BBC tìm thấy kẻ buôn người bị truy nã ráo riết nhất châu Âu

Barzan Majeed, được biết đến với cái tên "Bọ Cạp", bị nhiều lực lượng cảnh sát truy nã
Chụp lại hình ảnh, Barzan Majeed, được biết đến với cái tên "Bọ Cạp", bị nhiều lực lượng cảnh sát truy nã
  • Tác giả, Sue Mitchell
  • Vai trò, BBC News

Tôi đang ngồi trong một trung tâm thương mại ở Iraq, đối diện một trong những kẻ buôn người khét tiếng nhất châu Âu.

Tên hắn ta là Barzan Majeed và hắn ta bị cảnh sát ở nhiều quốc gia truy nã, bao gồm cả cảnh sát Anh.

Trong cuộc trò chuyện của chúng tôi – cả ở trung tâm thương mại này và hôm sau tại văn phòng của Majeed – hắn ta đều nói rằng không biết đã đưa bao nhiêu người di cư vượt eo biển Manche.

“Có thể là 1.000, có thể là 10.000. Tôi chịu, tôi chẳng đếm.”

Cuộc gặp này là thành quả của một nhiệm vụ tưởng chừng bất khả thi chỉ vài tháng trước.

Tôi và Rob Lawrie, một cựu binh sĩ làm việc với người tị nạn, đã lên đường tìm kiếm và chất vấn người đàn ông được gọi là Bọ Cạp.

Trong nhiều năm, Majeed và băng nhóm của hắn ta kiểm soát phần lớn hoạt động buôn người - bằng thuyền và xe tải - qua eo biển Manche.

Từ năm 2018 đến tháng 4/2024, đã có hơn 70 người thiệt mạng khi vượt biển bằng thuyền.

Mỗi năm có hàng chục nghìn người di cư cố gắng vượt qua eo biển Manche

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh, Mỗi năm có hàng chục ngàn người di cư cố gắng vượt qua eo biển Manche

Đó là một hành trình nguy hiểm, nhưng vớinhững kẻ buôn người thì đây là một công việc béo bở.

Chúng có thể tính phí khoảng 7.500 USD (hơn 191 triệu VND) cho mỗi người vượt biển bằng thuyền.

Với việc có tới 30.000 tìm cách vượt biển vào năm 2023, có thể thấy rõ tiềm năng sinh lời của công việc này.

Chúng tôi bắt đầu quan tâm tới Bọ Cạp sau khi gặp một bé gái trong một trại tị nạn gần thành phố Calais thuộc miền bắc nước Pháp.

Cô bé suýt mất mạng khi tìm cách vượt biển trên một chiếc thuyền cao su bơm hơi.

Con thuyền vốn không đủ chất lượng để đi biển. Nó rẻ tiền, là đồ cũ được mua lại ở Bỉ và 19 người đi trên thuyền không hề mặc áo phao.

Ai lại đưa người ta ra biển như vậy cơ chứ?

Khi bắt giữ những người nhập cư trái phép, cảnh sát Anh sẽ tịch thu và kiểm tra điện thoại di động của họ.

Từ năm 2016 đổ lại đây, có một số điện thoại liên tục xuất hiện.

Số này thường được lưu là “Bọ Cạp”, nhưng thỉnh thoảng ở dưới dạng hình ảnh một con bọ cạp.

Martin Clarke, một sĩ quan điều tra cấp cao tại Cơ quan Chống Tội phạm Quốc gia Anh (NCA), cho biết các nhân viên của họ sau đó đã nhận ra "Bọ Cạp" được dùng để ám chỉ một người đàn ông người Kurd ở Iraq có tên là Barzan Majeed.

Năm 2006, ở tuổi 20, chính Majeed đã được chở lậu vào Anh trên một chiếc xe tải.

Majeed bị từ chối giấy phép tạm trú hợp pháp chỉ một năm sau đó. Tuy vậy, Majeed vẫn ở lại Anh thêm vài năm – một phần thời gian là ở trong tù vì tội tàng trữ súng và ma túy.

