Vụ xử OceanBank: Các bị cáo ‘nói lời cuối’

Ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn dầu khí quốc gia, nguyên Tổng giám đốc OceanBank bị cho là “không thành khẩn”.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn dầu khí quốc gia, nguyên Tổng giám đốc OceanBank bị đề nghị án tử hình về các tội tham ô tài sản, lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái.

Bị cáo Hà Văn Thắm xin tòa không tuyên án tù chung thân trong khi bị cáo Nguyễn Xuân Sơn xin tòa không 'kết án oan' tội tham ô tài sản.

Theo dự kiến sau bốn tuần xét xử tại Hà Nội, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội vào tuần này sẽ nghị án và vào ngày 29/09 sẽ tuyên án.

Ông Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch HĐQT OceanBank nhận tội đã cố ‎ ý làm trái quy định của Nhà nước trong việc "chi lãi ngoài" nhưng cho rằng mình "không phải chủ thể của nhóm tội tham nhũng".

Ông được truyền thông trong nước dẫn lời mô tả điều ông gọi là "một phiên tòa dân chủ, công bằng" và xin không bị tuyên mức án tù chung thân.

Trong khi đó cựu Tổng Giám đốc OceanBank, cựu Phó Tổng giám đốc PVN Nguyễn Xuân Sơn, người bị đề nghị án tử hình, xin tòa xem xét "không kết án oan bị cáo tội tham ô tài sản và lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản".

"Bị cáo chưa bao giờ nghĩ mình lại làm những việc thất đức như chiếm đoạt tiền của PVN, của OceanBank. Bị cáo đã hi sinh để cống hiến. Vì vậy nếu mang tiếng chiếm đoạt tiền của PVN thì đó là bản án nghiêm khắc nhất đối với bị cáo," ông Sơn nói tại tòa.

Hàng chục bị cáo còn lại cũng xin tòa "xem xét điều kiện, hoàn cảnh để được hưởng mức án nhẹ nhất".

Trong một diễn biến khác, ông Ninh Văn Quỳnh, cựu Kế toán trưởng, Phó Tổng giám đốc PVN, sau khi chối trong các phiên trước, đã khai nhận 20 tỉ đồng từ ông Nguyễn Xuân Sơn và xin nộp lại khoản tiền này "để hưởng khoan hồng".

Ông Quỳnh khai từ 2009 đến tháng 12/2013, ông nhận của ông Sơn tổng số 20 tỷ đồng. Số tiền này ông Quỳnh chi 3 tỷ mua nhà, 800 triệu mua ôtô, cho 2 con đi du học hết 4,5 tỷ, 2 tỷ mua cổ phiếu, hơn 1 tỷ cho những lần đi tham quan, nghỉ mát... Số còn lại hơn 9 tỷ trong sổ tiết kiệm đã bị cơ quan điều tra thu giữ.

Báo Thanh Niên ngày 25/09 mô tả quyết định buộc tất cả các công ty "mẹ con cháu chắt" của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phải gửi tiền và dùng dịch vụ của OceanBank không chỉ gây thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng mà còn để lại hậu quả đau lòng khi hàng chục lãnh đạo, cán bộ của ngành dầu khí và ngân hàng rơi vào vòng lao lý.

"Vấn đề là tại sao PVN lại chọn OceanBank và tại sao nguyên Chủ tịch PVN Đinh La Thăng lại ký văn bản buộc toàn ngành dầu khí phải gửi tiền vào nhà băng của Hà Văn Thắm? Tại tòa, Thắm khai chi 246 tỉ đồng lãi ngoài, chăm sóc khách hàng VIP của PVN, song mới chỉ có Ninh Văn Quỳnh đã thừa nhận nhận 20 tỉ chi tiêu cá nhân.

