Virus corona: Ông Phạm Nhật Vượng và tham vọng sản xuất máy thở

Thủ tướng VN Nguyễn Xuân Phúc đi thăm một nhà máy của ông Phạm Nhật Vượng

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, Thủ tướng VN Nguyễn Xuân Phúc đi thăm một nhà máy của ông Phạm Nhật Vượng

Người giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng, theo cách gọi của một số báo nước ngoài, đang dự định sản xuất máy thở công suất 55.000 chiếc/tháng trong bối cảnh Việt Nam được quốc tế đánh giá cao trong việc kiềm chế dịch Covid-19, với chỉ hơn 300 ca nhiễm.

Theo Bloomberg, ông Phạm Nhật Vượng đang tính sản xuất máy thở để xuất khẩu cho bất cứ nước nào có nhu cầu, với giá khoảng 7.000 đôla Mỹ một chiếc (giá cho thị trường Việt Nam).

Tờ này bình luận rằng dù Việt Nam tổng cộng chỉ có hơn 300 ca mắc Covid-19, nhưng tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã nhìn thấy nhu cầu ở bên kia biên giới. Từ hồi tháng Tư, người đàn ông 'giàu nhất nước' này đã tiến hành khảo sát, và ra quyết định: Đầu tư vào máy thở.

Hiện nhiều nước trên thế giới không đủ máy thở cho các ca mắc Covid-19 nặng. Đã có ước tính rằng bệnh viện trên toàn thế giới có thể cần tới 800.000 máy thở.

Coronavirus

Nguồn hình ảnh, Cesc Maymo/Getty Images

Nhu cầu máy thở càng cấp thiết hơn ở các nước đang phát triển như South Sudan, hiện chỉ có 4 máy thở cho tổng dân số 12 triệu. Ở New York, Mỹ, bệnh viện đã phải dùng một máy thở cho hai bệnh nhân cùng một lúc. Tổng thống Donald Trump đã phải ra lệnh cho một số công ty ô tô trong nước sản xuất máy thở. Ford Motor Co. và General Electric Co. đã phối hợp để cung cấp khoảng 50.000 máy thở vào 13/7 với tổng giá trị hợp đồng với chính phủ trị giá 336 triệu đôla.

Ông Phạm Nhật Vượng tin rằng công ty Vingroup JSC của ông có thể sản xuất máy thở nhanh hơn thế, và rẻ hơn, theo bài báo của Bloomberg.

Sử dụng thiết kế nguồn mở từ nhà sản xuất thiết bị Medtronic Plc, tập đoàn Vingroup đã đệ trình chính phủ phê duyệt việc sản xuất máy thở vào giữa tháng Tư. Trong khi công ty chờ đợi quyết định của chính phủ thì các máy thở do tập đoàn này sản xuất đang rời dây chuyền lắp ráp.

Ông Phạm Nhật Vượng trên tạp chí Forbes

Nguồn hình ảnh, HOANG DINH NAM/Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Ông Phạm Nhật Vượng trên tạp chí Forbes

Với giá khoảng 7.000 đôla Mỹ ở thị trường Việt Nam, máy thở của tỷ phú Phạm Nhật Vượng được cho là rẻ hơn 30% so với kiểu máy của Medtronic. Ông Vượng cho hay nếu chính phủ phê duyệt thì công ty ông có thể sản xuất ngay được 55.000 máy/tháng, xuất sang bất cứ nước nào có nhu cầu. Ông cũng nói sẽ tặng vài ngàn máy cho Nga và Ukraine, nơi công có mối quan hệ kinh doanh đặc biệt.

"Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung vào sản xuất nhiều máy thở - và hiện đang làm rất tốt việc này," ông Vượng nói trong một cuộc phỏng vấn được cho là hiếm hoi với Bloomberg và một loạt các email trao đổi sau đó. "Chúng tôi muốn hợp tác với chính phủ để giải quyết vấn đề dại dịch."

Ông Phạm Nhật Vượng trở nên giàu có sau khi bán mì gói ở Ukraine. Sau đó tập đoàn Vingroup của ông đầu tư vào lĩnh vực sản xuất ô tô và điện thoại thông minh ở Việt Nam.

Bây giờ, khi chính phủ Việt Nam tặng khẩu trang cho các nước đang chống chọi với dịch Covid-19, ông Vượng biến kế hoạch xuất khẩu máy thở thành một tham vọng còn lớn hơn tham vọng trước đây - xuất khẩu ô tô ra thế giới.

"Tham vọng máy thở lớn hơn ô tô Vinfast"

Vào tháng 12/2019, ông Vượng đã cam kết khối tài sản 2 tỷ đôla của mình để đưa xe ô tô điện Vinfast xuất khẩu sang Mỹ.

