Đảng Cộng sản Việt Nam họp đại hội bầu chọn lãnh đạo mới

  • Andreas Illmer
  • BBC News
Đảng Cộng sản Việt Nam họp đại hội bầu chọn lãnh đạo mới

Nguồn hình ảnh, Other

Tầng lớp tinh hoa trong giới chính trị Việt Nam đang tề tựu về dự kỳ đại hội Đảng quan trọng, nhằm bầu chọn những người lãnh đạo đất nước trong năm năm tới.

Đại hội 13 diễn ra trong bối cảnh đất nước đã phòng chống khá thành công đại dịch Covid-19, và nền kinh tế thì đang bùng nổ.

Ở hầu hết các quốc gia khác, chuyện bầu chọn lãnh đạo thường diễn ra cùng với một kỳ tổng tuyển cử. Nhưng ở Việt Nam, một quốc gia cộng sản, thì việc bầu chọn dàn lãnh đạo lại được thực hiện theo cách khác.

Nhìn vào sân khấu chính trị được dàn dựng chặt chẽ mà ta thấy tại các đại hội đảng của Trung Quốc hoặc Bắc Triều Tiên, quý vị sẽ hình dung ra được câu chuyện ở Việt Nam.

Việt Nam rất giống như vậy, tuy mức thu hút sự chú ý thì không ồn ào bằng.

Big poster ahead of party congress

Nguồn hình ảnh, Reuters

Tại sao Việt Nam quan trọng?

Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á, và là một trục trụ giữ cho sự ổn định của khu vực. Giống như Trung Quốc, Việt Nam về cơ bản là một nền kinh tế tư bản đang bùng nổ dưới lớp vỏ cộng sản.

Chính phủ đã thiết lập thành công quan hệ với cả Trung Quốc và Mỹ, đưa đất nước vào một vị trí chiến lược rất tốt.

Về mặt kinh tế, Việt Nam có quan hệ tốt với cả hai siêu cường đó - và tranh chấp thương mại hiện tại giữa Bắc Kinh và Washington đã đưa Hà Nội vào một vị thế thậm chí còn tốt hơn.

Nhiều công ty đa quốc gia nay hoạt động tại Việt Nam, trong đó gồm cả những gã khổng lồ công nghệ toàn cầu như Apple và Samsung.

Đây cũng là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á giảm thiểu được thiệt hại kinh tế do Covid-19 gây ra và đạt mức tăng trưởng vừa phải trong năm qua.

Soldiers with armoured vehicle

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, Mặc dù mở cửa với phương Tây, Việt Nam vẫn là một chế độ độc đoán

Về mặt quân sự, nước này cũng đang đi dây một cách khéo léo giữa Trung Quốc và Mỹ. Việt Nam từng trải qua các cuộc chiến chống lại cả hai, nhưng trong những năm gần đây Hà Nội đã đặc biệt mâu thuẫn với Bắc Kinh quanh các xung đột, tranh cãi về Biển Đông.

Việt Nam được điều hành thế nào?

Khác với Trung Quốc và Triều Tiên, nước này không có một nhân vật mạnh mẽ nào đứng đầu. Có bốn chức vụ chính tạo thành dàn lãnh đạo tập thể: Tổng Bí thư Đảng Cộng sản, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Nước và Chủ tịch Quốc hội.

Việc bỏ phiếu cho bốn vị trí đó được dịch chuyển lên trên theo hình kim tự tháp. Cứ 5 năm một lần, khoảng 1.600 đại biểu sẽ bầu ra khoảng 200 người vào Trung Ủy. Trung Ủy sau đó bầu ra Bộ Chính trị gồm khoảng 20. Trong số 20 thành viên Bộ Chính trị, sẽ có bốn người được đề cử vào các vị trí trong "Tứ trụ".

Nghe thì có vẻ như đây là tiến trình bầu cử dân chủ từ cấp cơ sở đi lên, thế nhưng thường là sẽ có sự vận động chính trị rốt ráo từ trước, và việc bầu chọn đều đã được định trước.

Trấn áp bất đồng chính kiến

Việc chuyển đổi quyền lực chính trị được kiểm soát và quản lý chặt chẽ, và bất kỳ điều gì được coi là chỉ trích giới chức cũng bị kiểm soát, quản lý chặt chẽ như vậy.

Điều đó không có gì mới ở Việt Nam - rốt cuộc thì đó là quốc gia độc đảng, không có tự do báo chí thực sự.

Tuy nhiên, trong những tháng qua, đã xảy ra tình trạng tiếp tục trấn áp giới bất đồng chính kiến. Tổ chức n xá Quốc tế và hãng tin Reuters đều ghi nhận đã có số lượng cao kỷ lục các tù nhân chính trị và các án tù dài hạn dành cho các nhà hoạt động.

Three men in court

Nguồn hình ảnh, AFP

Chụp lại hình ảnh, Vào tháng Giêng, ba nhà báo tự do Phạm Chí Dũng (phải), Nguyễn Tường Thụy (trái) và Lê Hữu Minh Tuấn (phía sau) đã bị kết án tù nhiều năm

Hồi đầu tháng này, ba nhà báo tự do đã bị kết tội tuyên truyền chống nhà nước và bị các mức án 11 và 15 năm tù.

