Trung Quốc vẫn truy đuổi gắt gao lãnh đạo biểu tình Thiên An Môn

Ông Hùng Diễm trong cuộc biểu tình ở Thiên An Môn (Bắc Kinh) năm 1989
Chụp lại hình ảnh, Ông Hùng Diễm trong cuộc biểu tình ở Thiên An Môn (Bắc Kinh) năm 1989
  • Tác giả, Gordon Corera
  • Vai trò, Phóng viên An ninh

Khoảng ba mươi năm trước, những nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc đã lén trốn ra nước ngoài nhờ một chiến dịch bí mật có tên Chim Hoàng yến. Tuy nhiên, một người trong số đó nói với BBC rằng Bắc Kinh vẫn đang truy lùng họ.

Vào tháng 6/1992, khi ấy đang là nửa đêm trên Biển Đông, một tàu tuần tra Trung Quốc tiếp cận một chiếc thuyền đang trên đường từ đại lục đến Hong Kong - lúc bấy giờ vẫn là thuộc địa của Vương quốc Anh.

Khi cảnh sát tuần tra bước đến nói chuyện với thủy thủ đoàn, những người đang trốn chen chúc trong khoang bí mật dưới boong tàu có thể nghe thấy cuộc hội thoại.

Vài phút trước đó, khi phát hiện thấy tàu tuần tra, những hành khách bí mật này đã nhận được một thông báo khẩn cấp.

"Người ta kêu tôi trốn đi," ông Hùng Diễm (熊焱) - một người trong số hành khách đó - nhớ lại. Họ nhắc ông Hùng Diễm đừng gây tiếng động.

Hầu hết những hành khách này di cư vì lý do kinh tế, họ mong muốn tìm được công việc tốt hơn ở Hong Kong. Nhưng điều này không đúng với ông Hùng Diễm.

Ông được một chiến dịch bí mật có tên Chim Hoàng yến giúp lén trốn ra khỏi Trung Quốc.

Đội tuần tra cuối cùng cũng rời đi. Ông Hùng Diễm - người trước đó chưa đi thuyền bao giờ - đã đặt chân đến Hong Kong vào rạng sáng.

Sau một bữa ăn sáng thịnh soạn, ông được đưa đến trại tạm giam. Người ta bảo ông rằng điều này là vì sự an toàn của ông. Đi lại trên đường phố rất nguy hiểm.

Việc giam giữ không phải điều gì mới mẻ với ông Hùng Diễm. Nhà bất đồng chính kiến này đã trải qua 19 tháng trong tù ở Trung Quốc vì tham gia cuộc biểu tình Thiên An Môn vào năm 1989. Sinh viên Trung Quốc biểu tình đấu tranh cho tự do, dân chủ nhưng Đảng Cộng sản đã điều xe tăng đến đàn áp.

Cuối tháng 6/1989, chính phủ Trung Quốc cho biết 200 thường dân và vài chục nhân viên an ninh đã thiệt mạng. Các ước tính khác dao động từ vài trăm đến hàng ngàn người.

Sau khi được thả, ông Hùng Diễm đã đi đến miền nam Trung Quốc, nơi có những cảnh sắc như trong các bộ phim gián điệp. Ông đi từ bốt điện thoại công cộng này đến bốt điện thoại công cộng khác để liên lạc với những người có thể giúp mình trốn ra nước ngoài.

Ông Hùng Diễm không phải là nhà bất đồng chính kiến duy nhất thực hiện hành trình mạo hiểm này.

Trò chuyện với BBC, bà Vương Siêu Hoa (王超华) nhớ lại cuộc tẩu thoát của mình.

Đứng thứ 14/21 người bị truy nã gắt gao nhất sau sự kiện Thiên An Môn, bà Vương đã trốn ở những căn phòng chật hẹp trong nhiều tháng, sau đó đi về phía nam và đi theo chiến dịch Chim Hoàng yến.

"Tôi giống như bưu kiện bị chuyển từ người này sang người khác. Tôi thậm chí không hề biết tới cái tên Chim Hoàng yến," bà Vương nói.

Chim Hoàng yến nghe như một hoạt động gián điệp cổ điển và nhiều người tin rằng cơ quan tình báo MI6 hoặc CIA đã nghĩ ra ý tưởng này. Nhưng không phải vậy.

