Vỉa hè TP HCM sẽ hết bị 'xẻ thịt' khi cho thuê?

Đường phố Sài Gòn

Nguồn hình ảnh, Getty Images

  • Tác giả, Huyền Trân
  • Vai trò, BBC News Tiếng Việt

Vỉa hè tại các thành phố lớn ở Việt Nam vốn chật hẹp lại phải đóng nhiều chức năng cùng lúc, vừa là chốn mưu sinh vừa là lối đi bộ.

Những vỉa hè bị 'xẻ thịt' là vấn đề đã không được giải quyết triệt để trong nhiều năm qua.

Sự kiện chính quyền TP HCM triển khai cho thuê vỉa hè tại một số tuyến đường ngay ngày đầu tiên của năm mới, và Hà Nội đang nghiên cứu giải pháp tương tự, một lần nữa tạo ra tranh luận sôi nổi về vai trò của vỉa hè, cũng như chính quyền phải làm gì để đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên liên quan.

Vỉa hè là không gian văn hóa

Gắn bó với Sài Gòn từ 1961 đến nay, nhà văn Nguyễn Viện trăn trở khi biết thành phố bắt đầu chính thức thu phí cho thuê vỉa hè từ đầu năm mới.

Đối với ông, vỉa hè không chỉ đơn thuần là lối dành riêng cho người đi bộ, mà là một góc để nép mình, nhìn ngắm cuộc sống thường nhật.

Trước năm 1975, đối với nhà văn Nguyễn Viện, vỉa hè mà ông nhớ nhất là trên đường Lê Lợi, nhà hàng Thanh Bạch ở khúc cuối đường, ngay rạp hát Vĩnh Lợi, hay sau năm 1975 là quán cà phê vỉa hè đầu hẻm 47 đường Phạm Ngọc Thạch, nơi ông gặp gỡ giới văn nghệ sĩ mà bản thân mình gọi là 'ngoài luồng'.

"Không chỉ tiện lợi với cả người mua và người bán, vỉa hè còn là chỗ tụ tập bạn bè tán gẫu, hay để nhìn ngắm 'ông đi qua, bà đi lại'. Niềm vui được cộng hưởng bởi sự thoải mái của cái bình dị."

Theo ông, vỉa hè "không chỉ hấp dẫn ở chỗ cái gì cũng rẻ hơn trong hàng quán tử tế, mà vỉa hè còn ban tặng cho người ta cái không gian thoáng đãng, cũng như sự nhộn nhịp của đời sống một cách đơn giản, tự nhiên nhất."

Bên cạnh những cảm xúc về nền văn hóa vỉa hè, ông cũng đồng tình rằng vỉa hè phải là lối đi dành cho người đi bộ, xét về mặt nguyên tắc.

Nhưng từ cảm nhận của tác giả 'Thảo mai trên dốc gió', buôn bán vỉa hè cho đến nay "đã trở thành một thứ văn hóa không phải là đặc quyền của người ít tiền, mà nó là một cách sống, một cách chọn niềm vui ở cuộc đời này."

Do đó làm sao để luôn gìn giữ nét văn hóa vỉa hè đặc trưng của thành phố, đồng thời đảm bảo cuộc sống 'buôn gánh bán bưng' của người dân nghèo là điều ông mong muốn cần có được từ đề án này của chính quyền.

'Không chỉ là những vạch sơn'

Người dân bán trên đường phố Sài Gòn

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Người dân buôn bán trên đường phố Sài Gòn vào dịp Tết Nguyên đán năm 2022

Thu phí là giải pháp mới nhất được chính quyền TP HCM triển khai, có hiệu lực từ thứ Hai 1/1/2024 sau nhiều năm 'tuyên chiến' với lấn chiếm vỉa hè. Hà Nội chưa bắt đầu thi hành từ đầu năm nay vì "đây là vấn đề nhạy cảm" nên "phải xây dựng kỹ càng", theo truyền thông Việt Nam.

Theo quan sát của BBC News Tiếng Việt, trên các nhóm rao cho thuê vỉa hè ở TP HCM, tình hình cho thuê vẫn diễn ra bình thường.

