Vạn Thịnh Phát: Bà Trương Mỹ Lan bị tòa tuyên án tử hình

Tòa án nhân dân TP HCM tuyên tử hình bà Trương Mỹ Lan tội tham ô tài sản, 20 năm tù tội đưa hối lộ và 20 năm tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp hình phạt tử hình đối với bà Trương Mỹ Lan.

Tóm tắt

  • Phần tuyên án bà Trương Mỹ Lan
  • Vụ bà Đỗ Thị Nhàn nhận 5,2 triệu USD
  • Giải thích các tội danh bà Trương Mỹ Lan bị truy tố
  • Tranh luận về xác định tội danh

Trực tiếp

  1. Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, Trần Thị Mỹ Dung

    Tòa ghi nhận bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, Trần Thị Mỹ Dung tích cực khai báo, giúp cơ quan điều tra làm sáng tỏ vụ án. Đây được xem là tình tiết giảm nhẹ, Hội đồng xét xử đặc biệt ghi nhận bị cáo Dung và xem xét khoan hồng, giảm nhẹ một phần hình phạt.

  2. Bị cáo Trương Huệ Vân, Dương Tấn Trước

    Tòa chấp nhận đề nghị của luật sư không xét tình tiết tăng nặng dùng thủ đoạn tinh vi với bị cáo Trương Huệ Vân, Dương Tấn Trước.

    Theo Hội đồng xét xử, 2 bị cáo này tham gia phạm tội trong thời gian ngắn, chỉ tham khâu thành lập công ty “ma” nhằm tạo lập hồ sơ vay khống giúp sức Trương Mỹ Lan chiếm đoạt tiền của SCB; không tham gia khâu giải quỹ, che giấu dòng tiền. Vì vậy, 2 bị cáo này là đồng phạm có tổ chức nhưng mang tính đơn thuần nên Hội đồng xét xử không áp dụng tình tiết tăng nặng dùng thủ đoạn tinh vi để thực hiện hành vi phạm tội.

    Với đề nghị của bị cáo Trương Mỹ Lan mong muốn chuyển 1.350 tỷ đồng (do Nguyễn Cao Trí và Tạ Quốc Hùng Việt chuyển trả) sang cho Trương Huệ Vân để khắc phục thiệt hại, Hội đồng xét xử xét thấy bà Lan có nghĩa vụ bồi thường rất lớn, tài sản của bị cáo chưa đủ để khắc phục nên đề nghị này không có cơ sở chấp nhận.

    Theo Hội đồng xét xử, bị cáo Trương Mỹ Lan có nghĩa vụ bồi thường rất lớn, tài sản bị cáo không đủ khắc phục hậu quả nên việc bị cáo đề nghị chuyển giao 1.350 tỉ đồng trên là không có cơ sở.

  3. Tình tiết tăng nặng

    Với các nhóm bị cáo còn lại, Hội đồng xét xử phân hóa vai trò, mức độ hành vi, xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để đưa ra hình phạt tương xứng.

    Trong đó, nhiều bị cáo bị ghi nhận tình tiết tăng nặng phạm tội hai lần trở lên, phạm tội có tổ chức, dùng thủ đoạn tinh vi.

  4. Với bị cáo Nguyễn Cao Trí

    Bị cáo Nguyễn Cao Trí bị xét xử về hành vi chiếm đoạt của bà Trương Mỹ Lan 1.000 tỉ đồng.

    Với bị cáo Nguyễn Cao Trí, Hội đồng xét xử nhận định bị cáo chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên, nên cần xử phạt mức án tương xứng.

    Việc ông Trí nộp lại tiền khắc phục vụ án được xem là tình tiết giảm nhẹ khi lượng hình.

    Hội đồng xét xử ghi nhận bị cáo đã tác động gia đình nộp tiền khắc phục, đưa nhiều bất động sản vào để khắc phục thiệt hại.

  5. Một số đánh giá của Hội đồng xét xử

    Khi lượng hình, ngoài xem xét số tiền chiếm đoạt, gây thiệt hại cho SCB, Hội đồng xét xử đánh giá vai trò, nhận thức của các bị cáo khi thực hiện hành vi phạm tội.

