Tổng thống Putin muốn đưa giáo dục ái quốc vào trường học

Quảng trường Đỏ, Moscow ngày 26/3

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, Quảng trường Đỏ, Moscow ngày 26/3

Hôm 22/05, Điện Kremlin đã đệ trình lên Quốc hội Nga phần sửa đổi luật giáo dục, đưa tinh thần ái quốc và các bài giảng về chiến thắng của Liên Xô trong Thế Chiến 2 vào chương trình chính thức.

Việc "bảo vệ hồi ức của thế hệ vệ quốc cha anh, và thành tích của các anh hùng Vệ quốc" sẽ là một phần bắt buộc phải học, theo luật.

Dự luật sửa đổi số 960545-7 dự kiến sẽ được thông qua vì đây là xu hướng mà Điện Kremlin đã thúc đẩy từ năm năm qua, theo trang Moscow Times.

Hồi 2015, Tổng thống Vladimir Putin đã cho lập ra phong trào Thanh niên Ái quốc.

Đến năm 2018, Quân đội Liên bang Nga có thêm Tổng cục Ái quốc (Patriotic Directorate) để tổ chức các trại hè giáo dục bán quân sự cho thanh thiếu niên Nga.

Năm ngoái, trại hè đầu tiên có nội dung giáo dục lòng yêu nước pha trộn tinh thần quân sự đã tổ chức lần đầu gần Moscow.

Đầu tháng 5 năm nay, nhân kỷ niệm 75 năm chiến thắng phát-xít Đức ở châu Âu, ông Putin nhắc lại ý tưởng coi "lòng ái quốc là một phần của tinh thần quốc gia Nga".

Việc đưa giáo dục ái quốc mang tính quân sự vào chương trình học sẽ là bước tiếp theo, hoàn chỉnh kế hoạch bồi đắp chủ nghĩa dân tộc Nga, với các phần diễn giải lịch sử khác nhau.

Tổng thống Vladimir Putin chúc mừng phụ nữ Nga ngày 8/3/2015 (hình tư liệu)

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, Tổng thống Vladimir Putin chúc mừng phụ nữ Nga ngày 8/3/2015 (hình tư liệu)

Nước Nga thời Putin diễn giải lại lịch sử ra sao?

Lịch sử Nga theo cách nhìn của Điện Kremlin thời ông Putin gồm ba phần: đánh giá lại và đề cao tối cao Chiến thắng Vệ quốc trong Thế Chiến 2; giảm bớt ca ngợi Cách mạng Tháng 10/1917 và ít nói đến các tội ác thời Stalin; và phục hồi các chiến thắng của nước Nga theo Chính Thống giáo thời xa xưa.

Theo nhà báo Vitaly Shevchenko của BBC Monitoring chuyên đánh giá truyền thông Nga, "chiến thắng của Liên Xô trong Thế Chiến 2 là một trong các trụ cột cơ bản cho ý thức hệ quốc gia mới mà nhà nước Nga hiện nay đầu tư vào và tôn thờ".

Một mặt, ông Putin vẫn tưởng niệm các nạn nhân của những đợt thanh trừng đẫm máu mà Đảng Cộng sản Liên Xô gây ra cho chính đồng chí và nhân dân họ thời Stalin, nhất là trong thập niên 1930-40.

Mặt khác, chiến thắng quân sự năm 1944-45 phản ánh "sức mạnh đế quốc" mà Putin rất thích dùng để "tạo chính danh cho bản thân, cho chính sách ngoại giao bành trướng", theo ông Shevchenko.

Song song với chiến thắng 75 năm trước, chính phủ Nga thời Putin chọn lại một cuộc chiến ít ai để ý từ thế kỷ 17 để đánh dấu tinh thần chống Ba Lan của Nga.

Năm 2011, ông cho chọn ngày quân dân Nizhny Novgorod, bảo vệ thành công thành phố cổ đại trước cuộc bao vây của liên quân Ba Lan - Thụy Điển năm 1612.

