Euro 2020: Giấc mơ dang dở của người Anh

  • Phan Ngọc
  • Gửi cho BBC từ TP.HCM
Khoảng 60.000 người hâm mộ đã xem trận chung kết tại Wembley

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Khoảng 60.000 người hâm mộ đã xem trận chung kết tại Wembley

Để vuột mất chức vô địch tưởng như đã nắm chắc trong tay, người Anh sẽ phải đợi thêm ít nhất một năm rưỡi nữa để tiếp tục mơ về một danh hiệu lớn mà họ vốn đã ngóng chờ suốt nửa thế kỉ qua.

Bóng đá vẫn chưa thể quay về nhà dù Tam sư đã luôn tiến rất gần đến hiện thực đáng mơ ước ấy ở những giải đấu lớn gần đây: vào đến bán kết World Cup 2018 và giờ là ngôi á quân Euro 2020.

Loạt luân lưu khép lại với cú sút hỏng ăn của Bukayo Saka, nếu người Ý vỡ òa với chiến thắng được định đoạt theo cách không thể kịch tính hơn thì bên kia chiến tuyến, Harry Kane và các đồng đội - khi những giọt nước mắt đã vơi và nỗi buồn lắng đi phần nào - họ cùng tập trung nhau lại thành một vòng tròn để lắng nghe HLV Gareth Southgate nói một điều gì đó.

Tất nhiên, trừ cầu thủ và ban huấn luyện Tam sư, không ai biết chính xác Gareth Southgate nói gì nhưng hình ảnh ấy khơi dậy thật nhiều cảm xúc và hơn hết, nó chính là biểu tượng cho sức mạnh của Anh ở Euro năm nay.

Cảnh sát đứng trước người hâm mộ Anh tại Wembley

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, Cảnh sát đứng trước người hâm mộ Anh tại Wembley

Người Anh vẫn mang đến Euro 2020 những "đặc sản" quen thuộc của họ: một dàn cầu thủ tên tuổi với đa số đến từ giải đấu cấp CLB hấp dẫn nhất hành tinh Premier League; là sự quan tâm đặc biệt của truyền thông xứ sở sương mù trên mỗi bước chân của đội tuyển; là những khẩu hiệu "It's coming home", "Football's coming home" đầy tự tin và có phần kiêu ngạo.

Nếu chiếu theo kịch bản quen thuộc, người ta có thể dễ dàng mường tượng ra viễn cảnh các đội tuyển Anh vốn được đặt vô số kì vọng lúc ban đầu rốt cuộc rồi cũng sẽ chẳng làm nên "trò trống" gì.

Tuy nhiên, Anh của Euro 2020 là một sự khác biệt so với tất cả các phiên bản Anh ở những giải đấu lớn gần đây.

Với Gareth Southgate cùng 26 cái tên được chiến lược gia này lựa chọn, người Anh có vẻ đã tìm ra được sức mạnh mà họ nên theo đuổi.

Sức mạnh ấy không đến từ truyền thông, càng chẳng phải sức mạnh từ cái tên, từ chất lượng cá nhân Anh sở hữu mà nó xuất phát từ cách các ngôi sao của họ ứng xử với chính những yếu tố ấy: đó là luôn giữ vững đôi chân trên mặt đất trước sự tâng bốc nhiều khi quá đà của truyền thông và tìm cách hài hòa cái tôi cá nhân vào lợi ích chung của tập thể.

Anh của Euro 2020 không màu mè, hoa mĩ dù sở hữu những ngôi sao tấn công hay bậc nhất lục địa già; Anh của Euro 2020 dù được đánh giá rất cao với cửa tiến sâu rộng mở ngay từ sau vòng bảng vẫn chỉ tập trung vào từng đối thủ một với những màn trình diễn vừa vặn để cứ thế lầm lũi tiến vào chung kết.

Một hàng cảnh sát được thành lập

Nguồn hình ảnh, Caitlin Brace

Chụp lại hình ảnh, Một hàng cảnh sát được thành lập

Cái kết sau cùng đương nhiên là không trọn vẹn và để lại nhiều tiếc nuối nhưng điều quan trọng là sau rất nhiều năm, rốt cuộc Tam sư cũng đã tìm ra được công thức đúng đắn để hướng đến mục tiêu của mình.

