Nhất thiết phải có con?

Vietnam, children

Nguồn hình ảnh, Getty Images

  • Tác giả, Nguyễn Mạnh Hà
  • Vai trò, Gửi cho BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội

Nghèo có nên sinh con hay không? Một phát ngôn gây tranh cãi trên mạng thực ra đã khơi dậy một chủ đề đáng được bàn luận một cách nghiêm túc.

Ngày nay dù là người của công chúng hay không vẫn có thể lấy ảnh của mình ra lồng vào một câu nói vui vui, nghịch ngợm nào đó rồi tung lên mạng - coi như một cách gây chú ý, làm hình ảnh. MC nọ cũng không ngoại lệ, vào fanpage của anh có thể bắt gặp những câu như "Trước khi tự trách mình sao không thử đổ lỗi cho người khác" hay "Dạo này mình tập thói quen ngủ sớm để thời gian nghèo nó ngắn lại"

Nam MC và ê kíp chỉ thực sự “thành công” (trong việc câu view) khi chọn được câu trích: “Nếu đứa con sinh ra để kế thừa sự vất vả, nghèo khó của bạn, vậy không sinh con cũng chính là một loại lương thiện”.

Câu này không có tính chơi chữ mà có vẻ đang nghiêm túc phán xét và quy kết việc sinh con (hoặc không) vào phạm trù đạo đức. Hơn nữa, câu nói còn quàng sự nghèo khó vào với con cái. Thực tế có thể có những bậc cha mẹ nghèo nhưng lại có trách nhiệm lo lắng cho con hơn cả cha mẹ giàu thì sao?!

Câu nói không chỉ “dằn mặt” những người đã nghèo lại còn sinh con mà còn quy kết nghèo mà sinh con là bất lương nên bị phản ứng là tất nhiên. Trên thực tế, rất có thể nghèo lại là động lực để người ta sinh con những mong được trông cậy. Giàu mở ra nhiều lựa chọn hưởng thụ đời sống lại khiến người ta ngại đẻ. Bằng chứng là tỷ lệ sinh ở các nước phát triển bao giờ cũng thấp.

Tuy nhiên, “phát ngôn” vô chủ (?) này khiến cho những luận cứ quanh lựa chọn không có con được đào xới lại. Chẳng hạn, giữa lúc tình trạng biến đổi khí hậu đáng báo động hay vệ sinh an toàn thực phẩm không được đảm bảo, giáo dục cũng đầy vấn đề… thế này thì không có con là rất nên(!) Vì có vẻ như chúng ta đã tạo ra nhiều vấn đề sẽ chỉ trở thành gánh nặng cho thế hệ sau chứ đừng hy vọng chúng có thể giải quyết.

Nhưng đó là việc của những người cả nghĩ chứ tuyệt đại đa số nhân loại vẫn sinh đẻ hồn nhiên. Cho nên mấy quan điểm này mang ra bàn bạc cũng chỉ để cho vui mà thôi.

sinh con

Nguồn hình ảnh, Pascal Deloche/Godong/Universal Images Group qua Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Tuyệt đại đa số nhân loại vẫn lựa chọn sinh con

Nhân dịp này một bài báo về một cặp vợ chồng 9X ở Hà Nội cùng làm trong ngành du lịch quyết định không sinh con, dành quỹ thời gian chu du thế giới cũng được lan truyền. Chàng trai tên Thái lúc đó 31 tuổi khẳng định không sinh con vì không trả lời được các câu hỏi: “Có chăm sóc được con không?”; “Chăm sóc con như thế nào?” và “Có dành thời gian được cho con không?”.

Anh cũng biết quyết định này sẽ khiến bố mẹ không vui nhưng khẳng định mình và vợ không có lỗi: “Hiện tại, tôi mới chỉ đang làm tốt vai trò của một người con hạnh phúc thôi chứ chưa cho đi hạnh phúc được”. Chị vợ tên Ngọc cũng quả quyết: “Không ai, kể cả bố mẹ, có quyền quyết định giúp chúng tôi trong việc này được. Chúng tôi có tấm bản đồ riêng cho đời mình, nó không giống ai cả nên không thể dùng tấm bản đồ bố mẹ hay xã hội vẽ giúp để sống được”.

