Ông Lê Thanh Hải bị đề nghị kỷ luật vì liên quan vụ Vạn Thịnh Phát

Ông Lê Thanh Hải
Chụp lại hình ảnh, Cựu Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải tiếp tục bị "quá khứ gọi tên"

Tối hôm qua (7/5), BBC News Tiếng Việt đã phát video đặc biệt phân tích và dự báo về khả năng ông Lê Thanh Hải sẽ "gặp rắc rối". Tới ngày 8/5, ông Hải đã bị đề nghị kỷ luật.

Cụ thể, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2010-2015; Ban cán sự đảng UBND TP HCM các nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021 và cá nhân các ông: Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân, Nguyễn Thành Phong.

Ông Lê Thanh Hải là cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Bí thư Thành ủy, cựu Chủ tịch UBND TP HCM.

Ông Lê Hoàng Quân, Nguyễn Thành Phong đều là cựu Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cựu Phó Bí thư Thành ủy, cựu Chủ tịch UBND thành phố.

Các sai phạm nghiêm trọng của các cá nhân và tổ chức nêu trên được xác định có liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan và Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) do bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn làm chủ tịch (hiện đang trốn truy nã).

Cụ thể, theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban cán sự đảng UBND TP HCM đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để UBND TP HCM và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quản lý, sử dụng đất, tài chính, tài sản, đầu tư, quy hoạch, xây dựng tại các dự án do Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và ở các gói thầu, dự án do Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) thực hiện. Nhiều tổ chức đảng, đảng viên bị xử lý kỷ luật, nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý hình sự.

"Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, nguy cơ thất thoát, lãng phí rất lớn tiền, tài sản của Nhà nước và nguồn lực xã hội, gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền thành phố, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật," thông cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu.

Trước khi có tin về việc ông Lê Thanh Hải bị đề nghị kỷ luật, BBC đã có bài phân tích đưa ra dự báo rằng ông Hải sẽ gặp rắc rối, dù đã về hưu được tám năm.

Chụp lại video, Ông Lê Thanh Hải: Báo Đảng nhắc tên, vì sao?

Bất ngờ bị gọi tên sau bốn năm

Ông Lê Thanh Hải đã nghỉ hưu sau Đại hội Đảng 12 vào năm 2016. Tuy nhiên, tới tháng 3/2020, ông đã bị cách chức nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM giai đoạn 2010-2015.

Nguyên nhân là trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM, ông phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ và Thường trực Thành ủy (nhiệm kỳ 2010-2015) đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lúc bấy giờ kết luận ông Hải đã "vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc của Thành ủy, trực tiếp kết luận nhiều vấn đề thuộc thẩm quyền của Ban thường vụ Thành ủy".

Ngoài ra, với cương vị là Phó bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND thành phố (giai đoạn 2001-2006), ông chịu trách nhiệm chính về các vi phạm của UBND thành phố; trực tiếp ký một số văn bản không đúng với chủ trương của HĐND thành phố và quy định của Luật Ngân sách năm 2002, Luật Xây dựng năm 2003.

Với những vi phạm ấy, ông Hải đã bị Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam kỷ luật với hình thức cách chức Bí thư Thành ủy TP HCM một nhiệm kỳ là 2010-2015.

Do từng giữ chức vụ này hai nhiệm kỳ (2005-2010 và 2010-2015) và chỉ bị cách chức một nhiệm kỳ nói trên, ông Hải vẫn là cựu Bí thư Thành ủy TP HCM nhiệm kỳ 2005-2010.

“Xóa bỏ lịch sử công tác” là một hình thức kỷ luật được áp dụng khá nhiều dưới thời ông Nguyễn Phú Trọng làm tổng bí thư.

Việc ông Hải bị kỷ luật đã xảy ra được bốn năm, nhưng tới ngày 20/4, Truyền hình Nhân Dân đã đăng tải video có nhan đề “Kiểm soát quyền lực, ngăn chặn vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ”.

Trong video này, sai phạm của ông Lê Thanh Hải đã được lấy ra làm ví dụ cho “sự lạm dụng chế độ thủ trưởng trong các cơ quan hành chính nhà nước” dẫn tới vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ.

Một điều cần lưu ý là Truyền hình Nhân Dân là bộ phận báo hình của báo Nhân Dân - cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Việc ông Hải, một cựu quan chức cấp cao, bị nhắc tên do những sai phạm từ nhiều năm trước, trong bối cảnh chiến dịch “đốt lò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang quyết liệt, dự báo việc ông Hải có thể gặp rắc rối.

Giờ đây, ông Hải lại tiếp tục bị đề nghị kỷ luật đã củng cố những nhận định của BBC về cách chuẩn bị dư luận khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương sắp đề nghị kỷ luật các lãnh đạo cấp cao, dù là đã nghỉ hưu.

Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân dự lễ động thổ tuyến Metro số 1 vào năm 2008. Sau 16 năm, tuyến tàu điện này vẫn chưa hoàn thành, trong khi ông Quân tiếp tục bị đề nghị kỷ luật vì các vi phạm trong thời gian lãnh đạo thành phố lớn nhất nước.

Nguồn hình ảnh, STR/AFP/Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân (phải) dự lễ động thổ tuyến Metro số 1 vào vào tháng 2/2008. Sau 16 năm, tuyến tàu điện này vẫn chưa hoàn thành, trong khi ông Quân tiếp tục bị đề nghị kỷ luật vì các vi phạm trong thời gian lãnh đạo thành phố lớn nhất nước.

Hai lãnh đạo khác ở TP HCM bị đề nghị kỷ luật cùng với ông Lê Thanh Hải trong đợt này còn có ông Lê Hoàng Quân và ông Nguyễn Thành Phong. Hai ông Quân và Phong cũng từng bị Đảng kỷ luật trước đó bằng hình thức cảnh cáo.

Cụ thể, năm 2022, ông Phong bị Bộ Chính trị kỷ luật vì "vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định về trách nhiệm nêu gương; chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu đối với các vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự đảng và UBND TPHCM nhiệm kỳ 2016-2021", khi ông Phong giữ chức vụ Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chủ tịch UBND TPHCM nhiệm kỳ 2016-2021.

Bộ Chính trị đã kỷ luật Cảnh cáo ông Nguyễn Thành Phong và sau đó Trung ương Đảng đã cho ông "thôi" làm ủy viên Trung ương Đảng.

Năm 2020, ông Lê Hoàng Quân bị kỷ luật vì "chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2010 - 2015 và chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng và của Ủy ban nhân dân TP.HCM nhiệm kỳ 2011 - 2016 trong triển khai, tổ chức thực hiện dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm".

Vụ việc tại khu đô thị mới Thủ Thiêm đã gây ra nhiều tranh chấp giữa người dân có đất đai bị giải tỏa với chính quyền.

Đây là một vụ việc có tác động lớn đến chính trị, ảnh hưởng sâu sắc đến uy tín của chính quyền địa phương và trung ương.

'Bảo trợ chính trị' cho bà Trương Mỹ Lan?

Bên cạnh vụ dự án Thủ Thiêm, có những ý kiến cho rằng ông Lê Thanh Hải có thể phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra những sai phạm của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Giờ đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị kỷ luật ông Hải do vi phạm liên quan tập đoàn này.

Dù không nêu cụ thể nhưng thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương viết rằng ông Lê Thanh Hải, ông Lê Hoàng Quân và ông Nguyễn Thành Phong vi phạm nghiêm trọng các quy định trong quản lý, sử dụng đất, tài chính, tài sản, đầu tư, quy hoạch, xây dựng ở các dự án do Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và ở các gói thầu, dự án do Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) thực hiện.

Thực tế, bà Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã có những vi phạm trong nhiều năm ở TP HCM, trong thời gian ông Lê Thanh Hải giữ chức Bí thư Thành ủy.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp trả lời BBC trước khi tòa tuyên án vụ Vạn Thịnh Phát đã nhắc việc cựu Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải, người nắm quyền suốt hai nhiệm kỳ, từ năm 2006 đến 2015, trùng hợp với sự phát triển thăng hoa của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

"Tôi có nghe rằng ông ấy là người đỡ đầu về mặt chính trị cho bà Lan. Có thể là sự bảo trợ về mặt chính trị này là một yếu tố khác khiến việc đưa vụ án ra ánh sáng bị trì trệ," ông Hiệp nói và bổ sung rằng, dù sao đi nữa thì chính phủ đã vào cuộc và giải quyết vụ án này, đây là điều đáng ghi nhận.

Trả lời BBC News Tiếng Việt, ông Carl Thayer, giáo sư danh dự về chính trị tại Đại học New South Wales (Úc), có ý kiến:

“Lê Thanh Hải và mạng lưới của ông ta rất có thể đã tạo điều kiện cho bà Lan thăng tiến. Tại sao ông Hải không bị kỷ luật vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Có lẽ đó là trường hợp ‘im lặng là vàng’.”

Ông David Brown, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ có nhiều năm kinh nghiệm tại Việt Nam, nhận định với BBC rằng bà Lan có lẽ được những nhân vật quyền lực bảo trợ, những người chi phối kinh tế và chính trị ở TP HCM trong nhiều thập kỷ.

Ông nhìn nhận những gì đang xảy ra là một nỗ lực tái khẳng định quyền lực của Đảng Cộng sản đối với văn hóa kinh doanh tự do tại miền Nam.