Bản thân sự chờ đợi không đáng sợ, mà đáng sợ là chúng ta không biết thứ chúng ta chờ đợi có khả thi không hay chỉ là viển vông, với người yêu bóng đá Anh, họ đã chờ đợi ròng rã suốt hơn nửa thế kỉ qua và khi đã tìm ra được cách để hiện thực hóa giấc mơ của mình, có lẽ việc chờ đợi thêm vài năm nữa cũng không phải điều gì quá to tát.

Gareth Southgate phải thay đổi

Trong chiến dịch Euro 2020, HLV Gareth Southgate vừa có công mà cũng vừa có tội.

Trận chung kết với Ý rất có thể đã không kết thúc theo cách day dứt như vậy với Anh nếu như Gareth Sougate tỉnh táo và quyết đoán hơn với các lựa chọn của mình.

Anh đã có hiệp đấu đầu tiên trên cơ hoàn toàn so với Ý và thực tế là cả khoảng thời gian nửa đầu hiệp 2, thế rồi, Ý ghi bàn trong một tình huống cố định để đưa trận đấu về thế cân bằng.

Một vài điều chỉnh nhỏ của Roberto Mancini không thể che lấp thực tế Ý đã hoàn toàn "lật bài ngửa" với Anh tại thời điểm ấy, ở chiều ngược lại, những Jadon Sancho, Jack Grealish hay Marcus Rashford bên phía Anh vẫn còn trên băng ghế dự bị và sẵn sàng tạo ra sự khác biệt nếu được đặt niềm tin.

Nhưng thực tế thì sao ? Grealish phải đến đầu hiệp phụ thứ nhất mới được tung vào sân, Sancho và Rashford thậm chí đến phút 118 mới được góp mặt chỉ để phục vụ loạt sút luân lưu, cay đắng thay, cả hai đều sút hỏng sau đó.

Rõ ràng, Gareth Southgate phải là người chịu trách nhiệm chính cho thất bại trước Ý vừa qua với những sự điều chỉnh quá khó hiểu của mình.

Tất nhiên, "luận tội" Gareth Southgate thì dễ nhưng không thể phủ nhận công của vị HLV khi đưa Anh lần đầu tiên vào đến chung kết một kì Euro.

Vị HLV 50 tuổi đã thực sự dũng cảm khi quyết định xây dựng một đội tuyển Anh chơi thực dụng, chắc chắn chứ không theo đuổi thứ bóng đá tấn công tốc độ, bùng nổ như truyền thống.

Điều quan trọng hơn cả là dưới quyền Gareth Southgate, Anh trở thành một khối gắn kết, đồng lòng hướng đến mục tiêu chung, nơi không một cá nhân nào được lớn hơn tập thể.

Tất nhiên, giá như cái sự dũng cảm và quyết đoán trong việc định hình phong cách chung cho Anh ấy được Gareth Southgate thể hiện ở trận chung kết thì mọi thứ đã trở nên hoàn hảo với ông, và thay vì là người chịu trách nhiệm chính cho thất bại vừa qua, Gareth Southgate sẽ trở thành người hùng với cuộc cách mạng của mình.

Với những gì đã làm được từ khi tiếp quản đội tuyển sau Euro 2016, nhiều khả năng Gareth Southgate sẽ được FA tiếp tục tin tưởng.

Ở chiều ngược lại, để đáp lại niềm tin ấy, HLV này sẽ phải nỗ lực rất nhiều để phát triển bản thân thành một chiến thuật gia tốt hơn, đặc biệt là đọc trận đấu và đưa ra những sự điều chỉnh.

Độ tuổi trung bình của Anh ở Euro 2020 chỉ là 25,2 - trẻ nhất giải - vậy nên thất bại vừa qua chưa phải là thảm họa, thậm chí hoàn toàn có thể là bệ phóng để thế hệ này đến một ngày nào đó hoàn thành trọn vẹn giấc mơ dang dở của người Anh.