VinFast thay tướng và đầu tư vào Ấn Độ

Phạm Nhật Vượng

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Theo thông cáo thì tỷ phú Phạm Nhật Vượng, 55 tuổi, sẽ “trực tiếp điều hành các hoạt động vận hành, bao gồm sản xuất toàn cầu, bán hàng và chiến lược thị trường” của VinFast

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng làm tổng giám đốc (CEO) của công ty sản xuất xe điện VinFast còn bà Lê Thị Thu Thủy làm chủ tịch hội đồng quản trị, theo thông cáo của công ty vào hôm thứ Bảy 6/1.

Chuyển biến nhân sự này, theo VinFast, đánh dấu việc “công ty bước sang giai đoạn phát triển mới”.

Theo thông cáo thì tỷ phú Phạm Nhật Vượng, 55 tuổi, sẽ “trực tiếp điều hành các hoạt động vận hành, bao gồm sản xuất toàn cầu, bán hàng và chiến lược thị trường”.

Bà Lê Thị Thu Thủy sẽ chuyển từ vai trò tổng giám đốc VinFast sang đảm nhận vị trí chủ tịch hội đồng quản trị.

Như vậy, ông Vượng trở thành tổng giám đốc thứ tư của VinFast. Các CEO trước đó bao gồm ông James Deluca, cựu phó chủ tịch điều hành hoạt động sản xuất toàn cầu General Motors, và Michael Lohscheller, cựu phó chủ tịch Volkswagen Mỹ và tổng giám đốc Opel toàn cầu.

Ông James Deluca được bổ nhiệm vào năm 2017 và đã rời khỏi VinFast vào năm 2019.

Ông Michael Lohscheller được bổ nhiệm vào năm tháng 7/2021 nhưng rời 'ghế nóng' chỉ sau năm tháng.

Động thái bất ngờ rời VinFast của ông Michael Lohscheller lúc bấy giờ đã gây chú ý trên báo chí trong nước lẫn nước ngoài.

Bà Lê Thị Thu Thủy sau đó lên tiếp quản chức Tổng Giám đốc của VinFast vào tháng 12/2021 và cũng tạo sự chú ý vì kinh nghiệm của bà là trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, không phải ô tô.

Đầu tư đến 2 tỷ USD vào Ấn Độ

VinFast cũng vừa công bố tham vọng thâm nhập vào Ấn Độ, thị trường xe lớn thứ ba thế giới.

Hôm thứ Bảy, VinFast đã ký thỏa thuận thiết lập một cơ sở sản xuất xe điện đầu tiên ở Ấn Độ, nằm tại bang Tamil Nadu ở miền nam, với tổng đầu tư có thể lên đến 2 tỷ USD, trong đó có cam kết đầu tư 500 triệu USD trong 5 năm đầu tiên, Reuters dẫn thông cáo cho biết.

Theo thông cáo, việc xây dựng nhà máy sản xuất pin và xe điện của VinFast tại Ấn Độ sẽ bắt đầu vào năm nay và sẽ tạo ra từ 3.000 đến 3.500 việc làm tại bang này.

Bà Lê Thị Thu Thủy

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Bà Lê Thị Thu Thủy sẽ chuyển từ vai trò tổng giám đốc VinFast sang đảm nhận vị trí chủ tịch hội đồng quản trị của VinFast

Trước đó, VinFast đã niêm yết cổ phiếu trên sàn Nasdaq của Mỹ vào tháng 8/2022.

Khi đó, thay vì bán cổ phiếu theo cách thông thường, VinFast đã niêm yết công khai bằng cách sử dụng một công ty 'rỗng' thông qua sáp nhập với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (Spac).

Spac là loại công ty thường được những công ty khởi nghiệp sử dụng để đẩy nhanh quy trình vốn thường mất thời gian và tốn kém để được niêm yết công khai trên sàn chứng khoán.

Hiểu một cách đơn giản thì điều này có nghĩa là sáp nhập một công ty chưa được niêm yết trên thị trường giao dịch chứng khoán với một công ty đã được niêm yết.

Thủ phủ Chennai của bang Tamil Nadu, còn được gọi là 'Detroit của châu Á', và một số quận khác của bang này có trụ sở của một số công ty sản xuất xe điện, bao gồm hai hãng sản xuất xe máy của Ấn Độ là Ola Electric và Ather, và tập đoàn BYD của Trung Quốc.

VinFast cho biết dự án tại bang Tamil Nadu được kỳ vọng sẽ trở thành một trung tâm sản xuất xe điện hiện đại trong khu vực, với năng suất hàng năm lên đến 150.000 xe, so với 250.000 xe tại nhà máy sản xuất chính ở Việt Nam. Thông cáo không nêu cụ thể sản lượng sản xuất pin xe điện dự kiến tại nhà máy này.