    Với nhóm lãnh đạo cấp cao SCB gồm Đinh Văn Thành, Võ Tấn Hoàng Văn, Bùi Anh Dũng, Trần Thị Mỹ Dung, là những người trực tiếp nhận chỉ đạo từ bà Trương Mỹ Lan, sau đó chỉ đạo cấp dưới thực hiện. Hành vi của các bị cáo đã giúp sức tích cực cho bà Lan, gây thiệt hại đặc biệt lớn, tòa cho rằng cần có mức án nghiêm khắc.

    Với bị cáo Đỗ Thị Nhàn, Hội đồng xét xử nhận định đáng lẽ bị cáo phải chịu hình phạt nghiêm khắc nhất nhưng xét bà Nhàn đã nộp lại số tiền nhận hối lộ nên xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.

  6. 'Giành lại quyền kiểm soát Sài Gòn'

    Cựu nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ tại Việt Nam, ông David Brown, nhận định với BBC rằng phiên tòa Vạn Thịnh Phát là nỗ lực khẳng định lại quyền lực của Đảng Cộng sản đối với lối làm ăn, kinh doanh tự do của miền Nam.

    “Điều mà ông Nguyễn Phú Trọng và các đồng minh trong đảng của ông ta đang cố gắng làm là giành lại quyền kiểm soát Sài Gòn, hoặc ít nhất là ngăn chặn nó tuột khỏi tầm tay.”

    “Từ trước cho đến năm 2016, Đảng Cộng sản ở Hà Nội gần như đã để cho nhóm mafia gốc Hoa này tung hoành.”

  7. Phản ứng của bà Trương Mỹ Lan

    Sau khi nghe Hội đồng xét xử nhận định xong hành vi của mình, bà Trương Mỹ Lan gây ồn ào khiến Hội đồng xét xử phải nhắc nhở và đề nghị đảm bảo trật tự phiên tòa.

    Trước đó, Hội đồng xét xử nêu quan điểm chấp nhận toàn bộ cáo buộc của Viện kiểm sát.

    "Như vậy, hành vi của bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội Tham ô tài sản. Viện kiểm sát truy tố các bị cáo về các tội danh như cáo trạng là đúng quy định của pháp luật."

    Theo cáo trạng của viện kiểm sát, từ năm 2012 đến 2017, bà Lan đã chỉ đạo lập hồ sơ khống cho 304 khách hàng, vay 368 khoản. Đến năm 2022, các khoản vay này còn dư nợ hơn 132.000 tỷ đồng cả gốc và lãi. Sau khi cấn trừ vào số tài sản đảm bảo, các khoản vay đã gây thiệt hại 64.600 tỷ đồng. Hành vi trong giai đoạn này của bị cáo Trương Mỹ Lan là phạm tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

    Cũng theo viện kiểm sát, từ tháng 2/2018 đến tháng 10/2022, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn của Ngân hàng SCB 545.000 tỷ đồng, chiếm đoạt 304.000 tỷ; gây thiệt hại gần 130.000 tỷ đồng tiền lãi phát sinh. Hành vi ở giai đoạn này của bà Trương Mỹ Lan bị truy tố tội danh Tham ô tài sản.

    Sở dĩ có sự khác biệt này là do có sự sửa đổi về luật mà chúng tôi đã đề cập phía dưới.

    Viện kiểm sát đã đề nghị tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan án tử hình tội tham ô tài sản, 20 năm tù về tội đưa hối lộ, 19-20 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, tổng hợp hình phạt là án tử hình.

  8. Đại án Vạn Thịnh Phát: Giải mã những con số kỷ lục

    Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và nữ tỷ phú Trương Mỹ Lan từng là đế chế kinh doanh khổng lồ ở Việt Nam khi nắm trong tay những khu đất vàng và các tòa bất động sản siêu khủng như Union Square, Times Square,…

    Bà Trương Mỹ Lan cũng một thời từng được biết đến là một trong những doanh nhân giàu có và quyền lực, nhưng cũng rất bí ẩn tại Việt Nam.

    Chụp lại video, Đại án Vạn Thịnh Phát: Giải mã những con số kỷ lục
  9. Trước giờ tuyên án, bà Trương Mỹ Lan 'là bị cáo duy nhất không thừa nhận hành vi phạm tội'

    Ghi nhận trước giờ tuyên án phiên tòa xử bà Trương Mỹ Lan cùng 85 đồng phạm hôm 11/4, bà Lan là bị cáo duy nhất không thừa nhận hành vi mà bà bị cáo buộc.

