Việt Nam: Nhà sản xuất xe điện VinFast được định giá thị trường cao hơn Ford hay GM

Xe Vinfast V6

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Giá trị thị trường cổ phiếu của nhà sản xuất xe điện Việt Nam, VinFast được định giá vượt Ford và General Motors (GM) trong ngày giao dịch đầu tiên.

Giá trị cổ phiếu của VinFast tăng mạnh trong phiên giao dịch 'mỏng' vào ngày chính thức niêm yết trên Nasdaq hôm thứ Ba, theo sau sự kiện nhà sản xuất xe điện Việt Nam thực hiện việc niêm yết cửa sau với giá trị vốn chủ sở hữu 23 tỷ USD, và cho biết có thể huy động vốn từ các nhà đầu tư toàn cầu trong vòng 18 tháng tới, theo Reuters.

Cổ phiếu của công ty, chưa sinh lợi nhuận, đã tăng 255% khi được chính thức giao dịch trên sàn Nasdaq của New York.

Giá cổ phiếu trong phiên mở cửa giao dịch nằm ở mức 22 USD, cao hơn gấp đôi so với mức 10 USD/cổ phiếu đã được thỏa thuận với Black Spade Acquisition, đối tác Spac của VinFast, vốn đã định giá VinFast ở mức 23 tỷ USD.

Giá cổ phiếu tăng thêm trong phiên giao dịch và đạt mức 37,06 USD lúc kết phiên, chưa sinh lợi nhuận và nhà sản xuất xe điện được định giá trị vốn hóa ở mức 85 tỷ USD, cao hơn giá trị vốn hóa thị trường của Ford ở mức 48 tỷ USD và giá trị thị trường cổ phiếu của General Motors ở mức 46 tỷ USD.

BBC News dẫn lời ông Bill Russo, Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của Automobility có trụ sở tại Thượng Hải cho biết: “Các nhà đầu tư tiếp tục tin rằng tương lai sẽ là xe điện và một quốc gia Đông Á có chi phí sản xuất thấp sẽ xuất hiện với tư cách một đối thủ cạnh tranh ở Mỹ”.

"Các thị trường cho rằng xét về địa chính trị, Việt Nam, chứ không phải Trung Quốc, sẽ là quốc gia đó."

Ông Russo nói VinFast có thể khác biệt vì "họ chủ yếu được Vingroup hậu thuẫn, cho phép VinFast tiếp cận nguồn vốn từ một doanh nghiệp đã cho thấy quá trình tăng trưởng".

Ông nói: “Hầu hết các công ty khởi nghiệp xe điện đều thất bại vì không có nguồn vốn cốt lõi sinh lời và đến từ bên ngoài, cuối cùng sẽ cạn kiệt khi họ đốt vốn nhanh hơn so với tạo ra tiền mặt," ông Russo nhận định.

Theo dữ liệu của Refinitiv, khoảng 185 triệu USD cổ phiếu của Vinfast đã được giao dịch.

Ảnh bìa ông Phạm Nhật Vượng

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Là người giàu nhất Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng sở hữu 99% trong số 2,3 tỷ cổ phiếu phổ thông của VinFast. Ảnh trang báo vào năm 2013

Thay vì bán cổ phiếu thông thường, VinFast đã niêm yết công khai bằng cách sử dụng một công ty 'rỗng' (shell company) thông qua sáp nhập với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (Spac).

Spac là loại công ty thường được những công ty khởi nghiệp sử dụng để đẩy nhanh quy trình thường chậm và tốn kém để được niêm yết công khai trên sàn chứng khoán.

Xét theo một cách đơn giản, điều này có nghĩa là sáp nhập một công ty chưa được niêm yết trên thị trường giao dịch chứng khoán với một công ty đã được niêm yết.

Một số hãng sản xuất xe điện - bao gồm Lordstown Motors và Faraday Future - đã được niêm yết sử dụng những công ty Spac trong ba năm gần đây.

Tuy nhiên cả hai công ty này đều đã mất hơn 90 giá trị cổ phiếu kể từ vụ sáp nhập.

