Họp Quốc hội: Bầu chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội cho đủ ‘Tứ Trụ’?

ảnh tứ trụ thiếu 2 người
Chụp lại hình ảnh, Sau sự ra đi của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, vẫn chưa có ai chính thức ngồi vào những chiếc ghế trống mà họ để lại.

Ngày 20/5, Quốc hội Việt Nam khóa 15 sẽ khai mạc kỳ họp thứ 7 trong bối cảnh “Tứ Trụ” đang thiếu mất hai ghế: chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội.

Đã có nhiều nhà quan sát nhận định với BBC rằng chức danh chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội sẽ chính thức được đưa ra để Quốc hội Việt Nam xem xét trong kỳ họp này.

Sau sự ra đi của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, vẫn chưa có ai chính thức ngồi vào những chiếc ghế trống mà họ để lại.

Và với quy trình chọn lãnh đạo của Việt Nam – Đảng quyết trước rồi mới đến Quốc hội làm thủ tục, dự kiến Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ họp trước để giới thiệu nhân sự, sau đó Quốc hội sẽ bỏ phiếu.

Sau khi ông Võ Văn Thưởng mất chức chủ tịch nước, nhiều tờ báo quốc tế nói rằng Việt Nam đang dần mất đi sự hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, viện dẫn những “bất ổn chính trị” đang xảy ra.

Tiếp đó là sự ra đi của ông Vương Đình Huệ. Không có chủ tịch Quốc hội, “rất khó để đất nước vận hành khi mà luật và các quy định cần được thông qua”, Giáo sư Zachary Abuza từ Đại học National War College (Mỹ) nhận định với BBC vào ngày 26/4.

“Việc không có chủ tịch Quốc hội sẽ gửi một tín hiệu rất xấu đến các nhà đầu tư nước ngoài,” ông thêm.

Chính vì thế, việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo này được coi là ưu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hiện bà Nguyễn Thị Ánh Xuân đang đảm nhiệm quyền chủ tịch nước còn ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội, đang được phân công điều hành cơ quan này.

Quốc hội họp 'nhiều nội dung quan trọng'

Kỳ họp Quốc hội lần này sẽ bắt đầu ngày 20/5 và kết thúc 28/6 tại Hà Nội, chia làm hai đợt. Đợt một từ ngày 20/5 đến ngày 8/6; đợt hai từ ngày 17/6 đến ngày 28/6.

Ngày 9/5, phát biểu trong cuộc họp giao ban của lãnh đạo Quốc hội và các ủy ban của Quốc hội, ông Trần Thanh Mẫn cho biết kỳ họp Quốc hội sắp tới có nhiều nội dung quan trọng.

Theo dự kiến, kỳ họp lần này sẽ thông qua 10 dự thảo luật, 3 dự thảo nghị quyết, 10 dự án luật bàn lần đầu để cho ý kiến.

Tới nay, Quốc hội khóa 15 của Việt Nam đã trải qua sáu kỳ họp thường kỳ và bảy kỳ họp bất thường.

Hai kỳ họp bất thường gần nhất vào ngày 21/3 và 2/5 có nội dung chính là miễn nhiệm chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội.

Bên cạnh các nội dung trên, bầu chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội có thể là hai nội dung quan trọng nữa của kỳ họp sắp tới đây.

Ít lựa chọn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (thứ hai từ trái) và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (bìa phải) là hai nhân vật trong "Tứ Trụ" bị mất chức trong năm 2024

Nguồn hình ảnh, NHAC NGUYEN/AFP/Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (thứ hai từ trái) và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (bìa phải) là hai nhân vật trong "Tứ Trụ" bị mất chức trong năm 2024

Hiện không có quá nhiều sự lựa chọn cho hai vị trí thuộc “Tứ Trụ”.

Theo Quy định 214-QĐ/TW của Bộ Chính trị, để đạt tiêu chuẩn làm chủ tịch nước và/hoặc chủ tịch Quốc hội, cá nhân cần tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên.

Đạt đủ tiêu chuẩn này trong Bộ Chính trị hiện nay chỉ có 4 người, gồm:

  • Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
  • Thủ tướng Phạm Minh Chính
  • Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai
  • Bộ trưởng Công an Tô Lâm.