Mỹ sẽ chào đón ô tô Việt Nam như thế nào còn là câu hỏi, nhưng hẳn là không thể quay lưng với máy thở, theo Bloomberg.

"Bài học mà chúng tôi học được từ một cuộc khủng hoảng là luôn luôn có rất nhiều cơ hội. Chúng ta cần phải có quyết định đúng đắn và hành động nhanh," ông Phạm Nhật Vượng nói.

Bloomberg cũng bình luận rằng công ty của ông Vượng đã chạm đến đời sống người Việt từ lúc thơ ấu đến về già.

Một đứa trẻ có thể chào đời ở Bệnh viện Vinmec, lớn lên ở Vinhome, theo học tiểu học tại Vinschool và đại học Viny. Một gia đình có thể lái xe VinFast qua một khu dân cư do Vingroup thiết kế, để tới khu nghỉ dưỡng Vinpearl. Hàng ngày, họ có thể nói chuyện trên điện thoại VinSmart và mua sắm tại trung tâm thương mại Vincom.

Và, theo ông Vượng thì, trong khi nhiều người Mỹ vẫn còn nhìn nhận Việt Nam là một nước nghèo, lạc hậu, không thể sản xuất được sản phẩm công nghệ cao nào, các sản phẩm của Vingroup, dù là ô tô hay máy thở, sẽ làm họ thay đổi quan điểm.

Hiện Vingroup đang hoàn thiện dây chuyền lắp ráp máy thở đầu tiên trong vòng chưa đầy một tháng. Các kỹ sư của công ty xe hơi Vinfast đang làm việc trên bản thiết kế và đại diện của Medtronic đang tư vấn cho các công nhân của Vingroup.

"Có rất ít công ty trên thế giới như vậy," Mark Mobius, người sáng lập Mobius Capital Partners LLP cho biết. "Tham vọng của họ thật đáng kinh ngạc."

Hiện tại, nhà máy điện thoại của ông Vượng sẽ dùng một số kim loại, nhựa và chất bán dẫn silicon tương tự để chế tạo máy thở. Khoảng 70% nguyên liệu có nguồn gốc tại địa phương, Vingroup nói, Chỉ có 85 công nhân đang sản xuất 160 máy thở ban đầu mỗi ngày khi công ty chờ đợi sự chấp thuận cuối cùng từ chính phủ để đẩy mạnh sản xuất.

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, người đứng đầu bộ phận sẽ cấp phép cho máy thở tại Bộ Y tế, hai mẫu máy thở của Vingroup đã đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật ban đầu, và các thử nghiệm lâm sàng đang được tiếp hành.

Ông Vượng nói giá bán máy thở hiện nay thấp hơn chi phí sản xuất vì mục đích là để 'đóng góp cho xã hội' vào thời điểm quan trọng này. Và rằng công ty ông không có kế hoạch mở rộng sang lĩnh vực này.

"Ngưỡng mộ và lo ngại ở Việt Nam"

Năm 2019, tờ Financial Times từng có bài viết chi tiết về tập đoàn Vingroup và ông Phạm Nhật Vượng.

Tác giả bài viết cho hay được tiếp cận hiếm hoi với bà Lê Thị Thu Thủy, Phó chủ tịch HĐQT Vingroup kiêm Chủ tịch VinFast.

Tác giả John Reed nói ông đã phỏng vấn rất nhiều người cho bài, từ các lãnh đạo, cố vấn của Vingroup đến các nhà phân tích, các nhân viên cũ và cả hiện nay, cùng những nhà hoạt động phê phán Vingroup.

Tác giả xác nhận sự lớn mạnh của Vingroup, và ông chủ Phạm Nhật Vượng có tài sản được Forbes ước đoán khoảng 7,6 tỉ đôla.

Một số người được phỏng vấn, như ông Đặng Hoàng Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES), được dẫn lời rằng ông "lo ngại sâu sắc về tác động tiêu cực lên môi trường từ một số hoạt động kinh doanh của họ, cách mờ ám để tài sản công biến thành tài sản của họ, và cách họ cố gắng tác động truyền thông và bịt miệng người chỉ trích."

Hay nhà quan sát chính trị, Alexander Vuving, thừa nhận Vingroup là "một trong những công ty tư nhân được quản trị tốt nhất Việt Nam". Và rằng "Thành công của mọi công ty tư nhân ở Việt Nam đều phụ thuộc vào quan hệ với các chính trị gia, nên số phận của họ rất phụ thuộc vào các dàn xếp chính trị bên trong tầng lớp cầm quyền."