tính trong 3 năm qua, Việt Nam đã bồi đắp đảo trên Biển Đông nhiều hơn 4 thập niên trước đó, cảnh báo hoạt động này có thể "gây phức tạp và mở rộng" tranh chấp về chủ quyền Biển Đông.

Được thành lập vào năm 2013, Viện Grandview là một viện nghiên cứu chính sách độc lập, theo mô tả trong phần tự giới thiệu.

Báo cáo Tình trạng An ninh Biển Đông 2023 (2023 South China Sea Security Situation Report) do Viện Grandview thực hiện và đăng tải vào tháng 1/2024 có nội dung cho rằng Việt Nam đã bồi đắp trên những hòn đảo và bãi san hô "chiếm đóng trái phép" của Trung Quốc từ năm 2022 đến năm 2023 bao gồm:

"Từ năm 2022 đến 2023, Việt Nam đã bồi đắp vùng đất đáng kể trên các hòn đảo và đá san hô chiếm đóng trái phép trong quần đảo Nam Sa của Trung Quốc."

"Trong số 29 hòn đảo và bãi san hô trong quần đảo Nam Sa mà Việt Nam chiếm đóng trái phép thì Việt Nam đã nạo vét đáng kể và bồi đắp đất trên 5 hòn đảo và bãi san hô [...]," báo cáo viết.

Nam Sa là tên gọi của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Hiện nay, ngoài Việt Nam và Trung Quốc, các bên khác gồm Đài Loan, Philippines, Malaysia cũng có tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ hoặc một phần và có sự kiểm soát trên thực tế đối với các thực thể tại quần đảo này.

Truyền thông Việt Nam ngày 16/5 đã trích dẫn ý kiến chuyên gia nói rằng Viện Grandview "vu cáo, bóp méo sự thật". Ảnh tàu cảnh sát biển Việt Nam và tàu hải cảnh Trung Quốc đối đầu vào ngày 15/5/2014 liên quan đến vụ hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981.

Nguồn hình ảnh, HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Truyền thông Việt Nam ngày 16/5 đã trích dẫn ý kiến chuyên gia nói rằng Viện Grandview "vu cáo, bóp méo sự thật". Ảnh: Tàu cảnh sát biển Việt Nam và tàu hải cảnh Trung Quốc đối đầu vào ngày 15/5/2014 liên quan đến vụ hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981.

South China Morning Post dẫn thông tin từ Grandview cho rằng Hà Nội "cực kỳ kín tiếng và bí mật" về việc xây dựng đảo vì có thể đã học bài học từ Trung Quốc cách đây vài năm và tìm cách tránh sự chú ý của truyền thông quốc tế.

Cơ quan này cũng đánh giá việc xây dựng của Philippines trên các thực thể chiếm đóng tại quần đảo Trường Sa là ở mức độ thấp, và do đó mức phòng vệ cũng thấp, vì vậy không thể tạo ra một mối đe dọa đáng kể đến sự hiện diện quân sự của các quốc gia khác.

Và Viện Grandview cho hay không có dấu hiệu Malaysia đã tiến hành xây dựng trên các đảo và rạn san hô ở quần đảo Trường Sa trong những năm gần đây.

Truyền thông Việt Nam ngày 16/5 đã trích dẫn ý kiến chuyên gia gọi nhận định của Viện Grandview là "vu cáo, bóp méo sự thật".

Báo Thanh Niên dẫn ý kiến của Tiến sĩ Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho rằng: "Đánh giá của Grandview Institution bỏ qua lịch sử của khu vực này và tuyên truyền thông tin sai sự thật."

"Như vậy, rõ ràng ai là người leo thang căng thẳng! Trung Quốc phải chịu trách nhiệm," ông nhận xét và cho rằng "dù là nguyên nhân gây căng thẳng nhưng Trung Quốc vẫn cứ cho rằng họ là "nạn nhân".