VinFast được cho là đang đẩy mạnh phát triển chuỗi cung ứng pin cho xe điện với một công ty con của Vingroup khác là VinES để sản xuất pin lithium công nghệ cao.

Dịch vụ taxi điện tại Đông Nam Á

Xe VinFast

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Hồi tháng 6/2023, ông Vượng tuyên bố kỳ vọng VinFast sẽ đạt điểm hòa vốn vào trước thời điểm cuối năm 2024

Hồi tháng 6/2023, ông Vượng khi là chủ tịch Vingroup đã quyết định thành lập Công ty Di chuyển Xanh và Thông minh (Green and Smart Mobility - GSM), với hai mảng chính là taxi điện và cho thuê ô tô.

Sau khi hoạt động tại một số địa phương ở Việt Nam, GSM đã khai trương hoạt động tại Lào vào đầu tháng 11/2023, đánh dấu thị trường quốc tế đầu tiên bên ngoài Việt Nam.

Lúc bấy giờ, ông Nguyễn Văn Thanh, tổng giám đốc GSM toàn cầu, tuyên bố rằng sau Lào thì công ty sẽ tiến vào thị trường Campuchia trong năm 2024.

Tuy nhiên, vào ngày 13/12/2023, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã không phê duyệt dự án xe taxi điện của VinFast tại quốc gia này, theo thông cáo chính thức từ Chính phủ Hoàng gia Campuchia.

Nội dung thông cáo của người phát ngôn Chính phủ Hoàng gia Campuchia nêu:

“Vào thứ Tư, 13/12/2023, một số hãng tin đã tường thuật việc tập đoàn Vingroup của Việt Nam có kế hoạch khởi động các công ty taxi điện tại Phnom Penh, Sihanoukville và Siem Reap.

Thông tin này đã thu hút sự quan tâm trên mạng xã hội và được chia sẻ, khiến một số người hiểu lầm là công ty này sẽ mở một doanh nghiệp tại Campuchia vào năm 2024.

Sự hiểu lầm về truyền thông này xuất hiện sau cuộc họp giữa Thủ tướng [Campuchia] và Chủ tịch Vingroup vào buổi chiều ngày 12/12/2023 ở Hà Nội.

Chủ tịch Vingroup đã đưa ra bản đề xuất và thể hiện mong muốn đầu tư vào công ty taxi điện ở Campuchia.

Tuy nhiên, Thủ tướng Vương quốc Campuchia đã không chấp thuận đề xuất của công ty.”

Ông Vượng và ông Phạm Minh Chính

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Ông Phạm Nhật Vượng và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính trong buổi lễ xuất khẩu lô xe điện VF 8 sang Mỹ tại cảng MPC Port, thành phố Hải Phòng vào tháng 11/2022

Được thành lập vào năm 2017, VinFast bắt đầu sản xuất xe điện vào năm 2021 sau khi phải ngừng sản xuất xe xăng chỉ sau một thời gian ngắn.

Vào tháng 4/2023, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho biết đã bơm thêm nguồn vốn 1 tỷ USD cho công ty này từ nguồn tài sản cá nhân.

VinFast đến nay chưa đạt được lợi nhuận.

Công ty đặt chân vào thị trường xe điện toàn cầu trong bối cảnh có nhiều áp lực về giá bán. Các tập đoàn hàng đầu, bao gồm Tesla của tỷ phú Elon Musk và BYD được tỷ phú Warren Buffett hậu thuẫn, đã phải giảm giá để tăng doanh số bán hàng.

Theo báo cáo tài chính, tới thời điểm kết thúc quý 3 năm 2023 vào ngày 30/9, VinFast lỗ ròng 623 triệu USD.

Hồi tháng 6/2023, ông Vượng tuyên bố kỳ vọng VinFast sẽ đạt điểm hòa vốn vào trước thời điểm cuối năm 2024.

Ông Vượng đã kinh doanh ở Ukraine vào đầu thập niên 1990 sau khi học kỹ thuật ở Nga. Ông thành công với doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền trước khi bán công ty này cho tập đoàn Nestlé S.A. với số tiền không được tiết lộ.

Ông Vượng trở về Việt Nam vào năm 2002 và thành lập tập đoàn Vingroup, kinh doanh bất động sản, khu nghỉ dưỡng, trường học, bệnh viện, trung tâm mua sắm và gần đây là xe điện.

Theo bảng xếp hạng của Forbes, tính đến ngày 6/1/2024, ông Vượng có tài sản ròng trị giá 4,6 tỷ USD, xếp thứ 633 trong danh sách người giàu nhất thế giới.