Một người cho thuê nói với BBC qua Facebook rằng, nơi cô cho thuê để đậu xe bán hàng rong, không bị ảnh hưởng gì vì không thuộc khu vực có kẻ vạch.

Vấn đề thu phí vỉa hè theo từng tuyến đường được Sở Giao thông vận tải TP HCM đề cập vào năm 2017, nhưng chỉ được đưa ra lấy ý kiến các sở ngành từ tháng 2/2023.

Đề án 'Thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố' đã được thông qua sau sáu tháng đề xuất tại TP HCM. Mức phí sẽ được dựa trên năm khu vực, với giá cho thuê từ 20.000 - 100.000 đồng/mét vuông, không khác so với đề xuất năm 2017.

Đề án này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội, một bên cho rằng đây là điều nên thực hiện để đảm bảo lối đi bộ cho người dân, nhưng cũng có ý kiến chỉ trích cho rằng chính quyền đã "tận thu" trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn.

Về những vạch sơn vàng được kẻ trên đường ở TP HCM để thực hiện cho thuê vỉa hè, kiến trúc sư Bùi Uyên, tiến sĩ chuyên ngành quy hoạch, kiến trúc tại vùng Ile de France của Pháp, nói với BBC rằng cô chỉ ủng hộ việc thu phí và cho thuê sử dụng tạm thời vỉa hè nếu là một phần "trong tư duy tổng thể quản lý, quy hoạch và thiết kế đô thị".

"Tiếc là khi tìm hiểu thông tin về chủ trương này, tôi chỉ thấy Sở Giao thông vận tải TP HCM sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ việc phân loại, quản lý và khai thác thu phí. Vai trò của Sở Quy hoạch - Kiến trúc có vẻ chưa được đánh giá đúng tầm trong quyết định quan trọng đối với bộ mặt đô thị này."

Theo Tiến sĩ Bùi Uyên, không gian vỉa hè là "một thành phần quan trọng của quy hoạch đô thị, là cầu nối, là giao tuyến giữa không gian tư nhân và không gian công cộng".

"Việc định vị một giới hạn, không gian cho sử dụng khai thác lòng đường, vỉa hè, không đơn thuần là một vạch sơn, mà còn phải là sự thống nhất, thuận tiện và mỹ quan trong tổng thể chung với các yếu tố liên quan như lối đi bộ, bố trí cây xanh, trang thiết bị đô thị, mặt tiền nhà. Vì vậy, quản lý để thu phí sử dụng vỉa hè cần phải nhìn nhận thêm như công tác thiết kế đô thị, chứ không chỉ đơn thuần là một không gian chức năng giao thông vận tải."

Từ trong nước, kiến trúc sư Sơn Đặng nhận định như sau về kinh tế vỉa hè mà ông cho rằng TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung nên tận dụng.

"Những cuộc bàn luận về kinh tế vỉa hè và quản lý không gian đô thị đã nổ ra từ nhiều năm trước, nay lại đang nóng lên bởi chính quyền đô thị sẽ thu phí sử dụng vỉa hè. Áp dụng cách quản lý vỉa hè của các nước phương Tây vào 'cơ thể' đô thị Việt Nam chỉ chứng tỏ những người đề xuất chính sách chưa thật sự hiểu sâu về cấu trúc của các đô thị Việt Nam."

"Chính vỉa hè, lòng đường là thứ giúp nhiều triệu người Việt Nam nuôi được gia đình của họ, tạo ra sự dẻo dai thần kì cho nền kinh tế còn khá nhỏ bé của Việt Nam, đóng vai trò như một lưới an sinh xã hội. Việt Nam cũng đang gặp suy thoái, thiết nghĩ đây không phải là thời điểm để 'làm khó' miếng cơm của thành phần yếu thế sống nhờ vỉa hè," ông nêu ý kiến.

Chống được nạn 'bảo kê' hay không?

Chợ ở Sài Gòn

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Vỉa hè là nơi mưu sinh của nhiều người dân ở TP HCM

Nhìn lại những năm qua, cuộc chiến chống lấn chiếm vỉa hè từ 2017 đến 2018 của cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận 1 Đoàn Ngọc Hải dường như là thu hút đông đảo dư luận nhất.