Năm 2015, gã ta bị trục xuất về Iraq.

Chẳng bao lâu sau, Majeed được cho rằng đã “thừa hưởng” một đường dây buôn người từ anh trai, người đang thụ án tù ở Bỉ.

Majeed dần được biết đến với cái tên Bọ Cạp.

Từ năm 2016 tới năm 2021, băng nhóm của của Bọ Cạp được cho là đã kiểm soát phần lớn hoạt động buôn người giữa châu Âu và Vương quốc Anh.

Năm 2012, Majeed làm thợ sửa xe ở thành phố Nottingham (Anh)

Nguồn hình ảnh, Facebook

Chụp lại hình ảnh, Năm 2012, Majeed làm thợ sửa xe ở thành phố Nottingham (Anh)

Một chiến dịch kéo dài 2 năm của cảnh sát quốc tế đã dẫn tới việc kết án 26 thành viên của băng nhóm này ở các tòa án tại Anh, Pháp và Bỉ.

Tuy nhiên, Bọ Cạp đã trốn thoát và lẩn trốn.

Một tòa án ở Bỉ đã xét xử vắng mặt và kết án Bọ Cạp với 121 tội danh buôn người.

Tháng 10/2022, Bọ Cạp bị kết án 10 năm tù giam kèm khoản tiền phạt 968.000 euro (hơn 26 tỷ VND).

Kể từ đó, hành tùng của Bọ Cạp luôn bí ẩn. Đó cũng chính là điều mà chúng tôi muốn tìm hiểu.

Nguồn tin của Rob đã giới thiệu chúng tôi với một người đàn ông Iran. Người này nói rằng đã có giao dịch với Bọ Cạp để vượt eo biển Manche.

Bọ Cạp đã nói với người đàn ông này rằng gã ta đang ở Thổ Nhĩ Kỳ và điều phối công việc kinh doanh từ đó.

Tại Bỉ, chúng tôi đã tìm được anh trai của Majeed - giờ đã ra tù.

Người này cũng nói rằng khả năng cao là Bọ Cạp đang ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Bọ Cạp (không bị mờ mặt) cùng các anh em của mình - không rõ ngày và địa điểm của bức ảnh
Chụp lại hình ảnh, Bọ Cạp (không bị mờ mặt) cùng các anh em của mình - không rõ ngày và địa điểm của bức ảnh

Đối với hầu hết những người di cư đến Anh, Thổ Nhĩ Kỳ là điểm trung chuyển quan trọng.

Do luật nhập cư của nước này, việc xin thị thực nhập cảnh từ châu Phi, châu Á và Trung Đông tương đối dễ dàng.

Tin nặc danh đã dẫn chúng tôi đến một quán cà phê ở Istanbul – địa điểm những kẻ buôn người thường xuyên lui tới.

Gần đây người ta đã thấy Barzan Majeed ở đó.

Việc điều tra ban đầu không thuận lợi lắm. Khi chúng tôi hỏi người quản lý quán rằng liệu anh ta có thể cho chúng tôi biết về đường dây này không - quán cà phê trở nên im lặng.

Ngay sau đó, một người đàn ông đi ngang qua bàn chúng tôi và cố tình để lộ khẩu súng bên trong chiếc áo khoác ông ta đang mặc.

Điểm đến tiếp theo có nhiều hứa hẹn hơn.

Chúng tôi được báo rằng Majeed mới đây đã gửi đi 200.000 euro (gần 5,5 tỷ VND) qua một tiệm đổi tiền cách đấy vài dãy phố.

Chúng tôi để lại số điện thoại của mình ở đó.

Tới giữa đêm hôm sau, điện thoại của Rob đổ chuông.

Trên điện thoại hiện dòng chữ “Số điện thoại bị ẩn”. Đầu dây bên kia tự xưng là Barzan Majeed.

Khi đó đã là nửa đêm và cuộc gọi cũng đến quá bất ngờ, chúng tôi không có thời gian để ghi âm cuộc gọi.

