Ông Vương Đình Huệ bị miễn nhiệm chức chủ tịch Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bị miễn nhiệm
Chụp lại hình ảnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chính thức bị miễn nhiệm

Chiều ngày 2/5, Quốc hội Việt Nam khóa 15 họp bất thường, bỏ phiếu kín chính thức miễn nhiệm chức danh Chủ tịch Quốc hội của ông Vương Đình Huệ, đồng thời cho ông thôi làm đại biểu Quốc hội.

Đây là kỳ họp bất thường lần thứ bảy của Quốc hội khóa 15 kể từ đầu nhiệm kỳ, được cho là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử 78 năm hoạt động của Quốc hội.

Tại kỳ họp, Quốc hội đã xem xét việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026, phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Hội đồng Quốc phòng-An ninh nhiệm kỳ 2021-2026 và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa 15 đối với ông Vương Đình Huệ.

Ông Huệ thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng.

Sau khi nghe trình bày các tờ trình, ý kiến phát biểu của ông Vương Đình Huệ, Quốc hội Việt Nam đã thảo luận, bỏ phiếu kín và thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026, phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Hội đồng Quốc phòng-An ninh nhiệm kỳ 2021-2026 và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa 15 đối với ông Vương Đình Huệ.

Sau khi ông Huệ bị miễn nhiệm, ghế chủ tịch Quốc hội bị trống.

Trong cuộc họp ngày 2/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phân công ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội, điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội Việt Nam cho đến khi kiện toàn được chức danh Chủ tịch Quốc hội khóa 15 theo quy định.

Ông Vương Đình Huệ được cho thôi chức như thế nào?

Trong khóa 13 của Trung ương Đảng, ông Vương Đình Huệ là ủy viên Bộ Chính trị thứ 5 kết thúc sự nghiệp
Chụp lại hình ảnh, Trong khóa 13 của Trung ương Đảng, ông Vương Đình Huệ là ủy viên Bộ Chính trị thứ 5 kết thúc sự nghiệp

Hôm 26/4, Trung ương Đảng đã đồng ý cho ông Huệ thôi giữ các chức vụ trong Đảng và nhà nước, bao gồm: Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, Chủ tịch Quốc hội khóa 15, nhiệm kỳ 2021-2026.

Sau cuộc họp bất thường, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông báo rằng theo báo cáo từ Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, ông Vương Đình Huệ đã "vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng".

Ông Huệ cũng phải "chịu trách nhiệm người đứng đầu" theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Những vi phạm, khuyết điểm của ông Vương Đình Huệ, theo Ban Chấp hành Trung ương Đảng, "đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân ông".

Thông báo của Trung ương Đảng còn cho biết: "Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân", ông Vương Đình Huệ đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác. Và Trung ương Đảng "đồng ý cho thôi chức".

Hiểu một cách đơn giản thì ông Huệ đã có vi phạm và đã làm đơn xin thôi chức. Bộ Chính trị đồng ý. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý.

Và giờ đây (ngày 2/5), Quốc hội làm thủ tục để miễn nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu.

Mặc dù Đảng không nêu cụ thể ông Vương Đình Huệ đã vi phạm những gì, nhưng vụ miễn nhiệm ông Huệ xảy ra sau vụ thuộc cấp thân tín của ông là Phạm Thái Hà – trợ lý của ông Huệ kiêm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - bị bắt hôm 21/4.

Ông Hà bị khởi tố, bắt tạm giam với tội danh "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" theo quy định tại Khoản 4, Điều 358, Bộ Luật Hình sự 2015, liên quan đến vụ án tại Tập đoàn Thuận An đã được khởi tố trước đó.

BBC đã có bài viết phân tích Quy định số 41-QĐ/TW năm 2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ cấp cao. Theo quy định này, nhiều cán bộ cấp cao trong ĐCSVN đã phải chịu trách nhiệm vì sai phạm của thuộc cấp. Ông Huệ có lẽ đã rơi vào trường hợp này.