Việc sáp nhập với công ty Spac này đã giúp VinFast được niêm yết trên thị trường, nhà sáng lập Phạm Nhật Vượng hy vọng có thể cạnh tranh với công ty dẫn đầu ngành như Tesla thông qua một nhà máy đang xây dựng trị giá bốn tỷ USD và một phương pháp tiếp cận mới để thu hút đại lý bán hàng.

Việc VinFast được niêm yết đã mang đến thêm cho ông Phạm Nhật Vượng 39 tỷ USD vào tài sản.

Là người giàu nhất Việt Nam, ông Vượng sở hữu 99% trong số 2,3 tỷ cổ phiếu phổ thông của VinFast.

Kể từ cuối năm ngoái, VinFast đã xuất khẩu gần 3.000 xe đến Bắc Mỹ, nhưng doanh số bán hàng ban đầu rất chậm.

Theo S&P Global Mobility, trong suốt tháng Sáu năm nay, chỉ có 137 chiếc ô tô điện VinFast đã được đăng ký tại Hoa Kỳ.

Thế nhưng VinFast cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt nếu muốn tạo dựng vị trí ưu thế trên thị trường.

Các công ty dẫn đầu trên thị trường xe điện - bao gồm Tesla của tỷ phú Elon Musk và BYD, được hậu thuẫn bởi tỷ phú Warren Buffett - cũng đã cắt giảm giá thành để tăng doanh số bán hàng.

Trong sáu tháng đầu năm nay, VinFast đã giao 11.300 chiếc xe điện, theo thông tin từ công ty này. Trong cùng khoảng thời gian này, Tesla đã giao 889.000 xe điện.

"Tesla sẽ tiếp tục rõ ràng là công ty dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất xe điện nhưng sẽ có nhiều người chiến thắng," Dan Ives từ công ty chứng khoán Wedbush nói.

"VinFast đã thiết lập một nền tảng vững chắc cho sự thành công trong lĩnh vực xe điện", ông nói với BBC.

Một phòng trưng bày xe của VinFast ở California

Nguồn hình ảnh, Getty images

Chụp lại hình ảnh, Một phòng trưng bày xe của VinFast ở California (Mỹ)

Trả lời Reuters, Giám đốc điều hành của VinFast, bà Lê Thị Thu Thủy cho biết công ty này đang thay đổi mô hình phân phối của mình, dựa trên cách tiếp cận trực tiếp đến người tiêu dùng của Tesla và dự kiến sẽ hợp tác với các đại lý trên thị trường quốc tế.

VinFast là một đơn vị của tập đoàn lớn nhất Việt Nam là Vingroup.

Theo báo cáo hồi tháng Sáu, ông Phạm Nhật Vượng, Vingroup và các công ty thành viên đã đầu tư 9,3 tỷ USD vào hãng sản xuất xe điện này. Vào tháng Tư, ông Vượng cam kết đổ thêm 2,5 tỷ USD vào VinFast, trong đó có 1 tỷ USD từ tài sản cá nhân của ông.

Doanh thu quý đầu năm của VinFast giảm 49% so với năm trước và và mức lỗ ròng là 598 triệu USD. Trong năm 2022, công ty công bố mức lỗ 2,1 tỷ USD.

Công ty này đã khởi công xây dựng một nhà máy trị giá 4 tỷ USD tại Bắc Carolina. VinFast thâm nhập vào thị trường Mỹ và châu Âu trong bối cảnh giá xe điện đang chịu sức ép, trong đó có Tesla - công ty dẫn đầu thị trường và một loạt các công ty của Trung Quốc.

Mẫu xe điện VF8 của VinFast có giá khởi điểm 46.000 USD tại California, so với mức 47.740 USD của Tesla Model Y, giá chưa tính khoản miễn thuế liên bang 7.500 USD cho Tesla.

Bà Thủy nói rằng VinFast đang hướng tới giảm chi phí trong tương lai.

Bà cũng cho biết VinFast dự kiến sẽ đưa mẫu xe VF9 của mình vào thị trường Mỹ vào cuối năm nay và hiện đang trong quá trình làm thủ tục để đạt được chứng nhận từ cơ quan quản lý an toàn của châu Âu.