'Lò vẫn cháy' trong một tháng TBT Nguyễn Phú Trọng vắng mặt

trọng

Nguồn hình ảnh, BRENDAN SMIALOWSKI/AFP/Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh "tiếp tục cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần kiên quyết, kiên trì"

Một luật sư bình luận với BBC rằng việc "đốt lò" của ông Nguyễn Phú Trọng hiện nay "là công cuộc hay công cụ thì thời gian sẽ trả lời".

BBC điểm lại những vụ bắt giữ trong một tháng ông Nguyễn Phú Trọng vắng mặt do bệnh tật.

Đêm 14/5, truyền thông Việt Nam đưa tin Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng xuất hiện trở lại và tuyên bố "tiếp tục cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần kiên quyết, kiên trì".

Trước đó, dù ông không xuất hiện trước công chúng nhưng trong một tháng vắng mặt từ hôm 14/4, liên tiếp xảy ra những vụ bắt giữ, đề nghị kỷ luật đối với quan chức.

Những vụ bắt giữ

Hôm 13/4: Ông Phạm Nhật Vũ, cựu chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG), là nhân vật mới nhất trong thương vụ MobiFone-AVG bị bắt giam.

Hôm 14/5: Ông Tề Trí Dũng, cựu Tổng giám đốc Công ty Tân Thuận (IPC), bị khởi tố, bắt tạm giam vì liên quan đến sai phạm ở doanh nghiệp này.

Hôm 15/5: Tổng giám đốc Sadeco Hồ Thị Thanh Phúc bị bắt tạm giam sau cáo buộc tham ô tài sản và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.

trọng

Những vụ bị đề nghị kỷ luật, cách chức

Hôm 5/5: Cựu phó thủ tướng Vũ Văn Ninh bị đề nghị kỷ luật vì "có vi phạm, khuyết điểm trong việc quyết định chủ trương thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông vận tải".

Hôm 5/5: Đô đốc Hải quân, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến bị xem xét kỷ luật vì "những vi phạm trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng".

Hôm 5/5: Bốn thứ trưởng Giao thông Vận tải cùng bị kết luận có sai phạm là Nguyễn Hồng Trường, Nguyễn Văn Công, Nguyễn Ngọc Đông Nguyễn Nhật.

Hôm 14/5, ông Nguyễn Bá Cảnh, phó Ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng do "đã sống chung với người khác như vợ chồng và có con riêng khi đang có vợ trong thời gian hôn nhân hợp pháp, vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống".

'Công cuộc hay công cụ?'

Hôm 16/5, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp bình luận với BBC:

"Khi nói đến công chống tham nhũng tức nhiên phải phanh phui các vụ án tham nhũng và xử lý người tham nhũng. Tuy nhiên việc phanh phui các vụ án tham nhũng và xử lý người tham nhũng chưa hẳn là đang thực công cuộc chống tham nhũng, vì về lý thuyết người ta hoàn toàn có thể sử dụng việc chống tham nhũng như là một công cụ để thanh trừng, đấu đá nội bộ."

"Việc xử lý các vụ án tham nhũng hiện nay là công cuộc hay công cụ thì chỉ có người khởi xướng việc chống tham nhũng mới biết được. Đối với người dân thì phải chờ thêm một thời gian nữa. Nếu sau khi "dọn dẹp" xong tham nhũng của phe khác thì người khởi xướng có "sờ" đến những kẻ tham nhũng trong phe mình hay không."

"Nếu người khởi xướng "sờ" đến luôn cả những kẻ tham nhũng trong phe mình thì đó mới thực sự là công cuộc chống tham nhũng, nếu không thì nó chỉ là công cụ chống tham nhũng mà thôi."

"Để không xảy ra tình huống "lưỡng đầu thọ địch", và dồn lực triệt hạ những kẻ tham nhũng trong phe cánh của đối thủ thì tốt nhất, trước mắt, không nên bới móc những kẻ tham nhũng trong phe mình."

"Tôi nghĩ điều này hết sức bình thường và ai rơi vào tình huống này cũng phải hành động như vậy. Vì vậy, trong một giai đoạn nào đó, chúng ta cần phải chấp nhận việc chống tham nhũng được sử dụng như là công cụ để loại bỏ những kẻ thiếu đức, thiếu tài ra khỏi vai trò lãnh đạo. Chúng ta chỉ nên lên án khi mà dùng việc chống tham nhũng để loại bỏ những hiền tài không thuộc phe mình."

"Theo tôi, việc "đốt lò" của ông Nguyễn Phú Trọng hiện nay là công cuộc hay công cụ thì thời gian sẽ trả lời."

Chụp lại video, “Do cường độ làm việc cao, thời tiết thay đổi"

'Giữ Đảng, giữ nước'

Trả lời BBC hôm 15/5, nhà báo tự do Nguyễn An Dân nói: "Theo quan sát của tôi, vì trong lần gặp lần nhất, ông Nguyễn Phú Trọng bắt tay Tổng thống Mỹ Donald Trump bằng cả hai tay nên cần nhìn công cuộc đốt lò theo hàm nghĩa "vừa giữ Đảng, vừa giữ nước".

"Giai đoạn đầu đốt "nhánh Đinh La Thăng, Trần Bắc Hà..." là để giữ Đảng."

"Giai đoạn hai này là "để giữ nước" nên sẽ tập trung vào các nhánh củi có xu hướng liên quan nhiều đến Trung Quốc hoặc có nguy cơ gây mất an ninh quốc phòng, chứ tham nhũng thì hầu như nhiều giới chức tham nhũng nên cần ưu tiên trước và sau."

"Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4 đến Hội nghị Trung ương 8 là "bảo vệ Đảng, chống chuyển hóa."

"Còn theo tôi dự báo, nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 là "lợi ích quốc gia dân tộc là tối thượng" thì lò sẽ đốt về hướng quan chức thân Trung Quốc mà có xu hướng phá hoại."

NBT
Chụp lại hình ảnh, TBT Trọng nổi tiếng với các câu nóng đánh động dư luận

Xem lại bài về 'Công cuộc đốt lò'