“Điều mà ông Nguyễn Phú Trọng và các đồng minh trong đảng của ông ta đang cố gắng làm là giành lại quyền kiểm soát Sài Gòn, hoặc ít nhất là ngăn chặn nó tuột khỏi tầm tay.”

Sau khi bà Trương Mỹ Lan bị tuyên án tử hình vào ngày 11/4, vụ án Vạn Thịnh Phát đã được báo chí quốc tế chú ý.

Viết về vụ việc, tạp chí Time cho rằng bà Lan ắt phải có móc nối hoặc nhận sự bảo trợ từ những nhân vật có quyền lực để có thể xây dựng một đế chế bất động sản ở Việt Nam, nơi mà đất đai đều thuộc quyền sở hữu của nhà nước.

Tờ Time sau đó đã nhắc lại việc ông Lê Thanh Hải và ông Lê Hoàng Quân, cựu Chủ tịch UBND TP HCM, bị kỷ luật do những cáo buộc vi phạm nghiêm trọng liên quan đến dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Khu đất vàng về tay Vạn Thịnh Phát

Vạn Thịnh Phát sở hữu nhiều khu đất vàng và các tòa nhà nằm ở vị trí đắc địa tại TP HCM như Times Square, Cao ốc Vạn Thịnh Phát, khách sạn Duxton, Union Square.

Vào năm 2021, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận về việc chuyển đổi nhà đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP HCM có nhiều sai phạm.

Khi đó, báo chí Việt Nam đã phản ánh rằng phần lớn số nhà đất này đã “về tay” Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đơn cử là tòa nhà Vạn Thịnh Phát ở Trần Hưng Đạo, quận 1.

Khu nhà ở địa chỉ 187A, 187H, 193, 203 Trần Hưng Đạo, quận 1, TP HCM do Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát làm chủ đầu tư với tổng diện tích đất 1.985m2. Trụ sở của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tọa lạc trên trục đường chính quận 1, kết nối các tuyến giao thông quận 3, quận 4 và quận 5. Khu đất này của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được đánh giá là “đắc địa” bậc nhất TP HCM.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ khẳng định: "UBND TP Hồ Chí Minh không tính doanh thu bãi đỗ xe theo quy định, làm giảm giá trị quyền sử dụng đất. TP Hồ Chí Minh áp dụng suất đầu tư không đúng đối với công trình hạ tầng kỹ thuật có quy mô nhỏ hơn 20 ha, làm tăng chi phí đầu tư hạ tầng, dẫn tới làm giảm giá trị quyền sử dụng đất".

TP HCM còn áp dụng suất đầu tư không đúng đối với công trình hạ tầng kỹ thuật có quy mô nhỏ hơn 20ha, làm tăng chi phí đầu tư hạ tầng khiến quyền sử dụng bị giảm hơn 179,3 triệu đồng.

Khu đất này được UBND TP HCM cho Vạn Thịnh Phát thuê vào theo quyết định số 480/QĐ-UBND, ký vào ngày 6/2/2006. Mục đích thuê là để làm khách sạn và văn phòng, và thời hạn cho thuê đến hết năm 2020.

Ông Lê Thanh Hải là Bí thư Thành ủy TP HCM hai nhiệm kỳ, tổng cộng 10 năm, từ 2005-2015.

Nhiều sai phạm của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát xảy ra trong thời gian ông lãnh đạo thành phố này.

Tiểu sử ông Hai Nhựt

Ông Lê Thanh Hải sinh ngày 20/2/1950 tại xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, thành phố Mỹ Tho, nay là tỉnh Tiền Giang.

Ông có biệt danh là Hai Nhựt.

Từ năm 1966 đến năm 2006, ông Hải kinh qua nhiều chức vụ trong Đoàn Thanh niên Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông từng là ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ TP HCM, ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP HCM.

Năm 2006, ông Lê Thanh Hải trở thành ủy viên Bộ Chính trị khóa 10.

Ông tiếp tục là ủy viên Bộ Chính trị khóa 11.

Ông giữ chức Bí thư Thành ủy TP HCM nhiệm kỳ 2005 – 2010 và nhiệm kỳ 2010-2015.

Sau Đại hội Đảng 12 năm 2016, ông Lê Thanh Hải nghỉ hưu.

Tới ngày 20/3/2020, ông bị Bộ Chính Trị kỷ luật với hình thức “cách chức bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010 - 2015" do những vi phạm liên quan tới dự án khu đô thị Thủ Thiêm.

Do chỉ bị cách chức nhiệm kỳ 2010 – 2015, có thể hiểu là ông Hải vẫn là nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM khóa 2005-2010.

Tương tự, chức vụ ủy viên Bộ Chính trị khóa 10 và khóa 11 của ông coi như vẫn còn nguyên.