    Viện kiểm sát đã đề nghị tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan án tử hình tội tham ô tài sản, 20 năm tù về tội đưa hối lộ, 19-20 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, tổng hợp hình phạt là án tử hình.

    Bên cạnh trách nhiệm hình sự, tòa cũng sẽ tuyên án về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án và xử lý vật chứng trong vụ án, trong đó có 1.169 bất động sản liên quan trực tiếp tới bà Trương Mỹ Lan đang bị cơ quan điều tra kê biên.

    Trong ngày tuyên án (11/4), Hội đồng xét xử nhận định lời khai tại tòa của các bị cáo đa số thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng. Các lời khai phù hợp với nhau, phù hợp người làm chứng, người liên quan và các chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án, đủ cơ sở xác định bị cáo Trương Mỹ Lan là chủ của hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (gọi tắt là Tập đoàn Vạn Thịnh Phát).

    Đồng thời, căn cứ tài liệu và lời khai của các bị cáo khác tại phiên tòa, thể hiện bị cáo Lan là người sở hữu thực sự và chi phối hơn 91,5% cổ phần SCB, là người thực tế có quyền lực chỉ đạo, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động của SCB; tuyển chọn, bố trí nhân sự chủ chốt tại SCB.

    Do đó Hội đồng xét xử không chấp nhận lời bào chữa của bị cáo Lan và các luật sư về việc thực tế bị cáo chỉ có 15% cổ phần, bao gồm của bị cáo và 2 người con gái. Quá trình điều tra, những người đứng tên trên 75% cổ phần tại SCB đều thừa nhận đứng tên dùm bà Trương Mỹ Lan.

    Cũng theo Hội đồng xét xử, SCB là ngân hàng thương mại cổ phần, theo quy định pháp luật, quyết định của đại hội đồng cổ đông được thông qua khi số đông cổ đông biểu quyết thông qua.

    Vì vậy, việc chiếm trên 91,5% cổ phần tại SCB nên bà Trương Mỹ Lan thực tế đã chi phối và thực chất điều hành toàn bộ hoạt động tại ngân hàng này.

    "Như vậy, hành vi của bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội ‘Tham ô tài sản’. Viện kiểm sát truy tố các bị cáo về các tội danh như cáo trạng là đúng quy định của pháp luật," Hội đồng xét xử nêu quan điểm chấp nhận toàn bộ cáo buộc của viện kiểm sát.

    Bà Trương Mỹ Lan có những tình tiết tăng nặng cũng như giảm nhẹ.

    Với tình tiết giảm nhẹ: Bà Lan được ghi nhận đã tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, phòng chống dịch Covid-19, đóng góp cho cộng đồng; được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động Hạng 3 và 31 Bằng khen của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Chủ tịch UBND TP HCM... Tại phiên tòa, bà Lan tự nguyện dùng tài sản đang tạm giữ, kê biên, phong tỏa để khắc phục hậu quả.

    Ngược lại, bà Lan có ba tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: thực hiện hành vi phạm tội có tổ chức; phạm tội từ hai lần trở lên; dùng thủ đoạn tinh vi để phạm tội.

  10. Bà Trương Mỹ Lan tiết lộ về tướng công an đã chết

    Tại phiên xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan đã có tiết lộ chấn động về danh tính người đứng ra mời bà tham gia tái cơ cấu và hợp nhất ba ngân hàng thành Ngân hàng SCB vào năm 2012.

    Tại tòa, bà Trương Mỹ Lan khai rằng chính một số lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã "động viên", nhờ đích danh bà đứng ra giúp đỡ vì bà là người có tiếng nói và uy tín, dù bà đã từ chối nhiều lần vì cho rằng mình không có nghiệp vụ về ngân hàng.