Rob thuật lại giọng nói trong điện thoại:

Gã ta nói ‘Tôi nghe nói anh đang tìm tôi’, nên tôi hỏi 'Anh là ai? Bọ Cạp à?'

“Gã ta đáp, 'Ha, anh muốn gọi tôi như thế à? Được thôi.'"

Không có cách nào biết chắc được đây có phải là Barzan Majeed hay không, nhưng những chi tiết người đàn ông này cung cấp trùng khớp với những gì chúng tôi biết.

Người này nói mình đã sống ở Nottingham tới khi bị trục xuất vào năm 2015.

Hắn ta phủ nhận có dính líu tới các đường dây buôn người.

"Đó không phải là sự thật!" hắn ta phủ nhận.

"Đó hoàn toàn là câu chuyện được truyền thông thêu dệt."

Kết nối liên tục bị ngắt quãng và, mặc cho sự cẩn trọng của chúng tôi trong cách thăm dò, người đàn ông này không cung cấp thêm bất kỳ mang mối nào vị trí của hắn ta.

Thổ Nhĩ Kỳ là điểm trung chuyển quan trọng của người di cư tới châu Âu

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Thổ Nhĩ Kỳ là điểm trung chuyển quan trọng của người di cư tới châu Âu

Chúng tôi không biết khi nào, và liệu người đàn ông này có gọi lại hay không.

Giữa lúc đó, nguồn tin địa phương của Rob nói với chúng tôi rằng Bọ Cạp hiện đang tham gia vào hoạt động chuyển lậu người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Hy Lạp và Ý.

Những gì chúng tôi được nghe thật sự đáng lo ngại.

Có khi có tới 100 người, cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em chen chúc trên một chiếc thuyền vốn được dùng để chở 12 người.

Những chiếc thuyền thế này thường được những kẻ buôn người không hề có kinh nghiệm đi biển điều khiển và đi theo một hải trình nguy hiểm giữa các cụm đảo nhỏ để tránh các cuộc tuần tra của cảnh sát biển.

Có thể kiếm được rất nhiều tiền từ hoạt động này.

Mỗi người được cho là phải trả khoảng 10.000 euro (khoảng 275 triệu đồng) cho một suất trên thuyền.

Trong 10 năm qua, hơn 720.000 người được cho là đã cố gắng vượt qua vùng biển phía đông Địa Trung Hải để vào châu Âu.

Trong số này, gần 2.500 người đã thiệt mạng, hầu hết là do chết đuối.

Julia Schafermeyer từ tổ chức SOS Địa Trung Hải nói rằng những kẻ buôn người đã đẩy mọi người vào tình huống rất nguy hiểm cho tính mạng:

“Tôi nghĩ chúng chẳng hề quan tâm đến việc những người đó [những người nhập cư] sống hay chết”.

Tầm khoảng thời gian này, chúng tôi đã có cơ hội hỏi trực tiếp Bọ Cạp.

Một cách đột ngột, hắn ta gọi lại cho chúng tôi.

Tháng 2/2023: Ít nhất 95 người di cư chết trên thuyền vượt biên từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Ý

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Tháng 2/2023: Ít nhất 95 người di cư chết trên thuyền vượt biên từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Ý

Hắn ta vẫn tiếp tục phủ nhận việc mình là một kẻ buôn người.

Tuy nhiên, có vẻ với hắn ta, “kẻ buôn người” chỉ là những kẻ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, chứ không phải kẻ đứng đằng sau giật dây.

“Phải có mặt ở đó mới tính chứ,” hắn ta nói với chúng tôi.

“Ngay cả bây giờ, tôi cũng đâu có mặt ở đó.”

Hắn ta nói mình chỉ là “người cầm tiền”.

Majeed dường như cũng chẳng hề đồng cảm với những người di cư chết đuối.

“Thượng đế [định rõ] khi nào người ta chết, nhưng đôi khi là do lỗi của người đó," hắn ta nói.

"Thượng đế có bao giờ bảo ‘Hãy lên thuyền đi’ đâu.”

