Liên đoàn Bơi lội Thế giới ra quy định thi đấu quốc tế đối với vận động viên chuyển giới

BBC

Liên đoàn Bơi lội Thế giới (Fina) đã biểu quyết không để các vận động viên chuyển giới tham gia thi đấu đỉnh cao hạng mục nữ nếu họ từng trải qua bất kỳ giai đoạn dậy thì nào của nam giới.

Fina cũng hướng đến việc thành lập hạng mục "mở rộng" tại các giải đấu dành cho những vận động viên xác định là có giới tính khác với giới tính lúc khai sinh.

Chính sách mới này, được thông qua với 71% phiếu thuận trong số 152 thành viên Fina, được mô tả là "chỉ là bước đầu tiên hướng tới sự hoà nhập hoàn toàn" cho các vận động viên chuyển giới.

Tài liệu dài 34 trang nói rằng các vận động viên chuyển giới từ nam sang nữ có thể thi đấu ở hạng mục nữ nhưng "với điều kiện họ chưa vượt quá giai đoạn dậy thì thứ hai trong Thang điểm Tanner (giai đoạn đánh dấu sự thay đổi về mặt cơ thể, thường từ 11-12 tuổi), hoặc trước khi tròn 12 tuổi".

Quyết định được đưa ra trong kỳ đại hội bất thường của Giải Vô địch Bơi lội Thế giới đang diễn ra tại Budapest (Hungary).

Điều này cũng có nghĩa là vận động viên chuyển giới người Mỹ Lia Thomas, người từng bày tỏ mong muốn tranh suất tham dự Thế vận hội Olympics, sẽ bị cấm tham gia hạng mục bơi nữ.

Tuy nhiên, chính sách mới không áp dụng cho các liên đoàn quốc gia hoặc trong các giải đấu giữa các trường đại học, NCAA, là giải mà Thomas gần đây đã thắng ở hạng mục bơi tự do 500 yard. Mỗi liên đoàn, gồm cả Liên đoàn Bơi lội Vương quốc Anh - sẽ cần quyết định xem họ có muốn áp dụng chính sách của Fina hay không.

Hạng mục mở rộng cho vận động viên chuyển giới

Trước đó, các thành viên của Fina đã nghe bản phúc trình từ một nhóm các chuyên gia hàng đầu thế giới về chuyển giới trong các lĩnh vực y học, luật pháp, và thể thao.

Brent Nowicki, giám đốc điều hành của Liên đoàn Bơi lội, cho biết: "Cách tiếp cận của Fina trong việc soạn thảo chính sách này là toàn diện, dựa trên khoa học và bao quát. Điều quan trọng là cách tiếp cận của Fina nhấn mạnh đến sự công bằng trong cạnh tranh."

Chủ tịch Fina, ông Husain Al-Musallam, cho biết liên đoàn "đang cố gắng bảo vệ quyền thi đấu của các vận động viên", đồng thời "bảo vệ sự công bằng trong thi đấu".

"Fina luôn hoan nghênh mọi vận động viên. Sự ra đời của hạng mục mở rộng có ý nghĩa rằng mọi người đều có cơ hội tham gia thi đấu đỉnh cao. Điều này chưa bao giờ xảy ra trước đây, vì thế Fina cần phải dẫn đầu. Tôi mong tất cả vận động viên cảm thấy được tham gia vào việc phát triển ý tưởng trong quá trình này."

Cựu vận động viên bơi lội người Anh Sharron Davies, người từng phản đối việc vận động viên chuyển giới được tham gia thi đấu ở hạng mục bơi nữ, nói với BBC rằng cô ấy "thực sự tự hào về FINA".

"Bốn năm trước, cùng với 60 vận động viên đoạt huy chương Olympics khác, tôi đã viết thư cho IOC (Uỷ ban Olympics Quốc tế) và nói rằng 'hãy nghiên cứu khoa học trước', mà không có cơ quan quản lý nào điều đó cho đến bây giờ," cô nói.

"Đó là những gì Fina đã làm. Họ đã làm một cách khoa học, họ có những người phù hợp, họ nói chuyện với các vận động viên và huấn luyện viên."