Ngày 04/11/1612 được ông Putin chọn làm lễ kỷ niệm lớn, với sự hiện diện hàng năm của quan chức chính quyền và tăng lữ Chính Thống giáo, thay ngày 07/11 truyền thống thời Liên Xô,

Tên tuổi hai nhà quý tộc Nga thắng trận Novogrod, Kuzma Minin và Dimitry Pozharsky nay được tôn thờ ở chân tường Điện Kremlin.

Người Nga tưởng niệm chiến thắng Phát xít Đức tại làng Sokolniki ngày 9/5

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Người Nga tưởng niệm chiến thắng Phát xít Đức tại làng Sokolniki ngày 9/5

Putin và thái độ nước đôi về giai đoạn cộng sản

Chuyện đề cao chiến thắng của Hồng quân trong Thế Chiến 2, và phục hồi các hình ảnh xa xưa từ thời nước Nga không phải là việc quá đặc biệt tại Nga.

Nhiều nước châu Âu khác cũng tìm lại các biểu tượng quá khứ.

Ngay cả Đức cũng bắt đầu đánh giá lại, tích cực hơn về đế chế Phổ (Prussia) vốn có chủ nghĩa quân phiệt khét tiếng.

Nhưng điều làm Nga khác các nước Đông Âu đã dân chủ hóa là phần đánh giá về di sản thời cộng sản.

Nếu như các nước châu Âu từng bị phụ thuộc vào Moscow trong Chiến tranh Lạch đã hoàn toàn bác bỏ quá khứ XHCN, Điện Kremlin tránh nói đến Cách mạng Tháng 10 và các lãnh tụ cộng sản quá cố.

Phát ngôn viên Điện Kremlin, ông Dimitry Peskov từng hỏi, "Kỷ niệm để làm gì nữa?" khi nói về năm 1917.

Tháng 10/2017, ông Putin có bài diễn văn dài tưởng niệm Nạn nhân Đàn áp Chính trị thời Liên Xô, và nhắc lại về hàng triệu người Liên Xô bị chế độ cộng sản giết hại:

"Quá khứ khủng khiếp này không thể bị xoá nhòa khỏi ký ức quốc gia, không có bất cứ điều gì, không có lợi ích cao cả nào cho nhân dân có thể biện minh cho chuyện đó."

Sự hy sinh của hàng triệu công dân Liên Xô trong Thế Chiến 2 nay được bảo vệ như ký ức thiêng liêng.

Tuy thế, điều sẽ dễ làm ông Putin bị "thua cuộc chiến về lịch sử" là việc bỏ qua số phận của hàng triệu công dân là nạn nhân của chính Liên Xô.

Từ 1939, hàng triệu dân các nước Ba Lan và vùng Baltic bị sáp nhập vào Liên Xô, cùng dân các nước cộng hòa ở Kavkaz, Trung Á...đã bị đầy đọa khủng khiếp.

Hàng trăm nghìn đã thiệt mạng bởi tay của bộ máy đàn áp Liên Xô chứ không phải vì phát-xít Đức.

Bản thân ông Putin từng dẫn lời vợ của tiểu thuyết gia Aleksandr Solzhenitsyn, người bị đày đi Siberia thời Liên Xô nói rằng cần phải "biết, nhớ, lên án và chỉ khi đó mới có thể tha thứ".

Mặt khác, trong lúc có tiếng nói kêu gọi đem thi hài Lenin, biểu tượng của nội chiến Nga và phong trào Bolshevik khét tiếng đi chôn, ông Putin không đả động gì đến chủ đề đó.

Chính vì không dứt khoát về di sản thời cộng sản, ông Putin lại bị động trước các nhân vật còn có tinh thần dân tộc chủ nghĩa hơn ông.

Gần đây nhất, một nhân vật thiên hữu, cựu ứng viên tổng thống Nga, Vladimir Zhirinovsky đề xuất "bán xác Lenin cho Trung Quốc hay Việt Nam để lấy tiền chống Covid-19".

Đoạn đăng trên Twitter của ông Zhirinovski, dân biểu Duma chuyên đề cao tinh thần Đại Nga, bài ngoại nhưng có không ít người ủng hộ được trang Russia Today đăng tải cả bằng tiếng Anh hôm 22/05.

Cho tới hôm nay, Điện Kremlin không phản hồi gì về "sáng kiến bán xác Lenin" của ông ta.