"Đó là lý do vì sao nhiều quốc gia xung quanh quan ngại Trung Quốc. Bắc Kinh nên nhận ra điều đó và tôn trọng lợi ích của các nước khác," ông nói.

Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa lên tiếng chính thức về thông tin của Grandview.

Bắc Kinh 'đạo đức giả'

 Pearson Reef

Nguồn hình ảnh, CSIS/AMTI/Maxar Technology

Chụp lại hình ảnh, Việt Nam tiến hành bồi đắp tại rạn san hô Phan Vinh (Pearson) thuộc quần đảo Trường Sa, hình ảnh do Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), một dự án trực thuộc CSIS công bố

Ngày 16/5, nhận định với BBC News Tiếng Việt, nhà nghiên cứu độc lập Song Phan từ Sydney cho rằng Việt Nam bồi đắp đảo là để việc đóng quân, tiếp tế hậu cần, phòng thủ thuận tiện hơn, cải thiện điều kiện sinh sống.

"Theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) thì việc bồi đắp không làm thay đổi tình trạng trước đó của thực thể địa lý, tức là nếu trước là bãi nửa chìm nửa nổi (LTE), hay bãi đá thì sau vẫn vậy, không vì bồi đắp mà trở thành đảo (có lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế) được."

"Ví dụ một bãi nửa chìm nửa nổi (LTE) mà không trong lãnh hải của một bãi đá thì dù sau khi bồi đắp trở thành đảo nhân tạo cao hơn mặt biển vẫn giữ tình trạng là bãi triều thấp, chỉ có 500 m vùng an toàn bao quanh thôi, không được hưởng lãnh hải 12 hải lý và dĩ nhiên ko thể có vùng đặc quyền kinh tế chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở."

Ông đánh giá thêm việc đắp đảo có bến bãi tốt cũng có thể phục vụ cho việc đánh bắt, chế biến, tiếp liệu, làm chỗ tránh giông bão... cho ngư dân và có thể khai thác tiềm năng du lịch sau này.

Ngày 16/5, trả lời BBC News Tiếng Việt, ông Gregory B Poling, Giám đốc chương trình Đông Nam Á từ Centre for Strategic and International Studies (CSIS) ở Washington, nói:

"Việt Nam đang bồi đắp đảo và dường như nhằm mục tiêu tăng cường khả năng tự vệ cho các căn cứ của mình, tạo ra các cảng và các cơ sở hạ tầng theo đó để triển khai các tàu tuần tra."

Đại tá Raymond M. Powell từ Đại học Stanford, người thường xuyên theo dõi hoạt động tàu của Trung Quốc trên Biển Đông, hôm 16/5 cho rằng báo cáo của Viện Nghiên cứu Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) trực thuộc CSIS được công bố hồi tháng 12/2023 cho thấy Trung Quốc đã gây phá hủy rạn san hô thông qua việc đào và bồi đắp đất, và lấp khoảng 1.880 hecta san hô.

Báo cáo của AMTI hồi cuối năm 2023 cũng cho thấy Trung Quốc đang tiếp tục phá hủy khoảng 6.691 hecta san hô khi cào sò tai tượng trên Biển Đông.

"Việc Việt Nam nạo vét và bồi đắp trong thời gian qua rõ ràng là để đáp trả trước việc xây đảo và quân sự hóa của Trung Quốc trong thập kỷ trước."

"Việc một viện nghiên cứu có trụ sở tại Bắc Kinh lên tiếng chỉ trích về các hoạt động này của Việt Nam là cực kỳ mang tính đạo đức giả," ông nhấn mạnh.

Bình luận với BBC News Tiếng Việt vào tháng 1/2024, Giáo sư Alexander L Vuving từ trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye (Daniel K. Inouye Asia-Pacific Center for Security Studies) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, nhận xét Trung Quốc không muốn có chiến tranh trên Biển Đông mà thay vào đó dần dần thiết lập những thực tế mới.