    "Vì tôi không biết gì về luật ngân hàng cả, thì lúc đó có ban hợp nhất và tái cơ cấu nên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhờ tôi bằng mọi giá phải tìm bạn bè, giúp cho kêu gọi những cổ đông của ba ngân hàng đấy đừng quậy phá nữa. Bằng mọi giá phải kêu họ tiếp tục, đồng ý hợp nhất và đi mời bạn bè mua tiếp cho đủ trên 65% thì mới cứu vãn được ba ngân hàng, để dân đừng rút tiền, đừng ảnh hưởng đến các ngân hàng khác và không ảnh hưởng đến tiền tệ quốc gia, cả hệ thống nhà nước.

    "Lúc đầu tôi từ chối rất nhiều lần. Tôi bảo rằng tôi không thích ngành ngân hàng, tôi cũng không có nghiệp vụ, không biết gì hết," Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát khai tại tòa hôm 11/3.

    Tới đây, câu hỏi đặt ra là, ai là người của nhà nước đứng ra nhờ bà Trương Mỹ Lan để việc sáp nhập ba ngân hàng thương mại diễn ra thành công vào năm 2012?

    Bà Lan đã thốt lên trước tòa hai cái tên: ông Trần Minh Tuấn và ông Phạm Quý Ngọ.

    Điều đáng nói là báo chí khi tường thuật về sự việc này chỉ nhắc đến ông Trần Minh Tuấn - nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Còn Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, cựu Thứ trưởng Bộ Công an, thì không được nêu tên trên mặt báo.

    Ông Tuấn và ông Ngọ chết cách nhau chỉ một tuần vào đầu năm 2014.

    Chụp lại video, Bà Trương Mỹ Lan tiết lộ về tướng công an đã chết
  11. Vạn Thịnh Phát: Những bí bật hé lộ tại tòa

    Những lần phản cung và khóc trước tòa của bà Trương Mỹ Lan

    Chụp lại video, Vạn Thịnh Phát: Những bí bật hé lộ tại tòa
  12. Những lãnh đạo nào nên chịu trách nhiệm về vụ án?

    Trao đổi với BBC News Tiếng Việt ngày 8/4, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà quan sát chính trị Việt Nam, nhận định rằng vụ án Vạn Thịnh Phát là một "sự bẽ bàng cho Việt Nam".

    Điều bất thường là cho tới nay, chưa có chính trị gia hay quan chức cấp cao nào phải chịu trách nhiệm cho bê bối này. Tiến sĩ Hiệp nhận xét rằng, sai phạm đã diễn ra hơn 10 năm trời, "có nghĩa là nhiều quan chức, thống đốc ngân hàng có thể có dính dáng hoặc phải chịu trách nhiệm".

    Một số nhà quan sát cho rằng có thể nhắc đến trách nhiệm của ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giai đoạn 2016-2020.

    Ông Lê Minh Hưng cũng được "đánh giá là một chính trị gia đầy triển vọng trước khi vụ việc Vạn Thịnh Phát vỡ lở".

    Một nhà quan sát chính trị Việt Nam chia sẻ với BBC News vào ngày 8/4 rằng: "Tôi nghĩ ông Lê Minh Hưng nên có trách nhiệm vì đã không ngăn chặn được vấn đề, dù không phải là người mở màn cho sai phạm nhưng tôi chắc rằng ông ấy phải nhận thấy vấn đề và lẽ ra phải ngăn chặn nó."

    "Như vậy, tôi cho rằng ông ấy nên chịu một phần trách nhiệm cho vụ án Vạn Thịnh Phát nhưng tới bây giờ, tên ông ấy vẫn không được nhắc đến trong tài liệu vụ án hay trên báo chí," nhà quan sát này đánh giá, với điều kiện ẩn danh do tính chất nhạy cảm của vấn đề khi ông Hưng vẫn còn là cán bộ cấp cao của Trung ương Đảng.

    "Liệu ông Lê Minh Hưng có thể phải chịu trách nhiệm hay không thì vẫn còn bỏ ngỏ," người này nói.

    Còn theo Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp thì "đến nay chưa có lãnh đạo cấp cao nào chịu kỷ luật cho vụ bê bối và điều này là khá là bất thường.”

    Sau thời gian làm Thống đốc Ngân hàng nhà nước, ông Hưng đã được bổ nhiệm làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng vào đầu năm 2021.

    Từ năm 2021 đến nay, ông là Bí thư Trung ương Đảng, Chánh văn phòng Trung ương Đảng, Ủy viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

    Một số ý kiến cho rằng, người tiền nhiệm của ông Hưng là ông Nguyễn Văn Bình cũng là người có thể phải chịu trách nhiệm. Ông Bình làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước từ năm 2011-2016.

