Việt Nam có 12 nhà báo đang bị cầm tù, đứng thứ 2 châu Á

Nhà báo tự do Phạm Chí Dũng là trường hợp nhà báo bị bắt mới nhất tại Việt Nam
Chụp lại hình ảnh, Nhà báo tự do Phạm Chí Dũng là trường hợp nhà báo bị bắt mới nhất tại Việt Nam

Phúc trình của tổ chức phi lợi nhuận Uỷ ban Bảo vệ Nhà báo (CBJ) công bố hôm 11/12 cho thấy, hiện Việt Nam có 12 nhà báo đang bị cầm tù vì công việc của họ, trong khi con số này ở Trung Quốc là 48 người.

Xếp sau Trung Quốc là là Thổ Nhĩ Kỳ (47 nhà báo bị tù), Ả Rập Saudi (26 người nhà báo) và Ai Cập (26).

Tính chung toàn cầu, có ít nhất 250 nhà báo bị cầm tù vì nghề nghiệp của mình họ tính đến ngày 1/12.

Con số này vào năm 2018 là 255 nhà báo bị bỏ tù, đã có sự cải thiện khiêm tốn so với con số kỷ lục 273 vào năm 2016.

Theo báo cáo trên, Cáo buộc "chống lại nhà nước" là nguyên nhân khiến các nhà báo bị cầm tù nhiều nhất.

98% các nhà báo bị bỏ tù trên toàn thế giới là người địa phương. Chỉ có 4 ký giả nước ngoài bị cầm tù, trong đó ba người ở Ả Rập Saudi, còn người thứ tư ở Trung Quốc.

20 trong số các nhà báo bị bỏ tù (tương đương với 8%) là nữ, so với con số năm ngoái là 13%.

Ủy ban này cũng phát hiện ra rằng, số nhà báo bị buộc tội loan "tin giả" cũng tăng trong năm nay, với 30 nhà báo bị bắt tù vào năm 2019, so với con số 28 năm ngoái và chỉ 1 trong năm 2012.

Theo CBJ, việc áp dụng luật về chống "tin giả" đã tăng mạnh. Đầu năm nay, Nga và Singapore đều đưa ra luật chống tin giả gây nhiều tranh cãi.

Đài CNN viện dẫn ý kiến của bà Courtney Radsch, Giám đốc vận động chính sách của CBJ nói rằng, đây là năm thứ tư liên tiếp, số nhà báo bị cầm tù liên quan đến việc của họ đạt con số kỷ lục.

Những quốc gia "đội sổ"

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2015, Trung Quốc vượt mặt Thổ Nhĩ Kỳ trong danh sách này. Bà Radsch cũng nói với CNN Business rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục "củng cố việc kiểm soát chính trị và kiểm soát chặt chẽ hơn các phương tiện truyền thông."

Chỉ riêng các cuộc đàn áp ở tỉnh Tân Cương, nơi có một triệu thành viên chủ yếu là từ cộng đồng người Hồi giáo Uighur đã bị giam giữ trong các trại tập trung, đã dẫn đến việc bắt giữ hàng chục nhà báo, trong đó có một số người bị bỏ tù vì hoạt động báo chí từ nhiều năm trước.

Phúc trình của Uỷ ban Bảo vệ Nhà báo viện dẫn trường hợp gần đây ở Trung Quốc, Sophia Huang Xueqin, một nhà báo tự do, đã bị bắt vào tháng 10 sau khi tường trình trên blog về cuộc tuần hành của những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong.

Sophia Huang Xueqin, một nhà báo tự do và là nhà hoạt động phong trào MeToo, đã bị bắt hồi tháng 10.

Nguồn hình ảnh, South China Morning Post/Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Sophia Huang Xueqin, một nhà báo tự do và là nhà hoạt động phong trào MeToo ở Trung Quốc, đã bị bắt hồi tháng 10.

Sophia Huang Xueqin, một nhà báo tự do và là nhà hoạt động phong trào MeToo, bị bắt hồi tháng 10.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, số nhà báo bị cầm tù đã giảm từ con số 68 hồi năm 2018. Điều này, theo báo cáo, phản ánh những nỗ lực của Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan trong việc dẹp yên các nguồn tin và chỉ trích độc lập, chứ không phải bằng việc nới rộng quyền tự do thông tin.

Báo cáo của CBJ nhấn mạnh rằng hàng chục nhà báo hiện không bị bỏ tù ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang phải đối mặt với các phiên tòa hoặc kháng cáo.

Các nhà chức trách ở Ả Rập Saudi - nơi có số lượng nhà báo bị bỏ tù đã tăng đều đặn kể từ năm 2011 - cũng nhắm vào bắt giữ một số nhà báo cho dù họ không còn làm việc. Năm 2019, quốc gia vùng Vịnh này đã bắt giữ ít nhất 26 nhà báo.

Chính quyền Saudi thậm chí không tiến hành thủ tục nào về tố tụng; không có cáo buộc nào được tiết lộ với 18 trường hợp nhà báo bị bắt giữ và những người này bị xét xử, kết án một cách bí mật và vội vàng.

Hàng trăm nhà báo cầm biểu ngữ yêu cầu cảnh sát chấm dứt tấn công vào giới báo chí tại Hongkong

Nguồn hình ảnh, SOPA Images/Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Hàng trăm nhà báo cầm biểu ngữ yêu cầu cảnh sát chấm dứt tấn công vào giới báo chí tại Hongkong

Một sự răn đe

Bà Radsch nói với CNN rằng, việc đàn áp các nhà báo có khả năng tạo ra một "sự răn đe" đối với những người có thể đi vào nghề.

Đồng thời, việc bắt giữ các nhà báo sẽ khiến "Những người nắm giữ quyền lực cảm thấy rằng họ sẽ không phải chịu bất kỳ sự giám sát hay trách nhiệm độc lập nào," bà nói với CNN.