'Ngôi sao sáng' Vương Đình Huệ

Với bằng cấp cao, lại kinh qua nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền địa phương và trung ương, bao gồm cả công tác quản lý kinh tế lẫn công tác đảng, ông Vương Đình Huệ từng được đánh giá là một ngôi sao sáng trên chính trường Việt Nam.

Nhiều nhà quan sát từng cho rằng ông là ứng viên hàng đầu cho vị trí tổng bí thư kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng.

Tuy nhiên, với việc miễn nhiệm của Quốc hội, sự nghiệp chính trị của ông coi như đã kết thúc.

Ông Vương Đình Huệ sinh năm 1957 tại xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Ông là Ủy viên Bộ Chính trị khóa 12 và 13, là Chủ tịch Quốc hội khóa 15 từ ngày 20/7/2021.

Ông có học hàm, học vị giáo sư, tiến sĩ kinh tế, từng là nghiên cứu sinh tại Đại học Kinh tế Bratislava, Cộng hòa Slovakia.

Ông từng làm giảng viên, rồi phó trưởng khoa, trưởng khoa Kế toán, rồi phó hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính-Kế toán Hà Nội.

Từ năm 2001 đến 2013, ông Huệ đảm nhận các chức vụ: Phó Tổng Kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Tài chính.

Ông Huệ là Trưởng Ban Kinh tế Trung ương giai đoạn 2012-2016.

Tại Đại hội Đảng lần thứ 12 vào tháng 1 năm 2016, ông được bầu vào Bộ Chính trị, nhóm quyền lực nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau đó, vào tháng 4/2016, ông Vương Đình Huệ đã trở thành Phó Thủ tướng dưới thời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Vào tháng 2/2020, sau khi ông Hoàng Trung Hải bị kỷ luật, Bộ Chính trị đã đưa ông Huệ về làm Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Tại Đại hội Đảng lần thứ 13, ông Huệ tiếp tục vào Ban chấp hành Trung ương khóa 13 và Bộ Chính trị.

Tới ngày 31/3/2021, ông Vương Đình Huệ chính thức trở thành Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia thay bà Nguyễn Thị Kim Ngân.

Hồi năm 2011, khi ông Huệ trở thành Bộ trưởng Tài chính, một số tờ báo tại Việt Nam đã kể câu chuyện rằng: Thuở nhỏ, những lần đèn cạn dầu, ông Huệ từng bắt đom đóm bỏ vào quả cà rỗng để học bài.

Báo chí cũng từng viết câu chuyện tương tự về ông Trần Đại Quang khi ông này làm chủ tịch nước.

Nói đến ông Vương Đình Huệ, nhiều người còn nhớ câu nói lúc ông còn làm Bộ trưởng Tài chính khi phê bình báo Sài Gòn Tiếp Thị: “Vì sao báo tiếp thị mà lại đi viết chuyện chính trị?”

Bãi nhiệm đại biểu Quốc hội Dương Văn Thái

Cũng tại kỳ họp bất thường hôm nay (2/5), Quốc hội Việt Nam đã bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khóa 15 đối với ông Dương Văn Thái.

Ông Thái thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang và là Bí thư Tỉnh ủy của tỉnh này.

Trước đó, vào ngày 26/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1046/NQ-UBTVQH15 đồng ý đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái, đại biểu Quốc hội khóa 15; đồng thời tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với ông này kể từ ngày có quyết định khởi tố bị can.

Do ông Thái là đại biểu Quốc hội nên việc khởi tố ông được thực hiện theo một quy trình khác so với thông thường.

Hiến pháp 2013 quy định không được bắt, giam giữ, khởi tố đại biểu Quốc hội mà không có sự đồng ý của Quốc hội hoặc không có sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (nếu trong thời gian Quốc hội không họp).

Trong trường hợp đại biểu Quốc hội phạm tội quả tang mà bị tạm giữ thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Như vậy, việc khởi tố, bắt tạm giam ông Dương Văn Thái phải thông qua Quốc hội.