Sự kìm kẹp ngày càng tăng với giới bất đồng chính kiến một phần dựa vào hoạt động của một đơn vị quân sự đặc biệt trên mạng, Lực lượng Đặc nhiệm 47, vốn từ năm 2018 đã tấn công vào những ai dám chỉ trích giới chức trên mạng

"Hầu hết những người bị bắt là các nhà văn và các nhà hoạt động, những người sử dụng mạng xã hội - đặc biệt là Facebook - làm nơi để lên tiếng," Nguyễn Khắc Giang, nhà nghiên cứu về Việt Nam tại Đại học Victoria, Wellington, giải thích.

"Tình hình sẽ trở nên khó khăn hơn với những người chỉ trích, vì chính phủ dường như quyết tâm trấn áp bất kỳ dấu hiệu phản kháng nào trên mạng."

Vậy ai sẽ là người dẫn dắt đất nước?

Trong "Tứ trụ", Tổng Bí thư là người có vai trò quan trọng nhất.

Hiện người đang giữ chức vụ này là ông Nguyễn Phú Trọng, 76 tuổi. Ông Trọng đang nắm quyền nhiệm kỳ hai sau khi được đưa vào trường hợp đặc biệt, được ở lại tuy đã vượt quá mức tuổi quy định, 65 tuổi.

Điều đó lẽ ra khiến ông khó có thể ra tái tranh cử lần này - nhưng cuối tuần qua, danh tính của các gương mặt đề cử cho vị trí "Tứ trụ" đã bị rò rỉ và lan truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông Việt Nam: ông Trọng sẽ ở lại nhiệm kỳ ba.

Ông được biết đến với cuộc chiến chống tham nhũng "đốt lò" được phát động năm 2016, là chiến dịch đã khiến nhiều quan chức cấp cao, trong đó có một ủy viên Bộ Chính trị, bị vào tù.

Nguyen Phu Trong

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, Ông Nguyễn Phú Trọng sắp có nhiệm kỳ thứ ba

Tuy nhiên, ngay cả sự thay đổi lãnh đạo cũng khó có thể tạo ra bất kỳ thay đổi mạnh mẽ nào về hướng đi của Việt Nam. "Việt Nam là một chế độ chuyên chế được thể chế hóa cao - các quyết định chính được đưa ra dựa trên sự đồng thuận của tất cả các nhà lãnh đạo,'' ông Nguyễn Khắc Giang giải thích.

line

''Điều khó xử của giới lãnh đạo cao niên trong xã hội trẻ"

Phân tích của Nguyễn Giang, BBC News Tiếng Việt

Đại hội lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu bằng màn biểu dương lực lượng của cảnh sát chống bạo động tuần trước trên đường phố Hà Nội.

Tuy nhiên, không có mối đe dọa nghiêm trọng nào với đảng cầm quyền với 5 triệu thành viên dường như có toàn quyền kiểm soát tương lai của đất nước trong ít nhất 10-15 năm tới. Liệu nó có thể giữ cho những lý tưởng xã hội chủ nghĩa của mình tồn tại lâu dài hay không là điều vẫn còn phải xem xét.

Trong thập niên tới, quốc gia này có cơ hội tốt để duy trì nền kinh tế đang bùng nổ, có thể cạnh tranh với các quốc gia láng giềng. Họ đã quản lý việc chống đại dịch khá tốt, với nền kinh tế là một trong số ít những quốc gia có tốc độ tăng trưởng tích cực vào năm 2020.

Và ban lãnh đạo dường như hiểu điều đó.

Họ quyết tâm bám trụ dù tuổi đã cao. Điều này xảy ra bất chấp việc họ nói muốn tất cả các nghị sĩ mới cho quốc hội Việt Nam dưới 55 tuổi và nữ dưới 50. Có vẻ như họ muốn đảm bảo đất nước rồi sẽ có được một ban lãnh đạo trẻ hơn, sáng tạo hơn - nhưng hiện giờ thì chưa.

1px transparent line

Việt Nam đang đứng trước những thách thức gì?

Dàn lãnh đạo mới sẽ phải xem xét giai đoạn quan trọng trong 5 năm tới. Đại dịch toàn cầu dự kiến sẽ đẩy phần lớn thế giới vào suy thoái và Việt Nam sẽ cố gắng duy trì tốc độ tăng trưởng của mình

Chỉ mới hồi cuối năm ngoái, mục tiêu tăng trưởng cho năm 2021 đã được đặt ra ở mức 6,5% đầy tham vọng.

Trong năm 2020, mức tăng trưởng giảm xuống, đạt 2,9%, là mức thấp nhất kê từ hơn 30 năm qua - nhưng nước này vẫn đang đạt mức tốt hơn hầu hết các nước khác trên thế giới.

Mức tăng trưởng chậm hơn trong năm ngoái tất nhiên phần lớn là do đại dịch, và hầu như chắc chắn là sự tăng trưởng trong năm 2021 sẽ lại bị virus corona kìm hãm.

Việt Nam sẽ tiếp tục tìm cách duy trì sự cân bằng kinh tế và địa chính trị giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Lập trường hiếu chiến của Trung Quốc được cho là sẽ đẩy Hà Nội tiếp tục ngảy về phía Mỹ. Và nếu cuộc xung đột thương mại giữa Washington và Bắc Kinh tiếp tục, Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ chuyện đó.