Trên thực tế, ý tưởng này là một nỗ lực phi chính phủ, được một nhóm công dân có cùng chung mối quan tâm ở Hong Kong tổ chức, với mong muốn giúp đỡ những người đang chạy trốn. Tham gia vào hoạt động này có đại diện của nhiều ngành nghề khác nhau, bao gồm cả ngành công nghiệp điện ảnh, giải trí và thậm chí cả các tổ chức tội phạm dưới hình thức các hội tam hoàng.

Bức ảnh 'Tank Man' nổi tiếng, chụp cảnh xe tăng Trung Quốc tiến vào trấn áp biểu tình tại Thiên An Môn

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, Bức ảnh 'Tank Man' nổi tiếng, chụp cảnh xe tăng Trung Quốc tiến vào trấn áp biểu tình tại Thiên An Môn

"Những hội tam hoàng này có quan hệ với nhiều cảnh sát Trung Quốc," Nigel Inkster, từng là sĩ quan tình báo tại Hong Kong vào thời điểm đó, cho biết. Điều đó giúp họ đưa mọi người ra khỏi nơi ẩn náu tại Bắc Kinh để vượt biên

Vương quốc Anh và Mỹ chỉ tham gia giúp đỡ khi những người tị nạn tại Hong Kong tìm hiểu xem mình sẽ đi đâu tiếp theo.

Ông Hùng Diễm nhớ lại rằng một "quý ông người Anh" đã đến thăm mình. Người đó chưa bao giờ tiết lộ tên nhưng đã giúp ông làm giấy tờ.

Người đó nói với ông: "Ông nên đến Mỹ thay vì đi Anh". Vài ngày sau, ông đã đến Los Angeles (California). Bà Vương Siêu Hoa cũng đến xứ sở cờ hoa.

Tại sao không phải Anh?

Các cựu quan chức đã nói với BBC rằng Vương quốc Anh không muốn tiếp nhận những người biểu tình Thiên An Môn vì nước này không muốn làm Trung Quốc khó chịu trong thời gian chuẩn bị chuyển giao Hong Kong vào năm 1997.

Anh đã ký thỏa thuận trao trả Hong Kong vào năm 1984. Nhưng sự kiện Thiên An Môn 5 năm sau đó đã đặt ra nhiều câu hỏi về tương lai thành phố này.

Ông Chris Patten (trái) là thống đốc Hong Kong cuối cùng trước khi Anh chuyển giao thành phố này cho Trung Quốc. Ảnh chụp năm 1996

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Ông Chris Patten (trái) là thống đốc Hong Kong cuối cùng trước khi Anh chuyển giao thành phố này cho Trung Quốc. Ảnh chụp năm 1996

Năm 1992, vài tuần sau khi ông Hùng Diễm tới Hong Kong, cựu bộ trưởng nội các thuộc Đảng Bảo thủ Anh Chris Patten trở thành thống đốc cuối cùng của thành phố.

Ông Patten rất quyết tâm trong việc xây dựng một nền dân chủ sâu rộng hơn với hy vọng nó sẽ tồn tại sau khi chuyển giao. Ông đã công bố các đề xuất cải cách dân chủ đối với các thể chế của Hong Kong, nhằm mở rộng quyền bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử.

Không chỉ giới lãnh đạo Trung Quốc mà cả những người từ London cũng phản đối các cải cách của ông Patten vì họ không muốn đối đầu với Bắc Kinh.

"Trách nhiệm chính của tôi là cố gắng giúp cho người dân Hong Kong có điều kiện tốt nhất để tiếp tục sống trong tự do và thịnh vượng, ngay cả sau năm 1997," vị cựu thống đốc chia sẻ với BBC. Đồng thời, ông nói rằng mình biết đến chiến dịch Chim Hoàng yến nhưng không tham gia vào.

Việc miễn cưỡng cho phép người bất đồng chính kiến đến Anh cũng như sự phản đối các cải cách của ông Patten đã đặt ra một câu hỏi quan trọng từ những năm 1990 và vẫn còn nóng hổi cho đến ngày nay: Phương Tây nên nhượng bộ Trung Quốc đến mức nào nữa để tránh gây mâu thuẫn và thích nghi với sự trỗi dậy của họ, đặc biệt khi liên quan đến những giá trị cốt lõi như nhân quyền và dân chủ?