“Theo tôi nhận định thì cho đến nay, lợi ích của Trung Quốc là không có chiến tranh ở Biển Đông. Vì 40% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu Trung Quốc đi qua con đường hàng hải trên Biển Đông. Hậu quả cuộc chiến tranh trên Biển Đông là khôn lường, không đơn thuần là xung đột Việt Nam với Trung Quốc hay Philippines với Trung Quốc. Đám lửa có thể bùng lên tới mức không ai kiểm soát được.”

“Do đó, chiến lược tốt nhất của Trung Quốc là ‘tằm ăn dâu’, tức là dần dần đẩy đuổi Việt Nam, Philippines… rồi biến thành điều gọi là ‘bình thường mới’ và dần dần ép các nước chấp nhận thực tế mới của Trung Quốc. Đây là chiến lược tương đối hữu hiệu của Trung Quốc.”

Hiện Việt Nam đang đối phó với lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương thường niên của Trung Quốc, ban hành từ năm 1999 đến nay, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/5 đến 16/9.

Việt Nam thường xuyên lặp lại lời phản đối lệnh cấm này của Trung Quốc, gọi đây là xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông và tuyên bố lệnh cấm "không có giá trị".

Việt Nam có thể cứng rắn như Philippines về Biển Đông?

Lãnh đạo Mỹ, Nhật, Philippines

Nguồn hình ảnh, Andrew Harnik/Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Trong tuyên bố chung vào ngày 11/4, Mỹ, Nhật, Philippines đã lên tiếng chỉ trích hành động "nguy hiểm và áp bức" của Trung Quốc trên Biển Đông.

Philippines gần đây đã cho thấy phản ứng ngày càng cứng rắn trước Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, trong đó rõ rệt nhất là việc Philippines tăng cường quan hệ với Mỹ.

Mới đây hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật - Philippines hồi tháng 4 đã mở ra một chương mới trong liên minh ba nước.

Trong tuyên bố chung vào ngày 11/4, cả ba nước đã lên tiếng chỉ trích sự "nguy hiểm và áp bức" của Trung Quốc trên Biển Đông và bày tỏ quan ngại về hoạt động quân sự hóa các thực thể và tuyên bố "trái luật pháp" về chủ quyền biển.

Đại tá Raymond M. Powell đánh giá với BBC News Tiếng Việt rằng Philippines tiếp tục cho thấy chiến lược vùng xám của Trung Quốc đang "dễ bị tổn hại" trước sự soi xét của chính phủ các nước và "dũng cảm" phô bày công khai trước quốc tế.

"Chiến dịch minh bạch ngày càng mạnh mẽ của Manila nhắm đến hành động cưỡng ép trên Biển Đông của Trung Quốc rõ ràng đã khiến Bắc Kinh rơi vào thế bất lợi, và các quốc gia khác cũng nên cẩn trọng nghiên cứu tính hiệu quả và xem có thể sao chép ở lĩnh vực và khu vực nào khác hay không."

Trong khi đó, những năm qua Việt Nam liên tục lặp lại tuyên bố "khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa".

Liệu Việt Nam có thể làm giống Philippines trong vấn đề Biển Đông hay không, nhà nghiên cứu Song Phan cho rằng:

"Có lẽ không chỉ Việt Nam mà các bên liên quan đồng lòng đối phó với Trung Quốc kiểu Philippines sẽ là điều rất tốt. Tuy nhiên, do điều kiện và tính toán riêng của mỗi nước nên khó làm được như vậy. Việt Nam phụ thuộc nặng về kinh tế, nhất là về chính trị, lại tiếp giáp với Trung Quốc trên đất liền. Malaysia thì chính quyền hiện nay đang 've vuốt' Trung Quốc, Indonesia chỉ có tranh chấp một phần về vùng đặc quyền kinh tế, không có tranh chấp đảo/đá..."