"Bơi lội là một môn thể thao rất hoà nhập, chúng tôi mong tất cả mọi người đến bơi và thi đấu. Nhưng nền tảng của thể thao phải là sự công bằng, và nó phải công bằng cho cả hai giới."

Khi được hỏi liệu chính sách mới của Fina có khiến các vận động viên chuyển giới rơi vào tình trạng "lấp lửng" trong khi chờ đợi sự ra đời của một hạng mục mới, Davies ca ngợi Fina vì đã có những cuộc thảo luận về sự hoà nhập của vận động viên chuyển giới, điều mà đáng lẽ phải xảy ra cách đây 5 năm.

"Thể thao là có sự phân hạng, những cậu trai 15 tuổi không thi đấu với các em dưới 12 tuổi. Võ sĩ quyền anh hạng nặng không thi đấu với những võ sĩ hạng nhẹ. Đó cũng là lý do chúng ta có các hạng mục khác nhau trong Thế vận hội dành cho người khuyết tật, nhằm tạo cơ hội công bằng cho tất cả mọi người," cô nói.

"Đó là mục đích chính của việc phân loại hạng mục trong thể thao và người thua duy nhất ở đây là phụ nữ - họ đã mất quyền tham gia thể thao một cách công bằng."

Tuy nhiên, Athlete Ally, nhóm ủng hộ LGBT đã vận động ủng hộ vận động viên chuyển giới Thomas hồi tháng Hai, gọi chính sách mới là "phân biệt đối xử, có hại, phản khoa học và không phù hợp với các nguyên tắc của Uỷ ban Olympics Quốc tế năm 2021".

Anne Lieberman, giám đốc chính sách và chương trình của nhóm này nói:

"Các tiêu chí về việc đủ điều kiện thi đấu hạng mục nữ quy định trong chính sách là mang tính áp chế đối với cơ thể phụ nữ, và khi thực thi sẽ vi phạm nghiêm trọng đến quyền riêng tư, quyền con người của bất kỳ vận động viên nào muốn thi đấu ở hạng mục nữ."

Thay đổi trong bơi lội sau đổi luật đua xe đạp

Quyết định của Fina được đưa ra sau khi Liên đoàn Xe đạp Quốc tế (UCI) có động thái tăng gấp đôi thời gian trước khi một tay đua chuyển giới từ nam sang nữ có thể được thi đấu ở các cuộc đua dành cho nữ.

Vấn đề trong cộng đồng bơi lội trở thành tiêu điểm liên quan đến câu chuyện của vận động viên chuyển giới người Mỹ, Thomas.

Hồi tháng Ba, Thomas trở thành vận động viên bơi lội chuyển giới đầu tiên giành danh hiệu tại Giải Vô địch các trường đại học Mỹ sau khi chiến thắng ở nội dung bơi tự do 500 yard nữ.

Thomas thi đấu cho đội nam Pennsylvanian trong ba mùa giải trước khi bắt đầu tiêm hormone để chuyển giới vào mùa xuân năm 2019.

Kể từ đó cô phá kỷ lục trong đội bơi trường đại học ở hạng mục nữ.

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Kể từ khi chuyển giới, Thomas phá vỡ nhiều kỷ lục trong đội bơi trường đại học

Hơn 300 vận động viên bơi lội đại học, đội tuyển Mỹ và vận động viên bơi lội Olympics đã ký thư ngỏ ủng hộ Thomas và tất cả vận động viên bơi lội chuyển giới. Tuy nhiên, các vận động viên và tổ chức khác bày tỏ lo ngại về sự hoà nhập của các vận động chuyển giới.

Một số đồng đội của Thomas và phụ huynh đã viết một bức thư ẩn danh ủng hộ quyền chuyển giới, tuy nhiên bổ sung rằng sẽ là không công bằng nếu như Thomas thi đấu như một vận động viên nữ.

Hiệp hội Bơi lội Hoa Kỳ cũng bổ sung chính sách dành cho các vận động viên bơi lội đỉnh cao hồi tháng Hai và cho phép vận động viên chuyển giới được tham gia thi đấu, kèm theo tiêu chí giảm các lợi thế không công bằng, gồm kiểm tra testosterone trong 36 tháng trước khi thi đấu.

