Campuchia: Kiến nghị điều tra Facebook của Hun Sen

Dù luôn nói rằng ông không phải là một người thạo công nghệ, Hun Sen có một số lượng lớn người theo dõi trên Facebook

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, Dù luôn nói rằng ông không phải là một người thạo công nghệ, Hun Sen có một số lượng người theo dõi khổng lồ trên Facebook

Biểu tượng phe đối lập Campuchia kiến nghị Facebook điều tra "sự nổi tiếng" của tài khoản Facebook của Thủ tướng Hun Sen.

Trang Facebook của Hun Sen hiện có khoảng 9,5 triệu người theo dõi, một trong những nhà lãnh đạo thế giới có số lượng người theo dõi lớn nhất trên thế giới.

Theo hãng Burson-Masteller, trang Facebook của Hun Sen là một trong những trang cá nhân "bất thường nhất."

Hun Sen chủ yếu chỉ chia sẻ hình ảnh của ông bên gia đình trong những ngày nghỉ, nhưng lại có lượng người tương tác lên đến 58 triệu, khiến ông đứng thứ 3, chỉ sau Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tờ kiến nghị đến từ các luật sư ông Sam Rainsy, một biểu tượng của đảng đối lập CNRP đang lưu vong ở Paris.

Kiến nghị cáo buộc ông Hun Sen đã dùng ngân sách nhà nước để mua quảng cáo của Facebook và các cáo buộc ông Hun Sen đe dọa ám sát ông Rainsy, và kèm một bài phát biểu khi thủ tướng Campuchia nói sẽ tấn công các thành viên phe đối lập bằng tên lửa.

Việc đăng tải các lời đe dọa ám sát hay công kích bạo lực trái với quy định của Facebook.

"Facebook phải hành động để ngăn cản mạng xã hội này bị thao túng để tiếp tay cho các nhà độc tài," luật sư của ông Rainsy, Richard Rogers nói.

Lượng người theo dõi quốc tế lớn đáng ngờ?

Số lượng "yêu thích" không hợp lệ thường đến từ những tài khoản ảo hoặc những người dùng thật vốn được trả tiền để theo dõi trang.

Số liệu Burson-Marsteller thu thập vào tháng Hai, 2017

Nguồn hình ảnh, Burson-Marsteller

Chụp lại hình ảnh, Số liệu Burson-Marsteller thu thập vào tháng Hai, 2017

Các nhà phê bình khác cũng đã than phiền về sự nổi tiếng trực tuyến của Hun Sen.

Chỉ có khoảng 45% số người theo dõi Facebook của Hun Sen có tài khoản từ Campuchia, theo Socialbakers.com.

Trong khi đó, 80% số người theo dõi Rainsy, và 90% người theo dõi Hun Manet, con trai cả của Hun Sen, là tài khoản ở nước này.

Hun Sen, người lãnh đạo Campuchia trong 33 năm qua, bắt đầu sử dụng Facebook sau khi Đảng Nhân dân Campuchia của ông suýt thua cuộc trước đảng Cứu nạn Quốc gia Campuchia của ông Rainsy (CNRP) trong cuộc bầu cử năm 2013.

Trang Facebook của ông cho thấy ông là một người thân thiện, thích chụp hình selfie, thích đi dạo với con cháu và bơi lội dưới biển, trái ngược với tình hình các cuộc đàn áp gần đây đối với giới bất đồng chính kiến.

Sáu tháng vừa qua, nhiều hãng truyền thông độc lập ở Campuchia buộc phải đóng cửa như RFA, VOA và tờ báo tiếng Anh Cambodian Daily.

Chụp lại video, Nỗi lo của cộng đồng gốc Việt ở Campuchia

Theo đó là việc bắt giam hai phóng viên và bắt giữ Chủ tịch CNRP Kem Sokha. Vào tháng 11, Tòa án Tối cao đã giải tán CNRP vì cáo buộc phản quốc.

Luật sư của ông Rainsy, ông Rogers nói nếu Facebook công bố các thông tin trên thì có thể chứng minh ông Rainsy vô tội và thay đổi quan điểm của cử tri trước cuộc bầu cử tháng Bảy sắp tới.

Vào tháng 11/2016, Tóa án Campuchia đã buộc tội ông Rainsy vì tội bôi nhọ sau khi ông cáo buộc các quan chức dùng tài khoản giả để ủng hộ trang Facebook của Hun Sen.

Nếu không có CNRP, hầu hết các nhà quan sát nói rằng cuộc bầu cử sắp tới không có sự tín nhiệm.