Bơm 24 tỷ USD cứu SCB: Việt Nam đánh mất sự ổn định trong mắt nhà đầu tư?

Bà Trương Mỹ Lan, SCB, Ngân hàng Nhà nước

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Để giảm rủi ro trong chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp quốc tế đã chọn Việt Nam, nơi được coi là có sự ổn định. Tuy nhiên, sau thông tin chính phủ Việt Nam bơm 24 tỷ USD cứu Ngân hàng SCB, ấn tượng về sự ổn định có thể lung lay.

Thông tin mà hãng tin Reuters tiếp cận được cho biết Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đến nay đã bơm 24 tỷ USD trong nỗ lực cứu Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB).

Cuộc giải cứu này được đánh giá là "vô tiền khoáng hậu".

Con số trên không thấp hơn bao nhiêu so với mức chi trung bình của chính phủ các nước giàu để giải cứu các ngân hàng trong cuộc khủng khoảng tài chính toàn cầu.

Hệ quả từ cuộc giải cứu SCB sẽ tác động đến quyết định của các ban lãnh đạo công ty trên khắp thế giới.

Chính phủ Việt Nam dường như đã không thể ngăn chặn được việc người gửi tiền tháo chạy khỏi SBC, mặc dù đã đặt ngân hàng này dưới sự giám sát đặc biệt từ 18 tháng trước.

Thông thường, sự can thiệp trực tiếp như vậy là đủ để khôi phục niềm tin vào các thị trường mới nổi và cận biên.

Nhưng tình hình không như vậy ở Việt Nam, một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, nơi chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng 6%-6,5% cho năm nay, bài báo trên Reuters nhận định.

Vụ án Trương Mỹ Lan đã gây chấn động xã hội và tác động sâu sắc đến nền kinh tế Việt Nam

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Vụ án Trương Mỹ Lan đã gây chấn động xã hội và tác động sâu sắc đến nền kinh tế Việt Nam

Đó là lời cảnh tỉnh đối với những ai đã bỏ qua hoạt động chống tham nhũng gần đây tại Việt Nam. Đó cũng là lời nhắc nhở đối với những người từng nghĩ rằng khoản đầu tư của họ sẽ hưởng lợi nếu mối quan hệ thân thiết giữa các tập đoàn lớn và nhà nước bị chặt đứt.

Chiến dịch “đốt lò” của ĐCSVN đã gây ra cuộc khủng hoảng bất động sản tại nước này, với nhiều nhân vật cộm cán bị xử: bà Trương Mỹ Lan - trùm bất động sản đứng đằng sau SCB – bị tuyên án tử hình hôm 11/4 vì đóng vai trò trong vụ rút ruột 12,5 tỷ USD từ SCB, đồng thời kiểm soát ngân hàng này một cách triệt để thông qua các bên ủy quyền. Việt Nam cũng thay hai chủ tịch nước trong chỉ hơn một năm.

Kết quả cuối cùng?

Việt Nam ngày càng có vẻ bất ổn ngay cả khi tầm quan trọng của nước này trong chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng tăng. Điện thoại thông minh Samsung Electronics của Hàn Quốc sản xuất tại Việt Nam ước tính chiếm khoảng một nửa lượng điện thoại hãng này sản xuất toàn cầu.

Kể từ năm 2019, Apple đã chi 16 tỷ USD cho Việt Nam thông qua các nhà cung cấp. Giám đốc điều hành của Apple, ông Tim Cook, đã tới Hà Nội trong tuần này để xem xét các cơ hội đầu tư nhiều hơn.

Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tăng lên 37 tỷ USD vào năm 2023 so với năm trước, mặc dù FDI toàn cầu giảm.

Các nhà đầu tư tài chính, trong đó có công ty cổ phần tư nhân KKR của Mỹ cũng đã đầu tư lớn vào Việt Nam.

Cho đến nay, hoạt động đầu tư toàn cầu tại Việt Nam chưa bị gián đoạn, nhưng cuộc giải cứu ngân hàng SCB cho thấy nỗ lực chống tham nhũng của Việt Nam có thể gây ra nhiều hậu quả bất ngờ hơn.

Các công ty quyết tâm khai thác lao động giá rẻ ở Việt Nam sẽ cần phải có thần kinh thép.

Các nhận định trên của Reuters được đưa ra sau khi hãng tin này công bố thông tin chính phủ Việt Nam đã chi ít nhất 24 tỷ USD để giải cứu SCB, ngân hàng hiện đang chìm trong vụ lừa đảo tài chính lớn nhất cả nước.

Khoản tiền bơm này chiếm tới 5,6% GDP và chiếm 1/4 dự trữ ngoại hối của Việt Nam.

Bà Trương Mỹ Lan bị bắt vào tháng 10/2022. Vụ bắt giữ này đã gây ra làn sóng tháo chạy khỏi ngân hàng SCB.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sau đó đã đặt SCB dưới sự giám sát để ngăn chặn tình trạng này.

Tuy nhiên, tiền gửi của SCB đã giảm 80% xuống còn khoảng 6 tỷ USD vào thời điểm tháng 12/2023.

SCB có thể hết tiền gửi vào giữa năm với tốc độ hiện tại và nợ xấu đã tăng lên 97,08% dư nợ tín dụng của SCB tính đến tháng 10.