Điểm dừng chân tiếp theo của chúng tôi là khu nghỉ dưỡng Marmaris.

Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng Bọ Cạp có một căn biệt thự tại đây.

Sau khi hỏi thăm xung quanh, chúng tôi nhận được cuộc gọi từ một người phụ nữ nói rằng mình từng thân thiết với Bọ Cạp.

Bọ Cạp được cho là sở hữu một biệt thự ở thành phố nghỉ dưỡng Marmaris của Thổ Nhĩ Kỳ

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Bọ Cạp được cho là sở hữu một biệt thự ở thành phố nghỉ dưỡng Marmaris của Thổ Nhĩ Kỳ

Cô ta kể mình có biết việc Majeed tham gia vào hoạt động buôn người.

Cô ta nói thêm rằng dù công việc này khiến Majeed căng thẳng, hắn ta chỉ nghĩ tới tiền chứ không hề quan tâm tới số phận của những người di cư.

“Anh ta chẳng quan tâm đến họ. Điều đó thật đáng buồn, nhỉ?” cô ta nói.

“Thỉnh thoảng tôi lại nghĩ về điều đó và cảm thấy xấu hổ. Tôi có biết về công việc đó, tôi cũng biết nó chẳng tốt đẹp gì.”

Cô ta cho biết gần đây không nhìn thấy Majeed ở căn biệt thự của hắn ta tại khu Marmaris.

Có người báo cho cô ta rằng Majeed có thể đang ở Iraq.

Điều này được một nguồn tin khác xác nhận. Nguồn tin này kể rằng đã tận mắt nhìn thấy Bọ Cạp tại một tiệm đổi tiền ở Sulaymaniyah - một thành phố thuộc vùng Kurdistan của Iraq.

Chúng tôi lập tức khởi hành và tính rằng sẽ bỏ cuộc nếu không tìm thấy Bọ Cạp ở đó.

Nguồn tin của Rob sau đó đã liên lạc được với Bọ Cạp.

Bọ Cạp nghi ngờ và lo rằng chúng tôi có kế hoạch bắt cóc và đưa hắn ta về châu Âu.

Một loạt tin nhắn được gửi tới, đầu tiên là cho nguồn tin của Rob, rồi sau đó là cho Rob.

Bọ Cạp nói có thể gặp chúng tôi, nhưng chỉ khi hắn ta là người chọn địa điểm.

Chúng tôi từ chối, lo sợ rằng hắn ta đang tìm cách gài bẫy chúng tôi.

Có thêm một tin nhắn, với nội dung rất đơn giản: “Các bạn đang ở đâu?”

Chúng tôi nói đang trên đường đến một trung tâm thương mại.

Bọ Cạp bảo chúng tôi hãy gặp hắn ta tại quán cà phê ở tầng trệt.

Cuối cùng thì chúng tôi đã gặp Bọ Cạp.

Cuộc gặp gỡ của chúng tôi với Bọ Cạp đã được bí mật quay phim lại
Chụp lại hình ảnh, Cuộc gặp gỡ của chúng tôi với Bọ Cạp đã được bí mật quay phim lại

Barzan Majeed trông giống một tay chơi golf giàu có.

Hắn ta ăn mặc lịch sự, với quần jean mới, áo sơ mi xanh nhạt với chiếc gi lê đen.

Khi hắn ta đặt tay lên bàn, tôi thấy móng tay của hắn ta được chăm sóc kỹ lưỡng.

Cùng lúc, có ba người đàn ông tới ngồi vào một bàn ở gần chúng tôi.

Có lẽ họ là vệ sĩ của Majeed.

Một lần nữa, hắn ta phủ nhận mình là trùm sò của một tổ chức tội phạm.

Hắn ta nói rằng mình bị thành viên của các băng nhóm khác đổ tội.

“Một vài kẻ khi bị bắt đã khai ‘Chúng tôi làm việc cho hắn’. Bọn chúng muốn được giảm án.”

Majeed cũng có vẻ cay cú khi những kẻ buôn người khác đã được cấp hộ chiếu Anh và có thể tiếp tục hoạt động.