Ngọc tiết lộ ý muốn không sinh con xuất phát từ một phim tài liệu về sinh đẻ được xem khi còn bé. Những khung hình ghi lại sự đau đớn và những vết thương trên cơ thể phụ nữ sau sinh gây ấn tượng với chị. Khi lớn lên, lại thấy tấm gương của mẹ chăm chồng con vất vả, không còn thời gian cho bản thân và các mối quan hệ xã hội.

"Tôi nhận ra mình không sẵn sàng để sống một cuộc sống đầy hi sinh, tần tảo như vậy," Ngọc phát biểu trên báo. Nếu không tiếp xúc quá sớm với hình ảnh do phim khái quát hoặc sinh ra trong một khuôn mẫu gia đình khác, xã hội khác - liệu quyết định của Ngọc có khác?

Danh ca Tuấn Ngọc cứ cho là ở một nơi văn minh hơn đi - còn tìm cách khuyên ba cô con gái đừng đẻ. Ông không hối tiếc đã có con, và yêu con như bất kỳ ông bố nào, nhưng trải nghiệm có con khiến ông kết luận: Có con là khổ.

“Cứ ràng buộc là khổ. Mai anh mua thêm con chó, trồng thêm cây cảnh là đã mang cái khổ vào mình, nhất là con lại kéo dài cái đau khổ triền miên. Tôi theo đạo Phật, tôi khuyên con đừng có con. Có hai cô nghe lời,” ông nói với tôi hồi 2016.

lua chon khong sinh con 1

Nguồn hình ảnh, Sergi Reboredo/VW Pics/Universal Images Group qua Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Tình hình biến đổi khí hậu, kinh tế khó khăn… là các nguyên nhân khiến chủ đề nên sinh con hay không lại được mang ra tranh cãi

Tỉnh thức và siêu độ là hai mục tiêu quan trọng theo Phật pháp. Việc sinh con ngoài tạo thêm nghiệp và sự bận bịu cho cha mẹ thì rõ ràng cũng sẽ kéo dài thời gian tồn tại của nhân loại trên cõi ta bà vốn được coi là tạm bợ này… Bản thân Tuấn Ngọc hồi trẻ cũng như nhiều người cho rằng có con thì vui. Đến tuổi 70 ông mới “nghĩ lại” và tuyên bố: “Càng sống, tôi càng thấy sự tồn tại của mình trên Trái Đất này không giúp ích gì ai hết. Ngược lại, mỗi chúng ta đang góp phần tàn phá Trái Đất”.

Mặc dù nghe có vẻ chướng tai nhưng kể cũng khó mà bẻ được quan điểm trên. Dù có mang lại hạnh phúc cho đồng loại hay không thì con người vẫn là “nhân tai” đối với Trái Đất. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature giữa năm ngoái cho biết các hoạt động của con người đã khiến 7 trên 8 ranh giới (bao gồm khí hậu, đa dạng sinh học, nước, hệ sinh thái tự nhiên, sử dụng đất và tác động của phân bón và thuốc trừ sâu…) trong hệ thống Trái Đất vượt quá giới hạn an toàn, đe dọa sức khỏe hành tinh và con người.

Đơn cử, giới hạn an toàn về sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu là 1oC so với thời tiền công nghiệp. Tuy nhiên, mức tăng nhiệt thực tế đã là 1,1 đến 1,2oC. Nếu nhiệt độ tăng đến mức 1,5oC, hơn 200 triệu người sẽ phải hứng chịu nền nhiệt cao chưa từng có và hơn 500 triệu người có thể phải đối mặt với nạn nước biển dâng. Bạn có biết phải làm gì để bảo vệ những đứa con của mình chưa? Hay tốt nhất là không để nó ra đời?

Dù sao thì nền văn minh đã cho chúng ta các biện pháp tránh thai hiệu quả nên là việc có con giờ đây có thể hoàn toàn do lý trí quyết định. Hoàn cảnh tất nhiên cũng quan trọng. Việc chủ động không sinh con vẫn còn gây sốc ở các nước như Việt Nam, nơi vẫn phổ biến quan niệm con cái là chỗ dựa khi về già hoặc để kế nghiệp. Việc sinh đẻ gần như là một trách nhiệm, nghĩa vụ khó chối bỏ khiến cho nhiều người không có thời gian để tự vấn bản thân xem mình có thực sự cần một đứa con.

---

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả Nguyễn Mạnh Hà từ Hà Nội.