Chim Hoàng yến đã kết thúc vào một đêm mưa tháng 7/1997 khi Hong Kong trở thành lãnh thổ của Trung Quốc. Trong vài năm sau đó, những quyền tự do mà Patten đã cố gắng bảo đảm vẫn tồn tại. Nhưng trong thập kỷ qua, Trung Quốc - dưới thời Tập Cận Bình - đã có những bước đi độc đoán hơn và cố gắng đưa Hong Kong vào khuôn khổ.

Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân và Thái tử Charles (nay là Vua Charles III) trong ngày chuyển giao Hong Kong năm 1997

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân và Thái tử Charles (nay là Vua Charles III) trong ngày chuyển giao Hong Kong năm 1997

Ông Hùng Diễm đã nhập quốc tịch Mỹ và có một cuộc sống chuẩn mực kiểu Mỹ. Ông gia nhập quân đội Mỹ và phục vụ tại Iraq với tư cách là tuyên úy quân đội.

Ông nghĩ rằng cánh tay của Đảng Cộng sản Trung Quốc không thể chạm đến mình ở vùng đất mới, nhưng ông đã nhầm.

Năm 2021, ông tham gia tranh cử một chức vụ công. Ông là ứng cử viên trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ để chọn ứng cử viên dân biểu cho Khu vực bầu cử số 1 ở bang New York.

Ông Hùng Diễm đã nhận thấy những dấu hiệu lạ trong chiến dịch của mình. Những chiếc xe lạ bám đuôi ông và rình rập ngoài nhà ông lúc 3 giờ sáng. Tại các sự kiện tranh cử, có người tìm cách ngăn ông phát biểu.

Ông đã tìm ra nguyên nhân khi FBI đến nói chuyện với ông. Một điều tra viên tư nhân nói với FBI rằng một người ở Trung Quốc đã gặp anh ta và nhờ anh theo dõi ông Hùng Diễm. Dường như việc một lãnh đạo biểu tình Thiên An Môn tham gia Quốc hội Mỹ là một điều không thể chấp nhận được.

"Người Trung Quốc bảo điều tra viên phải làm suy yếu khả năng được đề cử của ông Hùng Diễm," đặc vụ FBI Jason Moritz cho biết.

Theo FBI, điều tra viên này được người Trung Quốc yêu cầu đào bới thông tin gây hại cho ông Hùng Diễm. Nếu cách đó không hiệu quả, anh ta được gợi ý bịa chuyện hay thậm chí đánh đập hoặc dàn dựng một vụ tai nạn giao thông.

“Họ muốn bóp nghẹt và tiêu diệt chiến dịch của tôi," ông Hùng Diễm nói.

Ông Hùng Diễm từng là tuyên úy quân đội Mỹ

Nguồn hình ảnh, BBC

Chụp lại hình ảnh, Ông Hùng Diễm từng là tuyên úy quân đội Mỹ

FBI đánh giá rằng người hướng dẫn cho điều tra viên tư nhân nói trên đang làm việc cho Bộ Quốc an Trung Quốc. Những người như vậy đã bị truy tố nhưng không thể bị bắt vì họ ở bên ngoài nước Mỹ.

Trung Quốc luôn phủ nhận cáo buộc can thiệp chính trị. Nhưng đây không phải là lần duy nhất họ bị cáo buộc đang ngày càng quyết tâm hơn trong việc truy lùng những người mà họ cho là bất đồng chính kiến đang sống ở các nước khác.

Đã có cáo buộc về sự hiện diện của "các đồn cảnh sát ở nước ngoài” của Trung Quốc tại Anh và Mỹ cũng như việc các nhà bất đồng bị buộc phải quay về Trung Quốc hoặc phải im lặng.

Câu chuyện liên quan đến ông Hùng Diễm ngụ ý rằng khi Trung Quốc đã kiểm soát tốt tình hình trong nước, họ sẽ mở rộng phạm vi ra nước ngoài. Điều này gia tăng mâu thuẫn giữa Trung Quốc và các nước khác về vấn đề gián điệp, giám sát và nhân quyền.

Thông điệp mà ông Hùng muốn gửi các chính phủ phương Tây trong việc đối phó với Trung Quốc rất đơn giản: Phải cẩn giác.