    Ông là người công bố quyết định hợp nhất ba ngân hàng Sài Gòn (SCB cũ), Đệ Nhất, Tín Nghĩa thành Ngân hàng SCB vào năm 2012.

    Theo báo Tuổi Trẻ vào ngày 8/11/2020, Bộ Chính trị đã kỷ luật ông Bình bằng hình thức cảnh cáo vì các vi phạm, trong đó có việc ký ban hành nghị quyết đồng ý cho Ngân hàng Xây dựng vay đặc biệt với lãi suất 0% và không có tài sản bảo đảm.

    Bên cạnh đó, ông Bình còn chịu “trách nhiệm của người đứng đầu” khi để sai phạm xảy ra trong cơ quan do mình quản lý cũng như một số “khuyết điểm” trong vai trò quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng, chẳng hạn vụ chấp thuận cho nhóm Thiên Thanh được mua lại cổ phần của Ngân hàng Đại Tín; chấp thuận cho ông Phạm Công Danh là nhân sự dự kiến thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Xây dựng; không kiểm soát đặc biệt đối với Ngân hàng Xây dựng.

    Trong các sai phạm khiến ông Bình bị cảnh cáo mà được công khai cho báo chí, không thấy có nhắc đến chuyện ở Ngân hàng SCB.

    Những vi phạm, khuyết điểm của ông Bình được Đảng đánh giá là nghiêm trọng và nó có liên quan đến việc "thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo trong hoạt động tín dụng ngân hàng". Dù không chịu án hình sự nào nhưng sự nghiệp chính trị của ông Bình cũng bị đặt dấu chấm hết.

    Chụp lại video, VẠN THỊNH PHÁT: QUAN CHỨC CẤP CAO NÀO NÊN CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ VỤ ÁN?
  13. Bà Trương Mỹ Lan trong phòng xét xử ngày 11/4/2024

    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, Công an và các bị cáo trong phòng xét xử ngày 11/4/2024
  14. Phiên tòa bị phá sóng

    Theo cập nhật của BBC, trong phiên tòa hôm nay (11/4), phóng viên đã bị hạn chế việc tác nghiệp gồm quay hình, ghi âm tại tòa. Đây là điều khác với những ngày xét xử vừa qua.

    Trong ngày tuyên án hôm nay, phiên tòa có máy phá sóng, khiến việc tác nghiệp trở nên khó khăn hơn. Các phóng viên phải truyền tin cho nhau bằng giấy ghi chú.

    Kể từ phần tranh tụng, phóng viên phải đi tay không vô tòa, không mang theo máy tính xách tay hoặc điện thoại di động. Khi vào phòng xử án, phóng viên được phát máy tính xách tay để tác nghiệp tại chỗ.

    Về lý thuyết, luật sư Phùng Thanh Sơn nói với BBC rằng việc làm này có thể là do phiên tòa cần bảo vệ thông tin mật liên quan đến an ninh tiền tệ mà những người tham gia tố tụng, tiến hành tố tụng có thể đề cập trong lúc tranh luận.

    "Hoặc lo sợ các thế lực thù địch sử dụng file ghi âm, ghi hình đó cắt xén đưa lên mạng để xuyên tạc; hoặc cũng có thể là tòa không muốn công chúng biết hết sự thật vụ án …. Còn lý do cụ thể là gì thì chỉ có chủ tọa phiên tòa mới có thể trả lời chính xác được," ông Sơn nói.

  15. Giải thích các tội danh bà Trương Mỹ Lan bị truy tố

    Trong quá trình xét xử, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP HCM đã đề xuất tòa án tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan với các mức án như sau: tử hình về tội tham ô tài sản; 20 năm tù về tội đưa hối lộ và 19 - 20 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

    Tổng hợp mức án được đề xuất đối với bà Trương Mỹ Lan là tử hình.

    Bà Lan là bị cáo duy nhất bị đề nghị mức án tử hình.

    Tội danh bị cáo buộc của bà Lan dù cùng tính chất, hình thức nhưng lại được chia làm hai giai đoạn do lịch sử sửa đổi của Bộ luật Hình sự (BLHS).

    BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và bắt đầu có hiệu lực từ năm 2018 mở rộng nội hàm khái niệm "tham ô" để xử lý hành vi tham nhũng tại doanh nghiệp ngoài nhà nước. Trước đó, luật chỉ áp dụng tội danh này với người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực công.

    Do sự điều chỉnh đó nên trong giai đoạn 2012-2017, các sai phạm của bà Lan và đồng phạm bị cáo buộc, được quy vào tội danh vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng. Ở giai đoạn 2018-2022, với cùng hành vi, bà Trương Mỹ Lan bị xét xử về tội danh tham ô tài sản.

    Đây là điểm gây ra tranh luận giữa luật sư bào chữa cho bà Lan và Viện kiểm sát.

    Luật sư bào chữa cùng bà Trương Mỹ Lan đã đề xuất tòa xem xét lại tội danh tham ô tài sản; đề xuất kiểm tra lại tính pháp lý của chứng thư thẩm định từ Công ty thẩm định giá Hoàng Quân; đề xuất xem xét lại mức độ thiệt hại của vụ án.

    Luật sư bào chữa cho rằng hành vi mà bà bị cáo buộc từ năm 2012-2022 về bản chất là cùng phương thức, thủ đoạn xuyên suốt trong 10 năm. Tuy nhiên, vì sự sửa đổi của luật nói trên mà chia ra hai tội độc lập là "chưa thỏa đáng", làm nặng tình trạng của bà Lan.

    Thêm nữa, luật sư của bà Lan cho rằng bà không phạm tội tham ô tài sản vì bà không phải là người có chức vụ và quyền hạn tại SCB.

    Trong khi đó, Viện kiểm sát nói chủ thể tội này là "người nào có chức vụ, quyền hạn" chứ không phải "có chức vụ và quyền hạn" và thực chất bà Trương Mỹ Lan nắm quyền cao nhất SCB, điều hành các bị cáo có chức vụ khác.

  16. Vụ bà Đỗ Thị Nhàn nhận 5,2 triệu USD

    Về hoạt động thanh tra của Đoàn thanh tra Ngân hàng Nhà nước tại SCB, Hội đồng xét xử nhận định, trong quá trình thanh tra, bà Trương Mỹ Lan đã gặp gỡ bàn bạc, trao đổi với bà Đỗ Thị Nhàn, Trưởng đoàn thanh tra. Đồng thời, bà Lan đã chỉ đạo ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng Giám đốc SCB tiếp xúc, trực tiếp nhiều lần đưa tiền cho bà Đỗ Thị Nhàn (tổng số tiền 5,2 triệu USD).

    Song song đó, phía SCB đưa tiền, quà bồi dưỡng các thành viên trong đoàn thanh tra, cao nhất là 390.000 USD và thấp nhất là 40 triệu đồng.

    Theo tòa, bị cáo Đỗ Thị Nhàn đã che giấu, báo cáo không trung thực, không đầy đủ các sai phạm của SCB theo hướng giảm nhẹ, có lợi cho SCB để SCB không bị đưa vào kiểm soát đặc biệt và tiếp tục kiến nghị đề xuất tạo điều kiện cho SCB được thực hiện tái cơ cấu.

  17. Tình hình buổi tuyên án

    Sáng nay (11/4), Tòa án nhân dân TP HCM sẽ tuyên án sơ thẩm đối với bà Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo khác trong vụ Vạn Thịnh Phát sau hơn một tháng xét xử.

    Hôm nay là một ngày rất nóng tại TP HCM, trung tâm kinh tế của Việt Nam.

    Nhiệt độ vào đầu buổi sáng đã lên tới trên 30 độ C và dự báo đỉnh điểm sẽ lên tới 39 độ C, một mức kỷ lục.

    Trong một ngày nắng nóng như vậy thì một sự kiện rất nóng cũng đang diễn ra.

    Hôm nay, tòa án sẽ đưa ra các phán quyết cho một vụ án chấn động dư luận, vụ án kinh tế với số tiền bị cáo buộc lớn nhất từ trước đến nay.

    Địa điểm xử án bị phá sóng điện thoại, do đó các phóng viên phải viết giấy gửi ra ngoài để đồng nghiệp cập nhật lên website.