Vietnam Airlines bị nghi chậm công bố kiểm toán tài chính do thua lỗ

Vietnam airlines

Nguồn hình ảnh, NurPhoto

Hãng hàng không quốc gia Việt Nam chậm công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, theo ch-aviation.com

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) yêu cầu Vietnam Airlines công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán cho cả năm 2022. Thông tin này được đưa ra sau khi hãng hàng không quốc gia Việt Nam xin thêm thời gian để tất toán và công khai tài chính liên quan khác. Hồ sơ lần đầu tiên do ch-aviation.com xem và báo cáo cho biết:

"Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã yêu cầu công ty khẩn trương khắc phục công tác kế toán để hoàn thành việc công bố thông tin theo đúng quy định."

Ngoài ra, hồ sơ cũng nêu quan điểm là giải thích của hãng hàng không về việc trì hoãn công bố thông tin tài chính của họ không phù hợp với "các trường hợp bất khả kháng" như thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh, dịch bệnh và các lý do khác mà cơ quan quản lý có thể cho phép trì hoãn.

Hãng xin lùi thời gian nộp hồ sơ lên UBCKNN và Sở giao dịch chứng khoán TP HCM đến ngày 29/3/2023. Tuy nhiên hãng không đề cập kế hoạch sẽ nộp vào thời điểm nào.

Trong đơn xin hoãn, Vietnam Airlines giải thích rằng quy mô hoạt động lớn trên toàn cầu, bao gồm 27 đơn vị trực thuộc (9 chi nhánh trong nước và 18 chi nhánh nước ngoài) và 15 công ty con hoạt động trong các lĩnh vực khác, cùng với những thách thức do dịch COVID-19 gây ra là những lý do chính cho sự chậm trễ của họ.

Vào tháng 2/2022, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh đã đăng thông báo, cảnh báo Vietnam Airlines về khả năng bị hủy niêm yết, một diễn biến đáng lo ngại đối với một công ty đã bị thua lỗ tài chính đáng kể trong vài năm qua. Một cảnh báo tương tự đã được đưa ra vào tháng 9/2022.

Năm 2020, công ty lỗ gần 11 nghìn tỷ đồng, trong khi năm 2021, công ty lỗ 13 nghìn tỷ đồng. Báo cáo tài chính hợp nhất nửa năm cho thấy những khó khăn về tài chính của công ty vẫn đang tiếp diễn, với khoản lỗ ròng hơn 5,1 nghìn tỷ đồng, theo báo cáo của ch-aviation.com.

Khách quốc tế phục hồi chậm

Việt Nam đã mở cửa đón khách quốc tế từ tháng 3/2022 nhưng lượng khách phục hồi chậm

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Việt Nam đã mở cửa đón khách quốc tế từ tháng 3/2022 nhưng lượng khách phục hồi chậm

Việt Nam đã liên tục áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu vào năm 2020 và chỉ vừa chính thức mở cửa du lịch quốc tế từ ngày 15/3/2022.

Tuy nhiên, lượng khách từ các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản phục hồi rất chậm.

Do các chuyến bay quốc tế chiếm tỷ trọng đáng kể, Vietnam Airlines đã phải vật lộn để xoay sở tình hình tài chính.

Cuối tháng 9 năm ngoái, hãng hàng không quốc gia thoát tình trạng âm vốn chủ sở hữu sau khi bổ sung gần 8.000 tỷ đồng thông qua phát hành thêm gần 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Chính phủ Việt Nam sở hữu gần 90% cổ phần của Vietnam Airlines, Tập đoàn Hàng không ANA (Nhật Bản) chiếm 5,6%, còn lại là một số cổ đông nhỏ khác.