Ông Dương Văn Thái (54 tuổi), quê Bắc Giang, là tiến sĩ kinh tế. Ông trưởng thành từ cán bộ văn hóa thông tin - thể dục thể thao thị xã Bắc Giang, sau đó là cán bộ thuế thuộc Chi cục thuế của địa phương này.

Vào năm 2006, ông Thái trở thành Phó chủ tịch UBND TP Bắc Giang thuộc tỉnh Bắc Giang, rồi Chủ tịch TP Bắc Giang.

Vào năm 2014, ông Thái được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, sau đó làm Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang từ 2019.

Tháng 10/2020, ông được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang.

Tại Đại hội Đảng lần thứ 13, ông Thái trúng cử ủy viên Trung ương Đảng, giữ chức Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ 2021-2026.

Từ tháng 7/2021, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa 15, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang. Ông cũng là ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội.

Ông Dương Văn Thái bị đề nghị khởi tố liên quan đến vụ án tại Tập đoàn Thuận An.

Bà Trương Thị Mai lên thay?

Bà Trương Thị Mai và ông Tô Lâm, những nhân vật "trung tâm" trên chính trường Việt Nam hiện nay.
Chụp lại hình ảnh, Bà Trương Thị Mai và ông Tô Lâm, những nhân vật "trung tâm" trên chính trường Việt Nam hiện nay

Nhiều nhà phân tích mà BBC phỏng vấn nhận định rằng bà Trương Thị Mai sẽ ngồi vào ghế chủ tịch Quốc hội kế nhiệm ông Huệ.

GS Carl Thayer từ Úc nhận định rằng việc bổ nhiệm bà vào vị trí này là “an toàn” vì bà “từng cho biết mình muốn nghỉ hưu (vào năm 2026)," ông Thayer nói.

Điều này nghĩa là bà Mai sẽ không tranh đua vị trí tổng bí thư.

Ông Zachary Abuza, Giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Mỹ, thì cho rằng bà Trương Thị Mai là người phù hợp nhất do bà có kinh nghiệm đa dạng trong nhiều lĩnh vực, nhất là nhờ vào giai đoạn làm ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà bà có kinh nghiệm trong Quốc hội.

TS Nguyễn Quang A, một nhà quan sát chính trị nổi tiếng tại Hà Nội, cũng nhận định rằng bà Mai phù hợp với ví trí này hơn Bộ trưởng Công an Tô Lâm.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, ông Lâm, vốn đang giữ ghế Bộ trưởng Công an đầy quyền lực, sẽ muốn chiếc ghế tổng bí thư hơn, vì làm chủ tịch nước hoặc chủ tịch Quốc hội thì "được tiếng" là có chân trong "Tứ Trụ" nhưng lại không có thực quyền.

Bà Trương Thị Mai sinh năm 1958, quê quán tỉnh Quảng Bình và đi lên từ con đường Đoàn Thanh niên. Bà từng nắm giữ nhiều chức vụ trong hệ thống Đoàn, nổi bật nhất có thể kể tới là vị trí Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, giai đoạn 1994-2002.

Từ năm 2007-2016, bà Mai giữ chức Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Bà Trương Thị Mai là Ủy viên Bộ Chính trị khóa 12 và 13.

Năm 2021, bà giữ chức Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Đến năm 2023, bà được Bộ Chính trị phân công giữ chức Thường trực Ban Bí thư khóa 13, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Ở vị trí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, một trong những hoạt động thường xuyên của bà là đi trao quyết định bổ nhiệm nhân sự của Đảng, chẳng hạn bí thư các tỉnh thành hoặc ban ngành do Trung ương Đảng quản lý.

Vai trò của bà Mai tập trung chủ yếu về các công tác trong nội bộ Đảng Cộng sản. Người ta thường thấy bà xuất hiện bên cạnh và tháp tùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong các chuyến công tác.

Đơn cử, bà Trương Thị Mai nằm trong đoàn tháp tùng ông Trọng trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Bắc Kinh vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm 2022.