Vấn đề 'bảo kê' vỉa hè cũng đã từ lâu được nói đến rộng rãi tại TP HCM và Hà Nội.

Theo truyền thông Việt Nam, ông Hải trước khi từ chức từng tuyên bố trong đơn: "Quá trình xử lý lấn chiếm vỉa hè lòng đường đã đụng chạm đến lợi ích to lớn hàng nghìn tỷ của các chủ bãi giữ xe, nhà hàng, khách sạn, các hộ kinh doanh mặt tiền... và một bộ phận không nhỏ cán bộ cộng sinh trong đó".

Năm 2017, ông Nguyễn Đức Chung, khi đó là Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, cho biết "thời điểm làm Giám đốc Công an Hà Nội, ông đã thống kê trong hơn 180 quán bia vỉa hè, có hơn 150 quán bia có công an đứng đằng sau".

Năm 2018, ông Nguyễn Ngọc Tường, lúc bấy giờ là Phó Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP HCM, cho rằng "tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè có thể do có người bảo kê, bao che dung túng hoặc người đứng đầu địa phương buông lỏng địa bàn, năng lực quản lý yếu kém".

Từ Hà Nội, luật sư Ngô Anh Tuấn nói về việc phải phân định rạch ròi đâu là không gian chung và riêng khi cho thuê vỉa hè.

"Tôi nghĩ là việc quản lý cho thuê thì phải đảm bảo đến những không gian xung quanh, để cho người đi thuê - khi đó đã có quyền chiếm hữu sử dụng - phải có quyền định đoạt trong phạm vi đã thuê. Tôi nghĩ đây là việc hoàn toàn có thể làm được. Tôi nghĩ chỉ có áp dụng thực tế mới biết đến hết những vấn đề nảy sinh."

Đề cập đến những mức phạt nếu trường hợp lấn vỉa hè, luật sư Ngô Anh Tuấn nhấn mạnh đến việc đo đạc đầy đủ và phải có "dung sai", tránh áp đặt mức chế tài quá tiêu cực, ảnh hưởng đến người dân.

Mức thu sử dụng lòng đường để giữ ô tô, xe máy và xe đạp ở TP HCM là 180.000 - 350.000 đồng/m2/tháng, với cách tính là 'mức phí của tuyến đường' nhân với 'diện tích sử dụng' nhân với 'thời gian sử dụng'.

"Tôi thấy cho thuê xe trên lòng đường thì có nguồn thu nhiều hơn. Nếu họ có thu nhập và tái đầu tư tốt, làm môi trường xã hội tốt hơn thì là điều tích cực. Cứ để họ thử nghiệm xem tình hình thế nào."

"Sẽ khó mà có được những bằng chứng cụ thể về nạn 'bảo kê' vỉa hè hiện nay. Tuy nhiên, để dập tắt những suy đoán trong dư luận, tôi nghĩ chính sách cho thuê vỉa hè này cần phải đảm bảo tính minh bạch, đặc biệt về nguồn thu. Ngoài ra, mức giá cho thuê cũng không cao, chỉ từ 20.000 - 100.000 đồng/mét vuông, nên người cho thuê, nếu thuộc dạng khó khăn, vẫn có thể chi trả được," luật sư Tuấn đánh giá.

Kiến trúc sư Sơn Đặng đưa ra một ví dụ về Trung Quốc trong phát triển nền kinh tế vỉa hè, và hạn chế tình trạng 'bảo kê' ra sao.

"Để quản lý tốt kinh tế vỉa hè thì không cần học gì đâu xa, có thể nghiên cứu chính sách của Trung Quốc. Trung Quốc cũng đã ra tay tiêu diệt kinh tế vỉa hè trước đây. Từ những năm 1990, họ lập ra các nhóm quản lý đô thị chuyên đi tịch thu tài sản hàng rong."