Do ông Trọng đang làm tổng bí thư, và sức khỏe yếu, nên khó có khả năng ông sẽ đảm nhiệm thêm một chức vụ nữa, như cách mà ông đã tiếp quản ghế chủ tịch nước sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời hồi năm 2018.

Còn Thủ tướng Phạm Minh Chính đang điều hành chính phủ, một vị trí khó có thể thay đổi vào lúc này vì nếu thay đổi sẽ tạo ra các tác động, xáo trộn lớn.

Do đó, trong nhóm bốn nhân vật kể trên, còn lại chỉ có bà Trương Thị Mai và ông Tô Lâm.

Trong đó, theo các nhà quan sát mà BBC từng phỏng vấn, khả năng ông Tô Lâm sẽ ưu tiên ghế tổng bí thư, thay vì chủ tịch nước hoặc chủ tịch Quốc hội, những vị trí ít thực quyền. Do đó, các nhận định đều dồn vào bà Mai.

Theo Hiến pháp 2013, chủ tịch nước được Quốc hội bầu ra trong số các đại biểu Quốc hội.

Luật Tổ chức Quốc hội 2014 quy định chức danh Chủ tịch Quốc hội do Quốc hội bầu trong số các đại biểu Quốc hội theo danh sách đề cử của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Tức là chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội đều phải là đại biểu Quốc hội.

Các tiêu chuẩn được quy định trong hiến pháp hoặc luật là quy định "cứng", nhưng các tiêu chuẩn trong quy định của Đảng thì có thể mở ra ngoại lệ, chẳng hạn người chưa đủ một nhiệm kỳ trong Bộ Chính trị vẫn có thể được chọn vào “Tứ Trụ”, trong trường hợp thiếu nhân sự hội đủ tất cả các tiêu chuẩn.

Có một điều cần lưu ý nữa là về độ tuổi. Bốn người kể trên đều đã quá 65 tuổi vào thời điểm hiện tại.

Phần lớn những người còn lại lại trong Bộ Chính trị cũng sẽ quá 65 tuổi vào tháng 1/2026 – thời điểm diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14.

Vào tháng 1/2026, chỉ có 3 người trong Bộ Chính trị hiện tại không quá 65 tuổi, gồm:

  • Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú
  • Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Đinh Tiến Dũng
  • Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Điều này đặt ra thách thức lớn cho Tiểu ban Nhân sự Đại hội 14 - nhóm phụ trách cơ cấu nhân sự cho khóa 14.

3 người trong Bộ Chính trị dưới 65 tuổi vào tháng 1/2026, lần lượt từ trái qua là ông Trần Thanh Mẫn, ông Đinh Tiến Dũng và ông Trần Cẩm Tú.
Chụp lại hình ảnh, 3 người trong Bộ Chính trị không quá 65 tuổi vào tháng 1/2026, lần lượt từ trái qua là ông Trần Thanh Mẫn, ông Đinh Tiến Dũng và ông Trần Cẩm Tú.

Theo giáo sư Carl Thayer, nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm, điều này cho thấy công cuộc xây dựng đảng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “đã thất bại”.

“Tại sao các chỗ trống trong Bộ Chính trị vẫn chưa được lấp đầy? Tại sao ông Trọng đã làm tới ba nhiệm kỳ? Tại sao lại có nhiều thành viên trong Bộ Chính trị sẽ trên 65 tuổi vào năm 2026 đến vậy?"

“Có thể thấy công tác nhân sự rất yếu kém," GS Thayer bình luận.

Trong thời gian gần đây, đã có hai trường hợp ngoại lệ (quá tuổi) khi bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa 13, là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (bị miễn nhiệm vào tháng 1/2023). Thậm chí ông Nguyễn Phú Trọng đã hơn một lần sử dụng ngoại lệ “trường hợp đặc biệt” để tiếp tục ngồi ghế Ủy viên Bộ Chính trị và Tổng Bí thư.