Các chuyên gia nói gì?

Tiến sĩ Michael Joyner, nhà sinh lý học và chuyên gia hàng đầu về hoạt động con người

Testosterone ở nam giới dậy thì sẽ làm thay đổi các yếu tố sinh lý liên quan đến hoạt động, tạo ra sự khác biệt lớn về giới tính trong hoạt động của con người. Điều này được thể hiện rõ ở tuổi 12.

Ngay cả khi bị ức chế thì testosterone vẫn lưu giữ lại tác dụng nâng cao hiệu suất vận động đối với cơ thể.

Tiến sĩ Adrian Jjuuko, nhà hoạt động, nhà nghiên cứu và luật sư

Chính sách này nhấn mạnh rằng không vận động viên nào bị loại khỏi cuộc thi của Fina hoặc lập kỷ lục Fina dựa trên giới tính hợp pháp, bản dạng giới hoặc biểu hiện giới tính của vận động viên.

Hạng mục 'mở rộng' được đề xuất không nên trở thành một hạng mục làm tăng thêm mức độ phân biệt đối xử và thiệt thòi đã tồn tại đối với các nhóm này.

Tôi thấy chính sách này chỉ là bước đầu tiên hướng tới sự hoà nhập và hỗ trợ đầy đủ cho sự tham gia của các vận động viên chuyển giới, đa dạng giới trong các môn thể thao dưới nước và còn rất nhiều việc phải làm.

Tiến sĩ Sandra Hunter, nhà sinh lý học chuyên về giới tính và sự khác biệt tuổi tác trong thành tích thể thao

Từ 14 tuổi trở lên, sự khác biệt giữa con trai và con gái là đáng kể. Đó là do những lợi thế có được từ sự thích nghi sinh lý trong testosterone và sở hữu nhiễm sắc thể Y.

Một số lợi thế về thể chất có nguồn gốc cấu trúc như chiều cao, chiều dài chi, kích thước tim, kích thước phổi sẽ được giữ lại, ngay cả khi testosterone đã được ức chế hoặc giảm bớt trong quá trình chuyển giới từ nam sang nữ.

Summer Sanders, cựu vô địch Olympic và thế giới môn bơi lội

Điều này không hề dễ dàng, phải có hạng mục nữ-nam và tất nhiên là hạng mục dành cho chuyển giới nữ và chuyển giới nam.

Cạnh tranh công bằng là thành trì và yếu tố chính của cộng đồng chúng ta, cách tiếp cận này bảo vệ tính minh mạch của quá trình thi đấu thể thao hiện tại, trong đó có hàng triệu trẻ em gái và phụ nữ tham gia hàng năm.

Vấn đề chia rẽ dư luận

Các tranh cãi xung quanh việc các vận động viên chuyển giới có thể tham gia thi đấu tại hạng mục nữ chia rẽ dư luận cả trong và ngoài lĩnh vực thể thao.

Nhiều người cho rằng phụ nữ chuyển giới không nên thi đấu môn thể thao dành cho nữ vì họ có sẵn những lợi thế còn sót lại từ bản dạng giới trước đó (như cơ thể nam giới). Tuy nhiên, một số người khác nói rằng thể thao phải mang tính toàn diện hơn.

Chủ tịch Liên đoàn Điền kinh Thế giới Lord Coe nói rằng tính minh bạch và tương lai của thể thao nữ rất mong manh nếu các tổ chức thể thao đưa sai quy định về vận động viên chuyển giới.

Thủ tướng Anh Boris Johnson hồi tháng Tư cho biết ông không cho rằng phụ nữ chuyển giới nên thi đấu trong các sự kiện thể thao nữ.

Phụ nữ chuyển giới phải tuân thủ một số quy tắc để thi đấu trong các môn thể thao cụ thể, bao gồm trong nhiều trường hợp hạ mức testosterone của họ xuống một lượng nhất định, trong một khoảng thời gian nhất định, trước khi thi đấu.

Tuy nhiên, có những lo ngại rằng các vận động viên vẫn giữ được lợi thế mà họ có được khi đã trải qua tuổi dậy thì dưới bản dạng nam giới, là những lợi thế không được giải quyết bằng cách giảm testosterone.