Ông Hà Văn Thắm nguyên chủ tịch HĐQT, bị đề nghị án chung thân

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Ông Hà Văn Thắm nguyên chủ tịch HĐQT, bị đề nghị án chung thân

"Vậy số tiền còn lại đã đi đâu và rơi vào túi ai? Liệu có hay không động cơ và mục đích gửi tiền vào OceanBank để "ăn chia" tiền chênh lệch? Câu hỏi này dư luận đang chờ được làm rõ và công khai ở giai đoạn 2, như lời đại diện Viện KSND Hà Nội công bố tại tòa hôm qua," báo này viết trong bài 'Cái 'kết' cay đắng của liên minh PVN - OceanBank'.

Hồi đầu tháng Chín, Thời báo Kinh tế Sài Gòn có bài mô tả điều họ gọi là OceanBank là "ngân hàng sân sau" của Petrovietnam (PVN).

"Giả sử không có một chủ trương chỉ đạo thống nhất từ trên xuống, thử hỏi liệu hàng chục công ty con, đơn vị liên doanh liên kết có nhất nhất gửi tiền ở OceanBank không?" nhà báo Hải Lý hỏi.

Luật sư Nguyễn Minh Tâm, một trong các luật sư bào chữa cho cựu Tổng Giám đốc OceanBank Nguyễn Xuân Sơn hôm 14/09 lập luận rằng thân chủ của mình "không thể lợi dụng sự phụ thuộc của Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) vào Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vì không thể làm trái thỏa thuận được lãnh đạo của hai tổ chức này đã ký kết".

Luật sư Tâm nói rằng có một văn bản thỏa thuận cam kết giữa PVN và Oceanbank ký ngày 18/9/2008 giữa ông Đinh La Thăng - Chủ tịch HĐQT PVN và ông Hà Văn Thắm - Chủ tịch HĐQT OceanBank.

"Quan hệ giữa Oceanbank với PVN đã được hai ông Chủ tịch thống nhất, thỏa thuận và triển khai những cam kết hỗ trợ tối đa từ trước khi Nguyễn Xuân Sơn được PVN giới thiệu sang OceanBank công tác, kể cả sau khi Nguyễn Xuân Sơn đã rời khỏi OceanBank," VOV dẫn lời luật sư Nguyễn Minh Tâm trong bài "Thỏa thuận giữa Oceanbank và PVN có từ thời ông Đinh La Thăng", đăng vào chiều tối 14/09.

Thỏa thuận giữa PVN và OceanBank được mô tả là xác định việc "PVN hỗ trợ cho Oceanbank về tài chính đồng thời sử dụng và khuyến khích các đơn vị trực thuộc, đơn vị thành viên của PVN sử dụng các dịch vụ của ngân hàng, các dịch vụ liên quan do OceanBank cung cấp".

Tại các phiên xét hỏi trước, ông Hà Văn Thắm khai đã chuyển cho Nguyễn Xuân Sơn hơn 300 tỉ đồng để nhờ ông Sơn "chăm sóc nhóm khách hàng tại PVN" và tin rằng ông Sơn "chăm sóc khách hàng rất hiệu quả".

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mua lại OceanBank với giá 0 đồng sau bê bối tài chính.
Chụp lại hình ảnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mua lại OceanBank với giá 0 đồng sau bê bối tài chính.

Viện Kiểm sát đề nghị tuyên mức án tử hình với ông Nguyễn Xuân Sơn và án tù chung thân với ông Hà Văn Thắm, đều là các cựu lãnh đạo OceanBank.

Ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn dầu khí quốc gia, nguyên Tổng giám đốc OceanBank, bị đề nghị án tử hình về các tội tham ô tài sản, lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái.

Ông Hà Văn Thắm nguyên Chủ tịch HĐQT, bị đề nghị án chung thân về các tội tham ô, cố ý làm trái, lạm dụng chức vụ và vi phạm quy định về cho vay.

Hàng chục bị can còn lại bị đề nghị các mức án tù trong khoảng từ 3 tới 27 năm tù.