SpaceX tạm dừng thảo luận về Starlink với Việt Nam

Công ty của ông Elon Musk gặp trở ngại khi tham gia thị trường Việt Nam

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Công ty của ông Elon Musk gặp trở ngại khi tham gia thị trường Việt Nam

SpaceX tạm hoãn đàm phán cung cấp dịch vụ viễn thông bằng vệ tinh Starlink cho Việt Nam, đồng thời ngừng hỗ trợ drone cho Cảnh sát biển Việt Nam, theo ba nguồn tin của Reuters.

Việt Nam hiện đang lên kế hoạch nâng cấp hạ tầng kỹ thuật internet của mình sau sự cố mất kết nối năm tuyến cáp quang biển lớn gần đây.

Việt Nam cũng cần thêm dịch vụ vệ tinh để phục vụ các khu vực miền núi rộng lớn và vùng biển – những nơi thường xuyên xảy ra tranh chấp với Trung Quốc.

Theo một nguồn tin trong ngành, các cuộc thảo luận giữa công ty của ông Elon Musk và các cơ quan chức năng Việt Nam đã kéo dài nhiều tháng, trong đó đại diện của SpaceX tham gia vào một chiến dịch kinh doanh lớn của Mỹ vào Việt Nam từ tháng Ba năm ngoái.

Một quan chức Việt Nam đã xác nhận rằng SpaceX và đại diện của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã tổ chức vài cuộc họp từ ít nhất giữa năm ngoái đến tháng 11/2023.

Tuy nhiên, nguồn tin trong ngành nói với Reuters rằng những cuộc thảo luận này đã bị gián đoạn vào quý 4 năm 2023 khi tình hình cho thấy chính quyền quốc gia cộng sản này đã thể hiện rõ quan điểm sẽ không nới lỏng hạn chế về sở hữu nước ngoài đối với Spacex.

Theo một quan chức Việt Nam khác, việc đình chỉ đàm phán này đã gây ra những gián đoạn kể từ tháng 11/2023 đối với dịch vụ thử nghiệm mà Starlink đã cung cấp cho Cảnh sát biển Việt Nam; đây là một dịch vụ không được công bố cho phép Cảnh sát biển Việt Nam sử dụng vệ tinh của Starlink để điều hướng drone ở khu vực Biển Đông và Vịnh Thái Lan.

Cảnh sát Biển Việt Nam từng sử dụng dịch vụ thử nghiệm của Starlink để điều hướng drone ở khu vực Biển Đông

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Cảnh sát Biển Việt Nam từng sử dụng dịch vụ thử nghiệm của Starlink để điều hướng drone ở khu vực Biển Đông

Không có nguồn tin nào từ Reuters cho biết liệu các cuộc thảo luận sẽ tiếp tục hay không.

Ba nguồn tin của Reuters, một từ khối tư nhân và hai từ các cơ quan nhà nước Việt Nam, từ chối tiết lộ danh tính do cung cấp tin tức chưa công khai.

SpaceX, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam cũng như Bộ quốc phòng của Việt Nam không phản hồi yêu cầu bình luận.

Theo nguồn tin trong ngành, SpaceX trước đó đã tìm cách xin ngoại lệ đối với quy định sở hữu nước ngoài của Việt Nam. Giới hạn sở hữu tối đa hiện là 50% cổ phần trong những công ty viễn thông có hạ tầng kỹ thuật mạng.

Tuy nhiên, bản sửa đổi luật về viễn thông (Luật Viễn thông 2023) của Việt Nam do Quốc hội phê duyệt vào tháng 11/2023 không nới rộng giới hạn nói trên.

Trong một dự thảo nghị định công báo vào tháng 2/2024 nhằm thực thi luật sửa đổi nói trên, cơ quan chức năng bổ sung thêm yêu cầu đối với các nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh liên quan đến sự hiện diện tại Việt Nam và kiểm soát luồng lưu thông dữ liệu.

Nguồn tin trong ngành nói SpaceX cũng đã bàn bạc với Việt Nam về việc cung cấp các dịch vụ công nghệ cho các trạm quân sự tiền phương.

SpaceX phóng thành công tên lửa Falcon 9 chở 22 vệ tinh liên lạc Starlink ngày 2/1/2024

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, SpaceX phóng thành công tên lửa Falcon 9 chở 22 vệ tinh liên lạc Starlink ngày 2/1/2024

Theo dữ liệu từ các dịch vụ theo dõi tàu bè, các tàu của Trung Quốc, bao gồm cả tàu cảnh sát biển và tàu nghiên cứu, thường xuyên đi qua Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, khiến Hà Nội nhiều lần lên tiếng phản đối.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên phần lớn khu vực Biển Đông, bao gồm các khu vực quốc tế công nhận là Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam – rộng 200 hải lý (370km) tính từ bờ biển của nước này.

Tháng trước, một bài viết trong mục quan điểm trên một tạp chí quân sự Trung Quốc mô tả việc triển khai của Starlink là "mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh tài sản vũ trụ của nhiều quốc gia ".

Bộ Quốc phòng Trung Quốc hiện chưa trả lời yêu cầu bình luận.