Trong bài viết Phản bác luận điệu xuyên tạc về cuốn sách của Tổng Bí thư về chống tham nhũng, tiêu cực đăng trên báo Bình Phước hồi tháng 2/2024, hai tác giả Hồng Phúc và Quyết Thắng viết: “Còn nhớ, tại Đại hội 11 của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã 67 tuổi, ông đã thuộc trường hợp ‘đặc biệt’ theo quy định về độ tuổi của Đảng. Đến Đại hội 12, ông trở thành trường hợp ‘đặc biệt’ của ‘đặc biệt’ và đến Đại hội 13 thì ông là ‘đặc biệt’ của ‘đặc biệt’ của ‘đặc biệt’, 3 lần ‘đặc biệt’.”

Có thể thấy, quy định của Đảng vẫn chừa cho các ngoại lệ.

Quy trình bầu chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội

Quy trình bầu chủ tịch Quốc hội và chủ tịch nước được quy định lần lượt tại Điều 32 và Điều 33 trong Nghị quyết 71/2022 của Quốc hội.

Đối với chức vụ Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa trước trình danh sách đề cử.

Từ danh sách này, Quốc hội sẽ thực hiện bầu chủ tịch Quốc hội, phó chủ tịch Quốc hội, ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội qua hình thức bỏ phiếu kín.

Ngoài ra, đại biểu Quốc hội có quyền giới thiệu thêm hoặc tự ứng cử vào các chức danh nói trên.

Một quy trình tương tự được áp dụng cho việc bầu chủ tịch nước: Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử, Quốc hội bầu chủ tịch nước qua hình thức bỏ phiếu kín.

Ngoài danh sách đề cử, đại biểu Quốc hội có quyền giới thiệu thêm/tự đề cử chức danh chủ tịch nước.

Đảng quyết, Quốc hội bầu

Ảnh Quốc hội Việt Nam

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, Quy trình vào "Tứ Trụ" của ông Thưởng và ông Huệ cho thấy rõ thực tế Đảng quyết, Quốc hội bầu

Trên thực tế, các sắp xếp trong Đảng Cộng sản Việt Nam được coi là quyết định và việc bỏ phiếu tại Quốc hội là bước hợp thức hóa sự sắp xếp ấy của Đảng.

Xét quy trình ông Võ Văn Thưởng và ông Vương Đình Huệ vào “Tứ Trụ” có thể thấy rõ thực tế Đảng quyết, Quốc hội bầu.

Đầu tiên là về ông Võ Văn Thưởng.

Vào ngày 1/3/2023, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 đã họp để xem xét và cho ý kiến về công tác cán bộ.

Tại cuộc họp này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định giới thiệu nhân sự để bầu giữ chức chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026.

Ngày 2/3/2023, ông Võ Văn Thưởng đã chính thức tuyên thệ sau khi được Quốc hội bầu trong kỳ họp bất thường.

Ông Thưởng nhận được 487/488 phiếu tán thành từ các đại biểu Quốc hội.

Trường hợp ông Vương Đình Huệ nhậm chức Chủ tịch Quốc hội cũng có sự tương đồng.

Tại Đại hội Đảng lần thứ 13 vào tháng 1/2021, các đại biểu dự Đại hội Đảng đã được thông báo:

  • Ông Nguyễn Phú Trọng được giới thiệu tái cử Tổng Bí thư
  • Ông Nguyễn Xuân Phúc đề cử Chủ tịch nước
  • Ông Phạm Minh Chính đề cử Thủ tướng
  • Ông Vương Đình Huệ đề cử Chủ tịch Quốc hội

Tới ngày 31/3/2021, ông Vương Đình Huệ nhậm chức Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia thay bà Nguyễn Thị Kim Ngân.

Ông Huệ nhận được 100% phiếu của các đại biểu Quốc hội có mặt (473 đại biểu) tán thành và chính thức trở thành Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia.

Khi ông Thưởng, ông Huệ mất chức thì cũng theo quy trình tương tự. Trung ương Đảng tổ chức hội nghị, “đồng ý cho thôi chức”, sau đó Quốc hội bỏ phiếu miễn nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu.

Bà Trương Thị Mai sáng giá

Trong bối cảnh Việt Nam cố gắng đảm bảo tỷ lệ nữ giới trong bộ máy quyền lực, bà Trương Thị Mai được đánh giá là ứng cử viên số một cho vị trí chủ tịch Quốc hội.

Ngày 26/4, ngay sau khi có tin ông Đảng đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi chức, Giáo sư Carl Thayer nói với BBC rằng nguồn tin của ông cho biết bà Mai sẽ được bầu làm chủ tịch Quốc hội.

"Điều đó an toàn vì bà ấy từng cho biết mình muốn nghỉ hưu (vào năm 2026)," ông Thayer nói. Điều này có nghĩa là bà Mai sẽ không tranh đua vị trí tổng bí thư.

Giáo sư Zachary Abuza đánh giá bà Mai là người “phù hợp nhất” cho vị trí này do bà ấy có “kinh nghiệm đa dạng trong nhiều lĩnh vực”.

Sau khi ông Thưởng mất chức, đã có những ý kiến cho rằng bà Mai sẽ trở thành ứng cử viên sáng giá cho vị trí chủ tịch nước.

Lý do đến từ chính điểm yếu của bà: bà không có nhiều quyền lực và có vẻ không quá tham vọng quyền lực.

Thường trực Ban Bí thư là một vị trí đầy quyền lực, về mặt đảng thì chỉ xếp sau Tổng Bí thư. Một số nhân vật quyền lực từng nắm giữ chức vụ này có thể kể đến là ông Trương Tấn Sang, ông Nguyễn Phú Trọng và ông Đinh Thế Huynh.

Hai thường trực Ban Bí thư gần đây là ông Võ Văn Thưởng và bà Trương Thị Mai không quá nổi bật, bên cạnh một Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đầy quyền lực.

Ông Tô Lâm ‘không mặn mà’

Ông Tô Lâm đang càng được chú ý sau khi "Tứ Trụ" khuyết nửa

Nguồn hình ảnh, HOANG DINH NAM/AFP via Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Ông Tô Lâm đang càng được chú ý sau khi "Tứ Trụ" khuyết một nửa

Ngược lại với những dự đoán rằng bà Mai sẽ tham gia” Tứ Trụ”, nhiều chuyên gia nhận định rằng ông Tô Lâm “không mặn mà” lắm với cả hai vị trí đang trống.

Lý do các chuyên gia đưa ra là các chức vụ chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội có ít thực quyền, trong khi vị trí bộ trưởng Công an mà ông Lâm đang nắm giữ vốn đã có nhiều quyền lực rồi.

Bên cạnh đó, ông Tô Lâm có vẻ cũng không được lòng đại biểu Quốc hội.

Tháng 10/2023, ông Tô Lâm nhận được 329 phiếu “tín nhiệm cao” (khoảng 68%) và 43 phiếu “tín nhiệm thấp” (khoảng 8,94%) trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn.

Để so sánh, ông Vương Đình Huệ khi đó nhận được 437 phiếu “tín nhiệm cao” (khoảng 90,04%) và 11 phiếu “tín nhiệm thấp” (khoảng 2,29%).

Hiện ông Tô Lâm được đánh giá là đang nhắm đến chức vụ tổng bí thư.

Giáo sư Abuza nhận định ông Tô Lâm, với chức vụ Bộ trưởng Công an hiện tại, “có quyền lực điều tra khổng lồ” - điều mà các đối thủ của ông không có.

Giáo sư Abuza cũng đánh giá: “Việc ông Huệ mất chức khiến khả năng Bộ trưởng Công an Tô Lâm trở thành tổng bí thư càng tăng cao.”

Điều này có thể khiến ông Tô Lâm càng không muốn ngồi vào vị trí chủ tịch nước hay chủ tịch Quốc hội.

Ngược lại, Giáo sư Thayer lại cho rằng ông Tô Lâm không dễ để trở thành tổng bí thư, viện dẫn cuộc bỏ phiếu tín nhiệm hồi tháng 10/2023 nói trên.

Ông Thayer cho rằng điều này cho thấy “có những người thực sự lo ngại về ông Tô Lâm, nên ông ấy là một ứng viên gây chia rẽ”

“Đảng Cộng sản Việt Nam thường muốn hướng tới sự ổn định và đồng thuận, điều này gây bất lợi cho ông ta.”