"Nhưng các nhóm này nhanh chóng biến tướng thành các nhóm nhận bảo kê. Sau đó, Trung Quốc bỏ cách làm này, và chuyển sang xây các khu bán hàng rong tập trung. Tiếp tục thất bại vì các khu này không có người mua lẫn kẻ bán vì bất cập về mặt vị trí, sự thuận tiện."

"Sau khi dịch Covid tấn công, chính quyền Trung Quốc 'đổi chiều', chủ động mở đường cho nhân dân tràn xuống đường kiếm sống. Hiện tại, chính quyền Trung Quốc đã xây dựng nên một bộ cẩm nang cho phép người dân được sử dụng vỉa hè để buôn bán. Mùa suy thoái mới thấy sức mạnh của nền kinh tế hàng rong sẽ nuôi sống được rất nhiều triệu dân đô thị", ông cho biết.

Thái Lan cho thuê vỉa hè thế nào?

Xe bán hàng rong tại Bangkok

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Xe bán hàng rong tại Bangkok vào tháng 3/2023

Ẩm thực đường phố là nét thu hút du lịch đặc biệt trong nền kinh tế Thái Lan nói chung và Bangkok nói riêng.

Theo quan sát của chúng tôi mỗi ngày tại Bangkok, nhiều con phố vẫn có người bán hàng rong nhưng xếp hàng khá trật tự và theo giờ giấc.

Qua tìm hiểu và trao đổi với các đồng nghiệp BBC Tiếng Thái, chúng tôi được biết rằng Bangkok có chính sách cho thuê vỉa hè từ năm 2020.

Tuy nhiên, khác với Việt Nam, những khu vực này không có kẻ vạch trên đường.

Thông báo của Chính quyền Đô thị Bangkok (Bangkok Metropolitan Administration - BMA) nêu 60 điểm được tạm thời cho phép dành cho những người địa phương buôn bán thức ăn, nằm tại 14 khu vực tại 22 quận trong thủ đô.

Theo bài viết vào ngày 30/1/2023 trên tờ Standard của Thái Lan, có 1.588 người buôn bán hàng rong được đăng ký với BMA, với thời gian được nêu cụ thể trong khung giờ 24 giờ mỗi ngày, cùng địa điểm được quy định rạch ròi.

Thông thường, việc buôn bán thức ăn hoặc chế biến thực phẩm trên lề đường bị xem là bất hợp pháp tại Bangkok, người vi phạm sẽ bị phạt 2.000 baht (khoảng 1,4 triệu đồng).

Thế nhưng, chính quyền Bangkok cũng ra sức tìm điểm đồng thuận với người dân và nới lỏng các quy định bằng cách cho phép người dân được dựng các quầy thực phẩm tại lối đi bộ ở những địa điểm được bố trí.

Cũng theo thông báo trên, mỗi khu vực được phép phải có chiều rộng ít nhất là một mét.

Đồng nghiệp BBC Tiếng Thái cho biết thêm rằng, chính phủ Thái Lan rất quan tâm đến việc đảm bảo bộ mặt đô thị cho ngành công nghiệp du lịch nên rất cẩn trọng điều này, và cuộc chiến chống lấn chiếm vỉa hè, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được thực hiện ráo riết.

Năm 2022, Thống đốc Bangkok, ông Chadchart Sittipunt, từng có kế hoạch 'dọn dẹp' vỉa hè và tập trung những người buôn bán hàng rong vào các chợ ngoài trời, như mô hình trung tâm hàng rong của Singapore.

Đồng quan điểm với Thống đốc Chadchart Sittipunt, Thượng nghị sĩ Weerasak Kowsurat, nguyên Bộ trưởng Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan, bình luận về hướng phát triển của nền kinh tế vỉa hè của Bangkok với BBC News Tiếng Việt:

"Cách tốt nhất cho nền kinh tế vỉa hè chính là việc quy hoạch phù hợp các địa điểm để người buôn bán, với nguồn vốn ít, có thể làm ăn. Và chuyển đổi nền kinh tế vỉa hè thuận tiện thành các chợ có sức sống lâu dài, được quản lý tốt, lẫn về những tác động môi trường, đồng thời không quên đảm bảo quyền lợi cho người dân."