Vào cuối tháng 9 năm 2022, hai tuần trước khi nữ doanh nhân Trương Mỹ Lan bị bắt, bà Trương Thị Mai đã đi cùng ông Nguyễn Phú Trọng vào thăm và làm việc với Thành ủy TP HCM.

Vai trò của bà Trương Thị Mai không được nhiều người bên ngoài Đảng biết tới dù vị trí của bà là một chức vụ cao trong hệ thống Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thường trực Ban Bí thư là một vị trí đầy quyền lực, về mặt đảng thì chỉ xếp sau Tổng Bí thư. Một số nhân vật quyền lực từng nắm giữ chức vụ này có thể kể đến là ông Trương Tấn Sang, ông Nguyễn Phú Trọng và ông Đinh Thế Huynh.

Hai thường trực Ban Bí thư gần đây là ông Võ Văn Thưởng và bà Trương Thị Mai không quá nổi bật, bên cạnh một Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đầy quyền lực.

Bà Mai là nữ thường trực Ban Bí thư đầu tiên trong số 21 người giữ chức danh thường trực Ban Bí thư kể từ năm 1976 tới nay.

Chụp lại video, BÀ TRƯƠNG THỊ MAI THAY ÔNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ?

Diễn biến chính trị khó lường

Việt Nam đang trải qua thời kỳ biến động nhân sự thượng tầng với nhiều diễn biến khó lường.

Chỉ trong vòng hơn một tháng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đều mất ghế, khiến "Tứ Trụ" chỉ còn hai "trụ" và Bộ Chính trị khóa 13 giảm xuống còn 13 ủy viên, so với con số 18 người vào đầu khóa hồi năm 2021.

Hơn một tháng trước, vào ngày 21/3, Quốc hội đã triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ 6 để miễn nhiệm các chức vụ chủ tịch nước, chủ tịch Hội đồng Quốc phòng-An ninh đối với ông Võ Văn Thưởng.

Lúc bấy giờ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là người chủ trì cuộc họp miễn nhiệm ông Thưởng. Giờ đây, đến lượt ông Huệ trở thành đối tượng miễn nhiệm trong một cuộc họp mà ông không thể ngồi ghế điều hành nữa.

Cũng trong kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với bà Hoàng Thị Thúy Lan, cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, người trước đó đã bị khởi tố, tạm giam về tội "Nhận hối lộ" liên quan đến vụ án tại Tập đoàn Phúc Sơn.

Ngày 5/2/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã quyết định cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa 15 với ông Trần Tuấn Anh, thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa.

Về mặt đảng, vào ngày 31/1/2024, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã “xem xét, cho ý kiến về nguyện vọng thôi giữ các chức vụ" Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương của ông Trần Tuấn Anh.

Vào năm 2023, tại kỳ họp bất thường thứ 3 vào ngày 18/1, Quốc hội đã xem xét miễn nhiệm chủ tịch nước khi đó là ông Nguyễn Xuân Phúc. Ông Phúc mất chức với lý do là "chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có hai phó thủ tướng, ba bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả nghiêm trọng".

Hai phó thủ tướng từ chức nói trên là ông Vũ Đức Đam và ông Phạm Bình Minh. Cả hai ông cũng đều bị miễn nhiệm chức vụ phó thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 vào kỳ họp bất thường lần thứ 2, diễn ra vào ngày 5/1/2023.

Tại kỳ họp bất thường này, Quốc hội cũng cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa 15 đối với ông Phạm Bình Minh.

Như vậy, trước trường hợp của ông Huệ, Quốc hội khóa 15 đã cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đối với bốn ủy viên Bộ Chính trị là ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Võ Văn Thưởng, ông Trần Tuấn Anh và ông Phạm Bình Minh.

Chụp lại video, ÔNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ MẤT CHỨC: CHIẾN DỊCH ‘ĐỐT LÒ’ CỦA ÔNG TRỌNG THẤT BẠI?