“Trong ba ngày, có kẻ đã đưa 170-180 người từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Ý, trong tay vẫn cầm hộ chiếu Anh!" hắn ta nói.

"Tôi muốn đến một quốc gia khác để kinh doanh nhưng không thể."

Khi chúng tôi gặng hỏi về trách nhiệm của Majeed đối với cái chết của những người di cư, hắn ta lặp lại những gì đã nói trên điện thoại - rằng hắn ta chỉ cầm tiền và đặt hộ chỗ trên thuyền.

Đối với Majeed, kẻ buôn người là những kẻ trực tiếp chất người lên thuyền hoặc xe tải để vận chuyển:

"Tôi chưa bao giờ đưa ai lên thuyền và cũng chưa bao giờ giết ai."

Cuộc trò chuyện kết thúc, nhưng Bọ Cạp mời Rob đến xem tiệm đổi tiền mà hắn ta đang làm việc ở Sulaymaniyah.

Đó là một văn phòng nhỏ, có vài dòng chữ Ả Rập và số điện thoại trên cửa sổ.

Mọi người đến đây để trả tiền cho chuyến vượt biển.

Rob kể lại rằng khi ở đó, anh ấy đã nhìn thấy một người đàn ông cầm theo một hộp đầy tiền mặt.

Tại đó, Bọ Cạp kể về việc tham gia vào đường dây buôn người vào năm 2016, thời điểm hàng ngàn người kéo tới châu Âu.

“Chẳng ai ép họ cả. Họ muốn vậy,” hắn ta nói.

"Họ van xin những kẻ buôn người, 'Xin hãy giúp chúng tôi.'

“Đôi khi những kẻ buôn người sẽ nói, 'Vì Thượng Đế, tôi sẽ giúp họ'.

“Rồi sau đó họ [những người nhập cư] lại phàn nàn, nói rằng 'Ồ, cái này thế này, cái kia thế nọ ...' Điều đó không hề đúng sự thật."

Tờ thông tin của các công tố viên ở Bỉ - nơi Bọ Cạp bị xét xử và kết án vắng mặt
Chụp lại hình ảnh, Tờ thông tin của các công tố viên ở Bỉ - nơi Bọ Cạp bị xét xử và kết án vắng mặt

Từ năm 2016 đến năm 2019, Bọ Cạp nói mình là một trong hai người điều hành chính các hoạt động ở Bỉ và Pháp.

Hắn ta thừa nhận đã có hàng triệu đô la qua tay mình vào thời đó.

"Đó là những gì tôi đã làm. Tiền, địa điểm, hành khách, kẻ buôn người ... Tôi là trung gian ở giữa tất cả những cái đó."

Majeed phủ nhận mình vẫn còn dính dáng tới hoạt động buôn người.

Tuy nhiên, những hành động của hắn ta lại mâu thuẫn với điều đó.

Bọ Cạp không nhận ra điều đó, nhưng khi hắn ta lướt điện thoại, Rob đã để ý thấy hình ảnh phản chiếu của màn hình ở bức tường phía sau.

Rob thấy một danh sách dài các số hộ chiếu.

Sau này chúng tôi mới biết rằng những kẻ buôn người sẽ gửi những số hộ chiếu này cho các quan chức Iraq.

Các quan chức này sau đó sẽ nhận hối lộ để cấp thị thực giả giúp người di cư có thể đi đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Đó là lần cuối cùng chúng tôi nhìn thấy Bọ Cạp.

Trong từng giai đoạn, chúng tôi đều chia sẻ những phát hiện của mình với nhà chức trách ở Anh và châu Âu.

Ann Lukowiak, một công tố viên ở Bỉ đã tham gia truy tố Bọ Cạp, vẫn hy vọng một ngày nào đó Bọ Cạp sẽ bị dẫn độ từ Iraq về Bỉ.

"Điều quan trọng là chúng tôi gửi đi thông điệp rằng không phải muốn làm gì thì làm," bà nói.

"Rồi một ngày chúng tôi sẽ bắt được hắn.”