Vinfast và hình ảnh quốc gia

  • Nguyễn Hà Hùng
  • Gửi tới BBC từ Hà Nội
vinfast

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Paris Motor Show 2018, Vinfast làm khán giả choáng váng.

Chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào làm lớn đến thế. Chưa có doanh nghiệp, nhà sản xuất ô tô ngoại quốc nào làm nhanh và lạ lùng như vậy. Thông điệp được nhắc đi nhắc lại, xuyên suốt các kênh truyền thông (Việt Nam) không phải là hàng hóa, dịch vụ của mình tốt hơn và/hoặc rẻ hơn, mà là tự hào. Cách thức truyền thông của Vinfast cho thấy họ muốn nói điều đó với toàn thể "quốc dân", đồng bào, chứ không tập trung vào khách hàng tiềm năng.

Ngôn ngữ chính được Vinfast tận dụng tối đa là hình ảnh quốc gia. Quốc kỳ, tên nước, yếm, áo dài, tre nứa trong tiếng sáo trúc… (gọi chung là hình ảnh quốc gia). Trên nền cờ đỏ sao vàng, theo sau hai chiếc ô tô là Hoa hậu Việt Nam 2018, trên tay cầm hai lá cờ. Chúng không có biểu tượng Vinfast, lại là cờ đỏ. Cô ấy, đứng trên sân khấu, rành rọt nói với cựu ngôi sao Beckham tặng anh một lá, trước cử tọa là đại diện báo chí, các kênh truyền thông toàn cầu.

Chúng ta đã rất quen với hình ảnh quốc kỳ Việt Nam có mặt khắp nơi. Hồn nhiên và vô tư. Gần đây, trong một màn trình diễn nổi tiếng thế giới, hai diễn viên tài năng Quốc Cơ, Quốc Nghiệp, tham gia cuộc thi tìm kiếm tài năng ở Anh với tính chất cá nhân, hai anh đã gắn cờ Việt Nam trên bộ đồng phục mầu bộ đội. Video về cô gái cởi truồng quấn cờ Việt Nam cổ vũ đội U23 lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội. Hình ảnh quốc gia không thể sử dụng tùy tiện như vậy.

Hình ảnh quốc gia, nước xuất xứ (country of origin) là một công cụ, tài nguyên giá trị, thậm chí có giá trị lớn. Doanh nghiệp sử dụng hình ảnh quốc gia sẽ làm tăng mức độ tín nhiệm của mình, bởi nó có tính chất nghiêm túc. Khách hàng, đối tác có xu hướng tin rằng doanh nghiệp đó ưu tú, đại diện cho một đất nước. Hình ảnh quốc gia là tài sản. Nó đương nhiên thuộc sở hữu toàn dân, những người đang sống. Nó còn là di sản, thành quả của cha anh dành lại cho những thế hệ mai sau.

"Trên nền cờ đỏ sao vàng, theo sau hai chiếc ô tô là Hoa hậu Việt Nam 2018, trên tay cầm hai lá cờ. Chúng không có biểu tượng Vinfast, lại là cờ đỏ."

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, "Trên nền cờ đỏ sao vàng, theo sau hai chiếc ô tô là Hoa hậu Việt Nam 2018, trên tay cầm hai lá cờ. Chúng không có biểu tượng Vinfast, lại là cờ đỏ."

Đã là tài nguyên, công cụ, tài sản của đất nước thì chỉ những ai, tổ chức nào đủ khả năng sử dụng, đủ khả năng làm giầu, làm đẹp hình ảnh quốc gia mới được dùng. Bất kể vì mục tiêu gì, lợi nhuận hay phi lợi nhuận, từ thiện hay giáo dục… Tuyên truyền về sự tự hào, kể cả tự hào dân tộc, cũng cần nêu lý do và bằng chứng rõ ràng. Người dân chỉ có thể tự hào khi ý thức rõ, chứng minh được quốc gia của mình có những thành tựu lớn hơn các quốc gia khác. Ví dụ, giầu đẹp hơn, an toàn hơn, tự do hơn.

Vinfast nên nói rõ bản sắc Việt là gì, giá trị đến mức nào, khi tuyên bố sản phẩm của mình có "Bản sắc Việt - Thiết kế Ý - Công nghệ Đức - Tiêu chuẩn quốc tế". Nếu đủ tự tin, chứng minh được, hãy cho thế giới thấy rằng, thiếu bản sắc Việt, thiết kế Ý và công nghệ Đức, không thể đạt chuẩn quốc tế. Như vậy chẳng cần tuyên truyền, người Việt Nam sẽ rất đỗi tự hào về thương hiệu Vinfast. Hơn thế, khi cần người dân sẽ ra sức bảo vệ và bảo vệ thành công thương hiệu đó, vì họ có niềm tin và chứng lý mạnh mẽ.

Hình ảnh Việt Nam rất cần được quản lý và hướng dẫn để tất cả mọi người dân đều được hưởng lợi, ít nhất là được tiếng thơm. Người dân, doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam ai cũng có bổn phận bảo vệ hình ảnh đất nước, ít nhất hãy dùng một cách cân nhắc và tiết kiệm. Chính phủ có thể tham khảo, học hỏi từ những quốc gia đã phát triển về vấn đề này. Chẳng hạn, Ủy ban Thương mại Liên bang, Mỹ (The Federal Trade Commission), họ yêu cầu tất cả cá nhân/tổ chức bắt buộc phải tuân thủ các chuẩn mực về việc sử dụng nhãn hiệu Mỹ. Hãy hạn chế tình trạng hình ảnh quốc gia giá trị đã thấp, nay có thể còn thấp hơn.

Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả.